Sáng 25/5, trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tống thống Mỹ Obama đã có buổi nói chuyện với 1.000 bạn trẻ thuộc nhóm Sáng tạo thủ lĩnh Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề về khởi nghiệp, chăm sóc y tế, ông khiến mọi người bất ngờ khi nhắc về thói quen sử dụng Facebook hay sở thích selfie của giới trẻ Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, Obama còn nhắc tên ca sĩ Sơn Tùng M-TP, thần tượng của hàng triệu khán giả tuổi teen.
Tổng thống Obama cho rằng, công nghệ và mạng xã hội đã giúp chúng ta kết nối các bạn trẻ Việt Nam với các bạn trẻ ASEAN. Hơn 30 triệu người Việt đang dùng Facebook để selfie, chia sẻ nhạc của Sơn Tùng MTP. Giới trẻ cũng rất thích chia sẻ những ý tưởng và học hỏi lẫn nhau. Điều đó sẽ tạo cho họ sức mạnh rất lớn. Đó là lý do ba năm trước Obama thành lập YSEALI với mong muốn giúp cho tất cả các bạn trẻ tài năng tạo thành một mạng lưới để biến các ý tưởng thành hành động. (xem video)
Ông chủ Nhà Trắng còn giới thiệu những tấm gương trẻ Việt Nam tiêu biểu ở ASEAN. Ông đã gặp bạn Ngân ở Nhà Trắng với tư cách là tình nguyện viên; bạn Lộc ở Đại học quốc gia TP HCM. Ông cũng nhắc đến tên người đóng vai trò cố vấn cho mình cũng là một tấm gương lớn đến Mỹ sau năm 1975. Nhờ nỗ lực và sự chăm chỉ, cô đã trở thành cố vấn của ông trong vấn đề chính sách ở châu Á. Với những tấm gương này ông bày tỏ "đã cho chúng tôi thấy sự cống hiến, lạc quan. Các bạn đang thay đổi khu vực, như cố nhạc sĩ Trần Lập đã viết 'đường đến những ngày vinh quang không còn xa'.
Đến tham dự buổi trò chuyện sáng nay, ngoài các bạn trẻ còn có 3 nghệ sĩ Khánh Thi, Lan Phương, Suboi, nhạc sĩ Hồng Thuận, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, trong đó nữ rapper Suboi có cơ hội được đặt câu hỏi cho Tổng thống Mỹ. Khi biết cô là một rapper, ông đã đề nghị cô hát rap, sau đó mới trả lời vấn đề cô thắc mắc. Suboi hỏi: "Ông đã nói nhiều câu về môi trường, giáo dục, kinh tế, TPP, ông có thể chia sẻ về việc nước Mỹ làm cách nào để thúc đẩy phát triển nghệ thuật và âm nhạc?".
"Nghệ thuật là một trong những cách để chúng ta bước vào cuộc sống của người khác, từ đó hiểu được người khác và chia sẻ các ý tưởng cùng nhau", Tổng thống Obama nói khi nữ ca sĩ hoàn thành câu hát cuối. "Cũng giống như tôi nghe người Việt Nam hát (bằng tiếng Việt) nhưng vẫn có sự kết nối và cảm thấy gần gũi với người Việt Nam hơn. Vì sự gần gũi, dễ dàng truyền tải nên nó bị e ngại. Người Mỹ chúng tôi bày tỏ rất nhiều suy nghĩ, tư duy qua rap".
"Rap từng là một trong những cách người Mỹ xưa bày tỏ suy nghĩ của bản thân. Nếu một ngày nào đó Chính phủ cấm rap, không cho loại hình nghệ thuật này hoạt động thì chúng ta sẽ không có được nền âm nhạc văn hóa hip hop phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới như ngày nay", Tổng thống Mỹ cho hay.
Q.N.