Mạc Anh Thư sinh con khi sự nghiệp đóng phim, người mẫu đang thuận lợi. Với một cô gái trẻ, điều này đem đến nhiều cảm xúc lẫn lộn, hạnh phúc và lo lắng. Sau đó, với sự động viên và quan tâm của chồng - diễn viên Huy Khánh, Anh Thư dần bình tĩnh trở lại. Cô tạm dừng hoạt động nghệ thuật, dành toàn bộ thời gian cho gia đình, đặc biệt là con gái Cát Cát.
Lần đầu làm mẹ, cô chăm con dựa vào những kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè, sách báo, google và bằng chính cảm nhận của tình mẫu tử. Mạc Anh Thư chia sẻ: "Cái gì không biết, cứ bê lên hỏi google là ra ngô ra khoai ngay. Nhưng chỉ với những trường hợp nhẹ thôi, còn khi thấy bé có dấu hiệu gì bất thường là không chần chừ vì bất cứ lý do nào, phải đưa bé đến bệnh viện ngay. Đối với trẻ sơ sinh, chỉ chậm một phút cũng đã nguy hiểm rồi". Từ kinh nghiệm của mình, cô lưu ý các mẹ những nội dung sau khi chăm sóc con thời kỳ đầu:
- Sữa mẹ: Giai đoạn bé từ 1 đến 3 tháng tuổi có nhiều điểm cần lưu ý. Đó là lúc bé mới làm quen với môi trường bên ngoài và mẹ còn nhiều bỡ ngỡ với công việc chăm sóc bé. Theo Mạc Anh Thư, sau giây phút hạnh phúc đón con yêu cất tiếng khóc chào đời, sữa mẹ là mối quan tâm hàng đầu. "Dù mẹ có sữa nhiều hay không thì vẫn phải cho con ti nhé. Những giọt sữa đầu tiên màu vàng rất quan trọng. Nó là tất cả kháng thể mẹ cho con để chống lại các bệnh vặt. Nếu con chưa ti mẹ được thì mẹ nặn, hút sữa ra rồi đút cho con bằng thìa nhỏ. Con sẽ bú thường xuyên và khoảng 30-50 ml một lần, mỗi cữ bú cách nhau khoảng hai giờ. Bé bú mẹ hoàn toàn thì mẹ thay đổi tùy theo nhu cầu của con".
- Tiêm phòng và cách mặc đồ cho bé: Ở giai đoạn này, bé cần tiêm phòng đầy đủ như vitamin K, viên gan B, lao... Mẹ nên hỏi bác sĩ sơ sinh để biết được lịch tiêm và những lưu ý sau tiêm. Theo kinh nghiệm của Mạc Anh Thư thì "mẹ phải theo dõi con 24/24. Mặc dù theo ông bà xưa và các cô hộ lý trong bệnh viện nói phải quấn chặt bé bằng chiếc khăn giúp bé cảm thấy an tâm, dễ ngủ nhưng Thư tìm hiểu từ các nguồn nước ngoài thì họ lại khuyên không nên quấn bé quá chặt lúc ngủ, thậm chí chỉ mặc quần áo sơ sinh để bé tự do cử động tay chân, như vậy bé sẽ phát triển tốt hơn.
Còn với riêng bé Cát, mới 1-2 ngày, còn trong bệnh viện, bé đã không thích quấn chặt nên Thư cũng để cho bé vung tay, vung chân thoải mái. Vì vậy, Thư nghĩ các mẹ cứ xem con thích thế nào thì lựa theo đó. Thư cũng không mặc nhiều lớp cho con. Nếu ở phòng máy lạnh thì không được để máy lạnh chĩa vào con, nhiệt độ trung bình từ 27 đến 29 độ".
- Vàng da: Trong những ngày đầu tiên này, mẹ đã phải theo dõi xem con có bị vàng da hay không. Hầu hết các bé đều có biểu hiện này nhưng nếu là vàng da sinh lý thì chỉ cần tắm nắng từ từ sẽ hết, còn vàng da bệnh lý phải điều trị sớm. Mẹ có thể tìm hiểu thêm cách phân biệt hai loại vàng da hoặc nhờ bác sĩ, hộ lý kiểu tra giúp.
- Tìm nguyên nhân khi bé khóc: Bé mới chỉ biết dùng tiếng khóc để "giao tiếp" với mẹ. Khi thấy bé khóc, đầu tiên, mẹ phải kiểm tra tã xem có bị ướt không, nhiệt độ trong phòng quá nóng hay lạnh không, con có đói không, con có bị côn trùng cắn không. Nếu không phải các nguyên nhân này thì mẹ cần nghĩ ngay đến khả năng con bị đau bụng để gọi bác sĩ.
- Chuẩn bị cho bé về nhà: Khi từ viện về nhà, nên để người trong gia đình có tuổi hợp với bé và tính tình dễ chịu, dễ ăn, dễ ngủ bế bé vào. Mẹ nhờ người nhà chuẩn bị sẵn một chiếc khăn cũ (chăn cũ) trải dưới đất và đặt con nằm đó khoảng 5-10 phút rồi mới đưa con về phòng. Đây là mẹ dân gian cho bé dễ nuôi mà Thư thấy có hiệu nghiệm.
- Cho bé tắm nắng và ti mẹ: Mỗi ngày, trước 8h sáng, Thư đều cho bé tắm nắng từ 15 đến 20 phút để tổng hợp vitamin D, giúp bé không bị còi xương. Mẹ chọn chỗ không có gió mạnh, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào con (che mắt và bộ phận sinh dục).
Trong giai đoạn sơ sinh, dạ dày của bé rất nhỏ nên bé bú ít nhưng nhiều lần trong ngày, cứ một tiếng rưỡi đến hai tiếng, bé bú một lần. Thư biết có nhiều mẹ hay bị căng sữa, thậm chí nổi hạch và gây sốt. Khi bị căng sữa như vậy, mẹ dùng túi chườm nóng quanh ngực, mỗi bên 5-10 phút rồi day day nhẹ cho ngực mềm rồi hút hết sữa ra, để trong ngăn mát tủ lạnh và dùng được trong vòng một ngày.
Mẹ cho con bú xong thì nhớ đặt con lên vai, hơi ngả về phía sau, dùng bàn tay khum vỗ nhẹ vào phần dưới gáy trên lưng con đến khi nghe con ợ và bế con đứng khoảng 15-20 phút mới đặt con nằm xuống. Kể cả khi con không ợ hơi thì mẹ vẫn nên vỗ lưng để tránh bị ọc sữa. Mỗi khi cho con bú, Thư đều hát cho con nghe hoặc nói chuyện nhẹ nhàng, chỉ cho con biết đây là tay của con, đây là mắt của mẹ... để tăng thêm tình cảm mẹ con và dạy bé nhận thức sớm. Khi cho con bú, mẹ nên bóp tay bóp chân cho con. Theo ông bà xưa thì đó là chạy sữa để bé xổ sữa nhưng Thư nghĩ làm vậy giúp bé lưu thông máu.
- Ăn uống sau sinh: Kinh nghiệm của Thư là uống thật nhiều nước lọc, nước dừa, nước trái cây, ăn lá hẹ luộc, canh đủ đủ (không nhất thiết phải hầm móng giò), ngô, khoai lang, ăn cháo thay cơm và chuối sứ hấp chín. Mình kiêng một số món như khoai mì, chuối già, mướp đắng, gỏi và thịt sống, các loại cá biển như cá ngừ, cá mú... trái cây có vị chua.
- Tập cho con đi ngủ đúng giờ: Mỗi ngày, Thư cho bé vào phòng ngủ đúng một giờ nhất định (ví dụ 8h tối), chỉ để đèn ngủ và không gây ồn. Trước khi bé ngủ, hôm thì Thư hát, hôm lại kể chuyện, mở nhạc hòa tấu cho bé nghe. Đến 7h-8h sáng bé ngủ dậy thì mở hết cửa sổ để phòng thật sáng. Cách này giúp con phân biệt được ngày - đêm và ngủ đúng giờ.
Bà xã Huy Khánh cũng lưu ý các mẹ về tư thế ngủ của bé trong giai đoạn từ 1 đến 3 tháng. Nếu bàn tay bé nắm chặt và ngón cái kẹp vào các ngón khác (thông thường ngón cái phải nằm bên ngoài), đầu bé ngoảnh ngược lên trên chứ không nằm thẳng, bàn chân hay quặp xuống... thì khi bé thức, mẹ nên tập vật lý trị liệu cho con bằng cách vuốt nhẹ bàn tay từ móng ngón tay ngược lên, cho bé ngồi trước lòng mình rồi lấy hai tay bé đặt trước ngực, giúp bé làm động tác lấy tay này gỡ tay kia để các ngón tay duỗi ra. Tương tự với bàn chân, mẹ cũng thường xuyên vuốt thẳng, xoa bóp cho con.
- Tập luyện: Khi bé được đầy tháng trở đi, mẹ nên cho bé nằm sấp mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần khoảng 2-5 phút để bé tập cơ cổ. Mạc Anh Thư khuyên nên bắt đầu tập cho bé sau cữ bú từ 30 phút tới một tiếng. Ngoài ra, trước khi tắm, mẹ có thể massage nhẹ nhàng cho bé.
Song Giang