Hăm tã là hiện tượng phổ biến và hầu như bé nào cũng gặp phải, không phải một mà là rất nhiều lần. Tuy vậy, mỗi khi nhìn thấy những đốm đỏ li ti trên mông, đùi của con, khiến con đau rát, khó chịu, mẹ lại không khỏi xót xa, lo lắng. Bôi kem trị hăm là cách thông dụng thường được các mẹ mách nhau nhưng làn da của con còn non nớt, mỏng mảnh nên có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi hóa chất. Các mẹo trị hăm tã dưới đây được sưu tầm từ kinh nghiệm của nhiều bà mẹ khắp nơi trên thế giới sẽ giúp làm dịu sự ngứa, rát bằng những nguyên liệu tự nhiên.
1. Dầu dừa
Dầu dừa với đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn nên có thể sử dụng để trị hăm tã. Mẹ chỉ cần thoa một lớp mỏng lên vùng da phát ban đỏ để làm dịu và giúp da ẩm, mềm. Mẹ dùng loại dầu dừa nguyên chất (Virgin coconut oil) để có tác dụng nhanh chóng.
2. Sữa mẹ
Kháng sinh tự nhiên trong sữa mẹ giúp diệt khuẩn, làm sạch da và từ đó trị hết hăm tã. Mẹ nên dùng phần sữa đầu (sữa trong) để thoa lên da cho bé vì sữa cuối (sữa màu trắng đục) chứa chất béo, có thể làm bít lỗ chân lông trên da. Mẹ thoa 1-2 lớp và để da khô tự nhiên trước khi mặc quần/tã mới.
3. Dấm táo hoặc dấm gạo
Dấm cũng có khả năng kháng khuẩn, làm sạch da, đồng thời còn loại bỏ mùi hôi của nước tiểu trên da. Mẹ pha một thìa cà phê dấm táo hoặc dấm gạo vào cốc nước và rửa cho con mỗi lần thay tã, không đổ trực tiếp dấm lên làn da mỏng manh của bé.
4. Thuốc muối (Baking soda)
Baking soda không chỉ trị có tác dụng nhẹ nhàng với vùng da bị hăm tã mà còn giúp phục hồi sự cân bằng PH cho phần da bị tổn thương. Mẹ hãy hòa 2 muỗng bột baking soda với 4 cốc nước để rửa cho bé mỗi lần thay tã. Trong trường hợp bị nặng hơn, mẹ hòa hai muỗng bột baking soda vào nước ấm và ngâm mông bé trong 10 phút, 3 lần/ngày.
5. Lô hội
Lô hội (Aloe vera) có tác dụng chống viêm nhiễm và chứa thành phần vitamin E tự nhiên, hiệu quả trong điều trị hăm tã. Mẹ cắt một lát mỏng lá lô hộp và thoa lên vùng da bị hăm, để khô tự nhiên rồi mới mặc quầ/tã mới. Tuy nhiên, mẹ cần chọn mua lá lô hội ở các cửa hàng rau sạch (rau hữu cơ), không phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản để tránh tổn thương da bé.
6. Dầu ô liu
Loại dầu này phù hợp với mọi lứa tuổi và rất lành tính. Để trị hăm tã, mẹ pha dầu ô liu với nước ấm theo tỷ lệ 1/1 và thoa lên da cho bé. Dầu ô liu sẽ tạo thành một lớp bảo vệ, ngăn vi khuẩn trong nước tiểu xâm nhập vào da bé.
7. Yến mạch
Bột yến mạch rất giàu protein, giúp làm dịu vùng da phát ban đỏ. Mẹ chỉ cần thêm 1-2 muỗng canh bột yến mạch vào nước tắm hàng ngày cho bé hoặc ngâm yến mạch trong nước rửa mỗi lần thay tã. Mẹ thực hiện khoảng 2 lần/ngày và trong 3-4 ngày liên tục để vừa trị hăm tã vừa dưỡng da cho bé.
8. Ánh nắng mặt trời
Cách này có thể còn khá lạ với các mẹ nhưng ánh nắng là một chất khử trùng tốt, tiết kiệm. Vi khuẩn và nấm sẽ bị ánh nắng tiêu diệt. Đặc biệt, với các bé, vừa có thể tắm nắng để tổng hợp vitamin D vừa trị hăm tã - một công đôi việc. Thời điểm thích hợp để cho bé tắm nắng là 7-10h sáng (mùa đông), 6-8h sáng mùa hè và sau 4h-5h chiều.
9. Trà xanh
Đây là một trong những cách phổ biến nhất nhưng vì sử dụng nguyên liệu thiên nhiên nên có thể mẹ sẽ không thấy tác dụng ngay. Vì thế, nhiều mẹ thường kết hợp rửa nước trà xanh và bôi kem trị hăm, kem dưỡng đa năng để tăng hiệu quả.
Nguyên nhân chính gây hăm tã: - Da bé liên tục tiếp xúc với tã bẩn (nước tiểu và phân). - Da bé nhạy cảm với loại tã đang dùng. - Da bé không được rửa sạch sau mỗi lần vệ sinh. - Dị ứng với sản phẩm chăm sóc da (sữa tắm, kem chống hăm...) Hăm tã nếu không được xử lý kịp thời, có thể trở thành viêm da, khiến bé bị đau và quá trình chữa trị sau này sẽ khó khăn, tốn thời gian hơn. |
Song Giang