Độ cao 1.000 m nhiệt độ chỉ khoảng 15 độC (mùa đông có nơi là 0 độC), miền đá vắng lạnh đến kinh người, đẹp đến mê mẩn. Những nương táo, thảo quả, vườn mận, vườn cam nối dài ngút mắt... Tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng mõ trâu lốc cốc làm cho rừng thông Yên Minh bớt đi vẻ cô tịch. Chúng tôi tìm đường vào thị trấn vắng lặng này để ăn món cháo nấu từ củ ấu tẩu và thịt gà Mông đen luộc lá chanh. Theo tương truyền của đồng bào Mông thì cả hai món này chủ trị đau nhức xương khớp, cường cơ và chỉ có ở miền đá tai mèo.
Trên con đường dài đến xã Lũng Cú (cách thị xã Hà Giang 200 km) - xứ sở của hoa đào phai, hoa lê, hoa mận - đồng bào Mông, Lôlô, Giáy, Pà Thẻn đi lại liên tục.
Bà con chuẩn bị cho buổi chợ phiên cuối tuần nên người mang gà, vịt; kẻ cắp nách chú heo đen trũi; có anh thanh niên còn cưỡi ngựa vác theo cây khèn trông thật oai vệ. Làm tí rượu ngô để chống chọi với cái lạnh từ đá, chúng tôi xin phép bộ đội biên phòng để ra cột cờ dựng trên đỉnh núi Rồng. Đứng dưới chân cờ nơi địa đầu của Tổ quốc, cảm giác ngập tràn hạnh phúc.
Cột cờ cao 20 m bằng bê tông, chân cột có 6 phù điêu mang hoa văn của trống đồng Đông Sơn, bên trên là lá cờ Tổ quốc 54 m2 tung bay phần phật kiêu hãnh, in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc.
Vòng về Đồng Văn, ghé thăm di tích lịch sử văn hóa nhà "vua Mèo" Vương Chí Thành. Ngôi nhà làm bằng đá, hàng rào cũng bằng đá, chậu nước bằng đá, giường ngủ kê đá, ngay cả mộ ông cũng làm bằng đá nốt.
Xe vượt hết núi này, lại thấy ngọn núi khác sừng sững. Ngô mọc trên đá, cây rau cũng được trồng trong hốc đá, bếp lò của đồng bào làm bằng đá, chuồng trâu, chuồng ngựa cũng làm bằng đá. Một sức sống trên đá thật khó mà tưởng tượng ra. Khó khăn về địa hình vẫn không làm giảm sự vui tươi, hồn nhiên ở những chợ phiên vào dịp cuối tuần của đồng bào Mông.
Thổ cẩm, khô bò, thảo quả, gà, heo, ngựa, chó... tất tần tật đều có thể đưa ra chợ phiên. Chợ phiên Đồng Văn còn là nơi hò hẹn của những đôi lứa thanh niên yêu nhau, tụ tập uống rượu, thổi khèn suốt ngày mà không thấy mệt, thấy chán. Về vùng địa đầu Tổ quốc, bạn cũng có thể đi tắm suối khoáng Quảng Ngần, thăm quan làng dệt Lùng Tám, dạo phố đá cổ Đồng Văn và đến chợ tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, diễn ra dịp 26/3 Âm lịch).
Quá nhiều cảnh đẹp như ruộng bậc thang, đèo Mã Pí Lèng cao 1.000 m, sông Nho Quế, núi Cô Tiên... Quá nhiều món ăn ngon, lạ như bánh cuốn trứng, giò heo hầm ấu tẩu, măng mai gói thịt, thịt kho quả trám, rau đắng núi luộc, khô bò...
Từ Hà Nội, bạn xuôi theo QL2 ngang qua Phú Thọ, Tuyên Quang rồi mới đến thị xã Hà Giang (khoảng 318 km). Nên nghỉ đêm tại Nhà khách Công đoàn Hà Giang (100.000 đồng/phòng) rồi hãy chinh phục "cổng trời" Quản Bạ hay nếu có sức thì làm một lèo từ Hà Nội đến Quản Bạ rồi nghỉ ở Nhà khách số 56 (150.000đ/phòng). Từ Quản Bạ, trong một ngày, có thể đi một cung lên Lũng Cú, thăm cột cờ, thăm nhà "vua Mèo" rồi trở sang thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) để nghỉ đêm kế tiếp ở Nhà nghỉ Hoàng Ngọc (50.000 đồng/người). Ngày thứ ba, hãy đi Mèo Vạc (nếu trùng dịp chợ tình Khâu Vai) bằng cách vượt đèo Mã Pí Lèng. Còn không thì từ Hà Giang, bạn cũng có thể qua đèo Hoàng Su Phì, qua Xín Mần để sang tỉnh Lào Cai, ghé thăm Sa Pa một chuyến. Đây là tour mới, có thể đặt tour theo yêu cầu tại Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (ĐT: 08 8422432). |
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)