Ghi nhận tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi tại TP HCM cho thấy, không ít trẻ được phụ huynh đưa đến trong tình trạng nhiễm trùng rốn hoặc các vùng da nhạy cảm như vùng dưới cánh tay, bẹn và bộ phận sinh dục. Nguyên nhân chủ yếu là do người lớn tắm chưa đúng cách.
Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Thanh, trưởng khoa Nội I Bệnh viện Nhi Đồng 2, tắm là một phần không thể thiếu trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé. Tắm cho bé đúng cách có thể giúp cho bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và có một giấc ngủ ngon.
Cũng theo bác sĩ Thanh, da bé sơ sinh mỏng gấp 10 lần so với da người lớn và có khả năng dị ứng với môi trường nhiều hơn. Thời gian này nên có chế độ chăm sóc đặc biệt cho làn da mỏng manh của bé.
"Nếu rốn bé chưa lành, bạn chú ý không làm ướt rốn vì nước tắm sẽ vô tình tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn rốn bé. Đôi khi việc tắm bé sẽ kết hợp với việc vệ sinh rốn hàng ngày cho bé", bác sĩ này khuyến cáo.
Để giúp phụ huynh, đặc biệt là những người lần đầu làm bố mẹ có thể tắm cho trẻ đúng cách, các bác sĩ đã hướng dẫn các bước sau:
Chuẩn bị áo, khăn mặt, khăn ủ ấm, băng rốn, nón, vớ, tăm bông cho bé trước và sắp xếp thứ tự thật thuận tiện, dễ lấy… Chuẩn bị môi trường trong phòng, tránh gió lùa, nhiệt độ lạnh (tắt máy lạnh trước 30 phút, đóng của sổ)
Chuẩn bị 2 chậu nước tắm, một chậu lớn và một chậu nhỏ hơn. Lượng nước tùy theo tháng tuổi của bé. Từ 1 tháng trở lên, bé có nhu cầu bơi và quẫy nước thì có thể dùng nhiều nước, vòi sen nhẹ. Trước khi tắm, bạn có thể massage toàn thân cho bé, trò chuyện với bé rồi quấn khăn bông chờ tắm.
Kiểm tra lại nhiệt độ nước từ 37-38 độ C, có thể dùng khuỷu tay để thử độ ấm của nước. Cẩn thận hơn có thể dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ. Các bình chứa nước nóng nên để cách xa khu vực tắm bé để tránh ngã đổ.
Người tắm cho bé bồng bé trên một tay nâng đỡ phần đầu bé. Tay còn lại giữ nhiệm vụ thực hiện các thao tác chính trong lúc tắm.
Dùng khăn mặt sạch (hoặc bông thấm nước) của chậu nước sạch đầu tiên lau từng bên mắt bé. Sau khi vệ sinh xong, phụ huynh dùng khăn mềm lau mặt, cổ cho bé rồi xoa ướt tóc bé, cho ít dầu gội của bé vào lòng bàn tay và massage đầu cho bé, tránh không để rơi vào mắt, miệng bé.
Sau khi xoa dầu gội và massage, xả lại bằng nước thì nhớ bịt tai bé lại và xả 2 lần bằng nước của thau thứ 2. Sau khi làm sạch phần đầu, cổ thì bạn lau khô và tiếp tục tắm phần còn lại bằng chậu thứ 2 lớn hơn.
Thả bé chạm nước nhẹ nhàng, từ chân đến mông rồi lưng để bé kịp cảm nhận, thích nghi. Nên trò chuyện và dạy bé nghịch nước, dạy bé tập bơi trong nước khoảng 3 phút. Trong lúc này, phụ huynh có thể dùng khăn mềm để làm sạch những vị trí còn dính sữa tắm.
Sau khi tắm xong thì dùng khăn quấn người bé và đặt bé lên giường có lót khăn mềm. Chú ý lau khô người bé, lau khô các kẽ tay, kẽ chân và vùng có nếp gấp da như nách, bẹn và cả tóc. Cần dùng khăn sạch ẩm lau sạch bộ phận sinh dục, bẹn, mông cho bé. Đối với bé gái thì lau từ trước ra sau để tránh tình trạng phân dính vào vùng kín gây nhiễm khuẩn.
Với trẻ chưa rụng rốn, sau khi tắm và lau khô, phụ huynh cần thay băng rốn cho trẻ bằng cách chuẩn bị cồn sát khuẩn dùng cho trẻ sơ sinh, bông, băng rốn và băng thun. Dùng bông gòn hoặc que gòn thấm vào cồn sát trùng và lau quanh rốn trẻ, sau đó dùng bông sạch lau khô. Cuối cùng, dùng gạc băng lên rốn và mặc băng thun vào để cố định gạc.
Để có thể tắm cho bé một cách hiệu quả và an toàn nhất, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên chuẩn bị mọi thứ sẵn sang trước khi bắt đầu. Tuyệt đối cẩn thận với nước nóng và đừng bao giờ rời mắt khỏi con.
Với bé ở độ tuổi đã biết ngồi, có thể dùng cách tắm vòi sen. Ngoài việc tiết kiệm nước và thời gian, cách này còn giúp mẹ con gần gũi nhau hơn và cho bé một trải nghiệm khác khi tắm.
Cũng theo các bác sĩ, sau khi được tắm sửa sạch sẽ, bé sẽ cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Đối với các bé sơ sinh, thời gian tắm gần như là lúc tỉnh táo nhất vì bé dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ.
Thiên Chương