Trong lĩnh vực thời trang, việc phái đẹp mặc quần áo nam giới luôn chiếm ưu thế hơn so với chiều ngược lại. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều đàn ông Trung Quốc diện trang phục nữ, từ các nghệ sĩ nổi tiếng đến nhân vật có ảnh hưởng (influencer).
Diễn viên Vương Nhất Bác - người được tuyên đại sứ Chanel hồi tháng 6 - là một trong nhiều thần tượng đang tạo ra "trạng thái bình thường mới" cho thời trang nam. Anh không ít lần thách thức chuẩn mực giới tính khi diện thiết kế nữ của nhà mốt Pháp trong chương trình truyền hình và trên tạp chí. Chẳng hạn, tháng 9/2020, ngôi sao Trần tình lệnh nổi bật trên sân khấu Street Dance of China với áo khoác màu hồng nhạt, kết hợp chiếc ví mini đeo cổ.
"Trang phục của Vương Nhất Bác không chỉ bình thường hóa việc nam giới mặc trang phục nữ mà còn truyền cảm hứng cho phái đẹp", theo SCMP.
Tương tự, ca sĩ kiêm diễn viên Dịch Dương Thiên Tỉ - đại sứ Tiffany & Co. và nhiều hãng khác tại Trung Quốc - mặc set đồ Chanel trên thảm đỏ lễ trao giải Grammy 2018. Diễn viên Cá mực hầm mật Lý Hiện chọn áo choàng dáng dài chất liệu nhung lấp lánh tại bữa tiệc do tạp chí Vogue tổ chức năm 2019. Ca sĩ Thái Từ Khôn - đại sứ Prada - thường xuyên đưa sản phẩm thuộc dòng đồ nữ của thương hiệu này tới các sự kiện...
Trên Weibo, từ khóa "Male Celebrities in Womenswear" (sao nam mặc đồ nữ) là một chủ đề hot với hơn 150 triệu lượt xem và 320.000 bài đăng.
Bên cạnh giới sao, các tín đồ thời trang nam cũng nhanh chóng cập nhật trào lưu này, trong đó có blogger Jeremy Yang. Anh không ngại bổ sung trang phục nữ vào phong cách hàng ngày của mình. Đối với anh, việc tìm được những thiết kế thú vị trong dòng đồ nữ dễ dàng hơn nhiều so với thời trang dành cho cánh mày râu.
Thói quen sử dụng quần áo phụ nữ của Jeremy Yang hoàn toàn xuất phát từ định hướng phong cách cá nhân. "Tôi bị thu hút bởi những nhãn hàng thiết kế đẹp. Hầu hết thương hiệu ngày nay vẫn dồn tâm huyết nhiều hơn vào trang phục nữ, kiểu dáng đa dạng, các chi tiết được cân nhắc kỹ lưỡng, và nói chung có nhiều lựa chọn hơn. Bởi vậy, việc tôi tìm kiếm cảm hứng từ dòng đồ nữ là lẽ thường tình", blogger nói.
Hồi đầu năm, Little Red Book (Xiaohongshu) công bố báo cáo "Từ khóa xu hướng phong cách năm 2021", cho thấy thời trang phi giới tính là một trong 10 chủ đề phổ biến nhất trên nền tảng này. Theo dữ liệu, lượt xem các bài đăng về trang phục unisex tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng người dùng đăng bài về chủ đề này tăng 83%.
Ở Trung Quốc, một số thương hiệu thời trang và làm đẹp nội địa thúc đẩy chiến lược kinh doanh các sản phẩm unisex hướng đến đối tượng thanh niên, đồng thời loại bỏ marketing theo giới tính. Trong khi đó, các thương hiệu xa xỉ quốc tế không dễ dàng hiểu được khoảng cách lớn giữa lập trường chính thức của quốc gia này về giới tính và thực trạng hiện nay của lớp trẻ.
Kể từ 2018, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần ủng hộ "niềm tin vào giới tính truyền thống" bằng cách chỉ trích làn sóng K-pop - yếu tố bị coi là nguyên nhân khiến thanh niên ngày càng nữ tính hóa. Hồi tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc kêu gọi các trường học quan tâm hơn tới vấn đề "rèn luyện sự nam tính của học sinh nam".
Tuy nhiên, bất chấp những hình thức can thiệp, thế hệ trẻ tại đất nước tỷ dân không ngừng tìm ra cách mới để duy trì và nâng cao sự phản biện. Trong ba năm qua, cộng đồng LGBTQ+ tiếp tục phát triển song song với sự kiểm soát chặt chẽ về hệ tư tưởng trong cộng đồng.
"Dù có nhiều rào cản, các thương hiệu không nên bỏ qua cơ hội tiếp cận tín đồ thời trang nam Trung Quốc thông qua ngôn ngữ unisex. Việc tung ra các sản phẩm thách thức chuẩn mực giới tính là phương pháp để kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng này. Rốt cuộc, điều họ muốn là không gian để thử nghiệm và vui chơi. Bởi vậy, thương hiệu nào không gò bó với việc phân loại xã hội truyền thống sẽ có lợi thế hơn", SCMP nhận định.
>> Loạt ảnh Vương Nhất Bác mặc đồ nữ
Mi So (theo SCMP)