Tràn ngập khuyến mãi trong siêu thị. |
Nơi nào cũng khuyến mãi vì thế các nhà sản xuất và phân phối phải nghĩ ra những chiêu khuyến mãi thật hấp dẫn. Công ty Rinnai đang thực hiện một chương trình rút thăm trúng thưởng khi mua một sản phẩm bất kỳ, sẽ có cơ may trúng trong tổng số… 910.000 giải thưởng từ thấp đến cao. Vinamilk với tổng giải thưởng khuyến mãi lên đến 12 tỉ đồng, hằng tuần đều tổ chức rút thăm trúng thưởng để tìm ra hai giải nhất, hai giải nhì và 200 giải ba cho mỗi đợt.
Khách hàng khi mua một tivi LCD Regza 26 WL66 của Toshiba cũng sẽ tìm được cho mình một cơ hội sở hữu giải vàng là xe Honda Civic hoặc giải bạc là máy tính xách tay. Hãng LG cũng chẳng kém khi đưa ra cơ hội trúng Piaggio LX125 cho khách hàng nếu mua tivi plasma do hãng sản xuất. Hoặc Sanyo treo tới 45.360 giải thưởng, trong đó có 10 giải nhất là xe Piaggio Zip thời trang cho khách hàng may mắn…
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì xen lẫn trong “bao la” khuyến mãi trên thị trường, có thể tái diễn một số chương trình khuyến mãi “ảo”. Không phải chương trình khuyến mãi nào cũng đúng như nhà tổ chức đã công bố. Giới kinh doanh gần đây thường nhắc đến chuyện một doanh nghiệp (DN) nước giải khát công bố sẽ dành 1.000 đầu karaoke của hãng X. sản xuất cho đợt khuyến mãi mà DN này đang thực hiện. Hãng X. đinh ninh thế nào mình cũng bán được 1.000 đầu karaoke cho DN này. Cuối cùng chỉ có 200 đầu karaoke được bán ra khi chương trình kết thúc.
Cũng có trường hợp khuyến mãi rầm rộ nhưng chẳng mấy người tiêu dùng được trúng thưởng. Nhà sản xuất A thông báo trong lô hàng tung ra bán sẽ có 10 phiếu rút thăm trúng thưởng may mắn. Khi kết thúc chương trình thì vẫn chưa thấy người trúng thưởng với lý do phiếu còn lại vẫn nằm đâu đó trong những thùng hàng chưa được bán ra!? Hoặc có trường hợp đại lý biết chương trình khuyến mãi gần hết hạn nên khui thùng ra trước để lựa phiếu. Kiểu “ăn chặn” hàng khuyến mãi này rất khó bị lật tẩy. “Đây cũng là một chiêu để dụ khách hàng. Họ cứ rao thật nhiều giải để kích thích người tiêu dùng đổ xô đến mua sản phẩm của họ. Nhưng việc sẽ trao bao nhiêu giải thưởng, trao cho ai, chỉ có DN biết”, một DN kinh doanh nói.
Theo Phòng Xúc tiến thương mại (Sở Thương mại TP HCM), chỉ riêng trong tháng 12 đã có 24 chương trình khuyến mãi được đăng ký với tổng giá trị khoảng 5,86 tỷ đồng. “Rút thăm trúng thưởng” là hình thức khuyến mãi được ưa chuộng nhất.
Theo “bật mí” của một số DN, hiện đang có tình trạng khuyến mãi… “né”. Theo quy định, nếu DN áp dụng hình thức khuyến mãi mang tính may rủi (cào thẻ, bốc thăm, khui nắp chai, quay số dự thưởng…), trong 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng mà không có người trúng thưởng thì DN phải nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước. Vì vậy, một số DN đã chuyển sang hình thức khuyến mãi dự thi (tức điền vào phiếu tham dự, trả lời những câu hỏi do nhà tổ chức đề ra để chọn người trao thưởng), khỏi phải trích nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước.
Mặc dù quy định về quản lý khuyến mãi khá chặt chẽ nhưng trên thực tế không ít DN vẫn lọt qua được tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo qui định, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mãi, DN phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà nước (Sở Thương mại hoặc Cục Xúc tiến thương mại - XTTM) về kết quả chương trình khuyến mãi. Thế nhưng, nội dung báo cáo này có chính xác, các cơ quan chức năng có kiểm tra về độ chính xác này thì chưa có câu trả lời. Một DN “bật mí” có chiêu báo cáo tên người trúng thưởng giả với địa chỉ xa lắc xa lơ.
Theo thừa nhận của ông Đỗ Thắng Hải, Phó cục trưởng Cục XTTM, việc kiểm tra, kiểm soát DN có khuyến mãi đúng như đăng ký hay không, Cục XTTM không thể kham nổi. “Do vậy, sau khi chấp thuận cho các DN được thực hiện các chương trình khuyến mãi trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trở lên, chúng tôi lại chuyển hồ sơ về các sở thương mại địa phương để giám sát, kiểm tra. Nếu có kiểm tra cũng chỉ chọn ngẫu nhiên, chương trình lớn, hoặc mang tính chất tiêu biểu về quy mô”, ông Hải cho biết.
(Theo Tuổi Trẻ)