Du học sinh Việt Nam ở Australia vẫn đang chiếm con số cao nhất. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, việc chọn trường không dễ.
Ông Lâm Trường Sơn, giám đốc tiếp thị của công ty Thiên Long, người đã từng du học ở Australia, nói: "Xu hướng kinh doanh trong tư vấn du học rất cao, nên các trung tâm thường đưa ra những thông tin không chính xác về các trường. Nhiều du học sinh tự túc lâm vào tình trạng tiền mất tật mang vì phải học trong các trường chất lượng không cao như được giới thiệu”.
Bản thân ông Sơn cũng phải mất một năm “tự thân vận động” mới có thể chuyển từ việc học tại một trường "làng" đến một trường đại học có chất lượng đào tạo cao.
Ông Sơn nhận định: “Đương nhiên là các trung tâm tư vấn không thể nói những trường mà mình giới thiệu là trường kém, thông tin trên mạng cũng vậy. Những ngày hội du học đưa ra 10 trường, thì chỉ chừng 2-3 trường tốt".
Cựu sinh viên trường cao đẳng Holmesglen và đại học Deakin, ông Nguyễn Phi Dũng, nói: “Chỉ khi nào thực sự sống bên Australia vài tháng thì mới nắm rõ thông tin. Dịch vụ tư vấn thường chỉ giới thiệu các trường mà mình đã ký hợp đồng ăn hoa hồng mà thôi”.
Theo ông Dũng, kinh nghiệm cho thấy các sinh viên chỉ nên ký hợp đồng ngắn hạn với các trường hoặc các khoá học, vì rất có thể khi học, sinh viên sẽ thấy chất lượng đào tạo hoặc chuyên ngành đào tạo không phù hợp, khi muốn chuyển trường hoặc ngành học sẽ gặp khó khăn (nhiều trường hợp phải mất 20 - 25% học phí khi muốn chuyển ngành học).
Tuy nhiên, quy định hiện nay buộc các sinh viên du học tại Australia phải đóng học phí cả năm cho năm học đầu. Theo ông Dũng, sinh viên chuẩn bị du học nên tham khảo thông tin tại Tổ chức giáo dục quốc tế Australia (AEI) của Tổng lãnh sự quán Australia, nơi cung cấp thông tin du học phi vụ lợi.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, một điều chắc chắn nữa là du học sinh không thể vừa học vừa làm.
Ông Dũng cảnh báo: "Những người chuẩn bị du học nên bỏ cái ảo tưởng về việc có thể trang trải các chi phí học tập bằng cách đi làm thêm. Việc học mỗi ngày ở trường chiếm mất 12 giờ, chưa kể về nhà phải làm rất nhiều bài tập". Gia đình của một du học sinh muốn con em mình học tập có chất lượng phải chuẩn bị chi phí đủ cho ít nhất 1- 2 năm học đầu tiên.
Trong thực tế, hầu hết các du học sinh tự túc đều phải tìm việc làm thêm cho mình, trong số đó, phần lớn đều làm vượt quá số giờ làm thêm theo quy định. Ông Sơn đánh giá: “Chỉ khoảng 5 - 10% du học sinh tự túc là học đến nơi đến chốn, còn lại đều vì phải làm thêm mà không học trọn chương trình".
Những điều cám dỗ
Không ít du học sinh bị sốc khi bước từ môi trường quen được “bao cấp” ở Việt Nam sang một môi trường đòi hỏi sự tự chủ hoàn toàn cả trong học tập lẫn sinh hoạt như ở Australia. Nhiều sinh viên thất bại trong học tập vì không chủ động tìm đến kiến thức.
Một cám dỗ rất ghê gớm đối với các du học sinh là nạn bài bạc, đó là nhận định chung của các cựu sinh viên trong buổi họp mặt hôm 10/6 vừa qua. Các sòng bạc lớn ở Melbourne, Sydney là những nơi thu hút rất đông du học sinh Việt Nam.
Một cựu du học sinh nói: “Nó như ma túy vậy, tiền gia đình gửi, tiền đi làm thêm đều nướng vào đó. Cũng may tôi còn chạy được về đây với tấm bằng đại học, cứ tưởng là đã phải "bỏ xác" bên đó rồi".
Rất khó cho các bậc cha mẹ kiểm tra kết quả học tập lẫn sinh hoạt của con trong thời gian du học. Ông Dũng cho biết: "Nếu như sinh viên không muốn cho biết thì không có cách nào kiểm tra vì luật của Australia bảo vệ những bí mật riêng tư, kể cả kết quả học tập".