Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê nên duyên khi chị được anh chọn đóng chính trong phim ngắn tại trường điện ảnh. Sau này, anh dấn thân với điện ảnh, chị tiếp tục là nàng thơ trong các phim Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng; đảm nhận giọng nói dẫn truyện trong phim Vĩnh cửu. Hầu hết dự án anh làm đạo diễn đều có bàn tay chị đảm đương phần mỹ thuật và phục trang.
Họ kết hôn đã nhiều năm, có con gái Lãng Khê và con trai Cao Phi. Năm ngoái, tác phẩm Muôn vị nhân gian (The Pot-au-Feu) anh chị cùng thực hiện chiến thắng hạng mục đạo diễn ở Liên hoan phim Cannes. Mang phim về Việt Nam chiếu rạp, đạo diễn Trần Anh Hùng trò chuyện với Ngôi Sao về hôn nhân và sự đồng hành của vợ trong sáng tạo nghệ thuật.
- Hầu hết các phim của anh đều có hình ảnh căn bếp. Riêng với 'Muôn vị nhân gian', căn bếp là bối cảnh chính của câu chuyện. Ý tưởng phim hòa trộn ẩm thực và tình yêu đến với anh thế nào?
- Tôi rất thích hình ảnh bàn tay con người vì nó làm được nhiều thứ. Ngày còn nhỏ, tôi thích quan sát bố mẹ may đồ, dù ông bà hay bảo tôi ra ngoài chơi. Tôi cũng thích nhìn người khác làm sản phẩm thủ công, có thể ngồi cả ngày quan sát người thợ mộc đóng một cái cửa.
20 năm nay, tôi vẫn luôn muốn làm phim về nghệ thuật ẩm thực. Tôi đã ấp ủ nhiều dự án, không chỉ về ẩm thực Pháp, mà có cả món Italy, hương vị Trung Hoa được lai với Malaysia ở Singapore... Tôi còn có ý tưởng câu chuyện về nhà văn người Mỹ Jim Harrison, một người đam mê ăn uống và từng thưởng thức thực đơn yến tiệc kéo dài 8 tiếng của hoàng tử ở Pháp.
Nhưng chỉ đến khi gặp cuốn tiểu thuyết The Passionate Epicure, tôi mới có kịch bản được nhà sản xuất đồng ý đầu tư. Cuốn sách cho tôi cảm giác thử thách trong nghề nghiệp. Khó nhất là giữ được tính cân bằng giữa ẩm thực và tình yêu trong câu chuyện; đồng thời làm được tác phẩm khiến người khác sau này làm phim cùng đề tài sẽ cảm thấy khó vượt qua phim của tôi.
Tôi không chuyển thể cuốn tiểu thuyết, chỉ giữ hình tượng nhân vật và những câu thoại hay. Truyện mở đầu bằng cái chết của nữ chính Eugenie, còn tôi hư cấu những chuyện trước đó.
- Tại một buổi giao lưu năm ngoái, anh nói ký ức căn bếp của mẹ và hình ảnh gian bếp của vợ cho anh cảm hứng lớn trong nghệ thuật. Nguồn cảm hứng này được nối dài thế nào ở phim 'Muôn vị nhân gian'?
- Đó vẫn là cảm hứng của tôi trong điện ảnh và tôi vẫn thích đưa ký ức Việt Nam vào phim, dù là phim về người Pháp, quay ở Pháp. Cảnh lột da chân gà trong Muôn vị nhân gian là một ví dụ. Người Pháp thường đem thui con gà rồi mới lột, nhưng tôi không thích như vậy, tôi muốn nhúng chân gà vào nước sôi rồi lột da theo cách của người Việt. Cố vấn ẩm thực Pierre Gagnaire đã đồng ý khi nghe tôi đề xuất. Phim Mùa hè chiều thẳng đứng của tôi ngày trước cũng có một cảnh tương tự.
- Trong phim, hai nhân vật chính không chỉ là người yêu, còn là bạn đồng hành sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực. Hình ảnh này có nhiều tương đồng với cuộc song hành hơn 30 năm trong điện ảnh của anh và vợ - nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê. Anh nói gì về nhận định này?
- Đúng như bạn nói, Muôn vị nhân gian xuất phát từ câu chuyện riêng, từ đời sống vợ chồng của tôi. Tôi muốn tạo dựng một mối quan hệ hướng đến sự hoàn hảo trên màn ảnh. Tôi nghĩ đó là một chất liệu đặc biệt, hiếm có trong điện ảnh.
Tôi làm phim này dành tặng Yên Khê, nên cuối phim có dòng chữ "Gửi Yên Khê". Chuyện trong phim không giống chuyện của chúng tôi, nhưng có cùng cảm giác. Tôi xây dựng nhân vật Eugenie là một phụ nữ mạnh mẽ. Cô ấy muốn có nghề nghiệp, thay vì chỉ là một người vợ. Cô ấy muốn người đàn ông bên cạnh nhận ra tài năng của mình hơn là chỉ yêu đương, thành vợ thành chồng.
Suy nghĩ này của Eugenie có thể tạo ra khoảng cách giữa hai người, nhưng khoảng cách ấy chính là một vẻ đẹp trong mối quan hệ. Đó là một mối quan hệ có sự tôn trọng, bỏ đi những thứ thô tục. Đoạn kết phim, Eugenie muốn biết mình là ai trong suy nghĩ của Dodin. Có lẽ, Dodin có đáp án khác, nhưng anh đưa ra câu trả lời theo ý muốn người mình yêu.
- Trong phim, chàng biên công thức và nàng biến chúng thành những món ăn. Vậy còn ngoài đời, anh và chị Yên Khê cùng nhau 'chế biến' những 'món ăn' điện ảnh thế nào?
- Công việc của tôi là tìm kiếm ngôn ngữ điện ảnh, gửi gắm cảm xúc và ý nghĩa. Bên cạnh đó, một cuốn phim còn nhiều thứ khác và Yên Khê đã khiến chúng rất tuyệt vời. Làm việc với nhau, chúng tôi có đồng điệu, cũng có lúc mâu thuẫn. Nhưng phần của tôi do tôi quyết định, phần của Yên Khê do Yên Khê quyết định. Tôi tôn trọng hoàn toàn những sáng tạo của cô ấy và các thành viên khác trong đoàn phim. Bởi đó là cách duy nhất để tôi khai thác những thứ hay nhất từ các cộng sự. Khi chúng tôi cùng làm phim, tôi là một cái khuôn, mọi người làm việc trong cái khuôn đó, nhưng họ phải được làm một cách tự do.
Tôi và Yên Khê sống với nhau lâu năm, cùng nhau làm nhiều việc và trao đổi nhiều thứ. Chẳng hạn khi xem triển lãm tranh, tôi thích tác phẩm này, cô ấy thích tác phẩm khác. Chúng tôi là hai con người, đương nhiên có những khác biệt. Nhưng điều đó giúp chúng tôi nhìn rõ mọi thứ theo nhiều chiều. Một người tất nhiên không thể nhìn rõ bằng hai người được.
Lúc làm phim cũng vậy, tôi đề xuất ý tưởng về mỹ thuật với Yên Khê, Yên Khê cũng có đóng góp cho công tác đạo diễn của tôi. Nhưng sau cùng, chúng tôi tự quyết định công việc của mình. Sự trao đổi này rất cần thiết, giúp chúng tôi tiến nhanh hơn.
- Hơn 30 năm trước, mối duyên nào đưa Yên Khê trở thành nàng thơ trong các phim ngắn và phim dài của anh?
- Hồi đó, tôi học điện ảnh, Yên Khê học ngành khác. Khi làm phim ngắn, tôi không có điều kiện đăng tin casting rộng rãi, nên xin danh sách diễn viên Việt Nam từ một công ty casting ở Pháp. Họ gửi cho tôi hình ảnh của Yên Khê, vì cô ấy từng đóng vai cô gái Việt Nam trong phim họ sản xuất trước đó. Tôi liên lạc và mời Yên Khê thử vai.
Đến giờ, Yên Khê vẫn gọi đó là buổi casting "vớ vẩn". Vừa gặp, tôi hỏi Yên Khê có biết ngồi xổm không. Khi Yên Khê ngồi xuống, tôi đưa cho cô ấy một thau nước, một bó rau muống và nói cô ấy nhặt rau cho tôi quay hình lại. Yên Khê nghĩ chỉ nhặt vài ba cọng thôi, hóa ra tôi bắt nhặt hết cả bó mới cắt. "Chắc nhờ nhặt hết để đem về xào", Yên Khê bảo tôi thế (cười).
- Từng là nàng thơ trong 'Mùi đu đủ xanh', 'Xích lô', 'Mùa hè chiều thẳng đứng', tại sao sau này chị không còn đóng phim anh?
- Vì các phim sau này của tôi không có vai nào hợp với Yên Khê. Yên Khê đâu phải người Nhật để đóng Rừng Na Uy. Vĩnh cửu và Muôn vị nhân gian có bối cảnh Pháp thế kỷ 19. Thời đó có phụ nữ Việt ở Pháp thì hơi khó. Tôi luôn nói tôi không chọn dự án, là dự án chọn tôi. Tôi đọc rất nhiều sách của nhiều nền văn học. Cuốn nào gợi ý tưởng, tạo thử thách thì tôi làm thành phim. Vì thế, tôi không thể quyết định làm phim gì sẽ có Yên Khê.
- Anh sống ở Pháp nhiều thập kỷ nhưng nói tiếng Việt rất tốt. Bí quyết của anh là gì?
- Tôi không cố gắng, chỉ là tôi may mắn không quên tiếng mẹ đẻ. Tôi thích nghe người khác kể chuyện và tôi nghe rất kỹ, vừa nghe vừa học cách tạo câu. Nếu muốn mua bánh mì, trên đường đến quán tôi đã nói đi nói lại câu chính xác để mua được ổ bánh mỳ, làm sao nói được thuận nhất. Tôi luôn ngạc nhiên là mình nói được. Đó là cách tôi tập luyện.
- Gia đình anh chị giữ gìn tiếng Việt thế nào khi sống ở Pháp?
- Chúng tôi dùng cả hai tiếng, nói lời yêu dùng tiếng Việt, cãi nhau bằng tiếng Pháp (cười). Ngày các con tôi còn nhỏ, vợ chồng tôi thuê giúp việc người Việt Nam để các con được nghe, hiểu tiếng Việt từ nhỏ. Chúng tôi muốn cho các con tiếp xúc đầy đủ để khi lớn lên, chúng có lựa chọn ngôn ngữ riêng. Chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các con, không bắt ép chúng. Khi thích, chúng sẽ tự học. Con gái tôi thích nói tiếng Việt. Con trai tôi thì nói không tốt lắm. Chắc phải yêu một cô người Việt Nam, cháu sẽ nói nhiều hơn.
Muôn vị nhân gian có tựa tiếng Anh The Pot-au-Feu, lấy theo tên món hầm đặc trưng của Pháp. Phim xoay quanh đam mê bếp núc và chuyện tình của chuyên gia ẩm thực Dodin (Benoît Magimel) và đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche). Đây là tác phẩm đầu tiên của Trần Anh Hùng tranh giải Cành Cọ Vàng, được chọn đại diện điện ảnh Pháp gửi đến hạng mục "Phim quốc tế xuất sắc" ở Oscar. Bộ phim được báo chí quốc tế dành nhiều lời khen cho hình ảnh trữ tình, lối kể chuyện tinh tế và thiết kế ẩm thực cuốn hút, làm người xem thèm ăn. Làm phim này, Trần Anh Hùng mời đầu bếp giành 14 sao Michelin Pierre Gagnaire làm cố vấn ẩm thực. Toàn bộ cảnh nấu nướng, ăn uống đều sử dụng đồ ăn chế biến thật và làm tại chỗ, thay vì dùng đồ nấu sẵn hoặc đồ giả, mang tính trưng bày. Phim đang chiếu rạp tại Việt Nam. |
Phong Kiều thực hiện