Ghi nhận tại Bệnh viện Tai Mũi Họng và một số bệnh viện chuyên khoa Nhi tại TP HCM cho thấy, không ít bé đã phải nhập viện cấp cứu vì tai bị chảy máu, có bé thậm chí bị thủng nhĩ do người lớn lấy ráy.
Từng cấp cứu nhiều ca thủng nhĩ do móc tai, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, hầu hết tai nạn đều do người lớn lấy ráy cho trẻ không đúng cách. Một số người "quyết tâm lấy bằng được nên đã cho dụng cụ móc vào quá sâu", số khác đang móc thì trẻ xoay người khiến màng nhĩ bị tổn thương.
Theo các bác sĩ, ráy tai là "sản phẩm" được tiết ra bởi một tuyến đặc biệt, có nhiệm vụ giữ lại bụi bặm và làm chậm sự phát triển của vi khuẩn để bảo vệ ống tai phía trong và màng nhĩ.
Trả lời câu hỏi "có nên lấy ráy tai cho trẻ không", các bác sĩ cho rằng vẫn có thể nhưng không cần thiết và nếu lấy thì phải thực hiện đúng cách. Việc có lấy ráy hay không phụ thuộc vào tình trạng ráy tai có nhiều quá hay không.
Để kiểm tra độ nhiều ít của ráy tai, phụ huynh đặt trẻ nằm yên, dùng loại đèn chuyên dụng để rọi vào trong ống tai để kiểm tra độ nhiều ít của ráy. 90% trẻ em không cần phải lấy ráy tai, vì ráy tai sẽ cùng với lớp biểu bì của da bị bong tróc dần chuyển ra ngoài cửa tai để đưa vi khuẩn, bụi bặm ra ngoài làm sạch ống tai.
Tuy nhiên nếu kiểm tra thấy ráy tai nhiều quá thì cần phải lấy để phòng nguy cơ ráy làm bít tắc ống tai ngoài, thậm chí nhiều trường hợp biểu bì da bong tróc mỗi ngày, bong ra mà không thoát ra được do ráy tai bít tắc gây viêm, thậm chí hủy xương và gây viêm ống tai. Những khối ráy tai quá cứng gây bít tắc khiến giảm thính lực dẫn truyền.
Với trẻ, khi lấy ráy tai cần lưu ý vì trẻ loay hoay rất dễ bị tổn thương tai. Trong trường hợp ráy tai quá cứng, phụ huynh có thể thấm tăm bông với nước muối sinh lý để làm sạch ống tai ngoài cho bé. Không nên cố lấy những mảnh ráy quá sâu vì có thể làm tổn thương ống tai. Cũng không nên để bé tự lấy ráy tai vì rất dễ làm tổn thương.
Một mẹo nhỏ khi lấy ráy tai cho trẻ là phải để trẻ thật sự thoải mái, đặt bé nằm hoặc ngồi xem tivi để giúp trẻ không quá tập trung vào việc đang bị ráy tai. Khi cầm dụng cụ móc, phụ huynh nên cầm lỏng tay và luôn trong tư thế đề phòng trẻ xoay người. Tuyệt đối không để trẻ lớn lấy ráy tai cho em.
Trường hợp phát hiện ráy tai của bé quá dày và cứng, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được can thiệp.
Thiên Chương