![]() |
Ông Trương Đình Tuyển trong "vòng vây" báo chí. |
![]() |
- Là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý phân bổ quota dệt may, Bộ Thương mại có nhận thấy dấu hiệu nào của sự sai phạm trong suốt quá trình phân bổ từ trước đến nay hay không?
- Cá nhân tôi luôn không yên tâm về cách phân bổ quota dệt may. Vì vậy đích thân tôi đã ký quyết định thanh tra nội bộ Vụ Xuất nhập khẩu. Việc tổ chức kiểm tra là ý thức trách nhiệm của Bộ trưởng khi cảm thấy không yên tâm thôi.
- Vậy có khi nào Bộ trưởng nhận được thông tin hay đơn thư tố cáo về những tiêu cực trong phân bổ quota?
- Tôi chưa hề nhận đơn tố cáo nào về sự tiêu cực trong phân phối. Song điều đó cũng không có nghĩa là tôi loại trừ những tiêu cực nảy sinh trong phân phối quota. Tôi đã phải tìm một cán bộ có năng lực và có cái tâm trong sáng để chủ trì công tác thanh tra, qua đó xem có những sai sót, sơ hở và thậm chí có tiêu cực gì trong việc phân bổ quota dệt may. Công việc này được tiến hành từ tháng 5, dù không có đơn thư tố cáo gì. Tuy nhiên, theo báo cáo của anh em thanh tra, công việc đã bị kéo dài bởi trong thời gian đó, các cán bộ chịu trách nhiệm về phân quota phải đi làm việc cùng đoàn hải quan Mỹ. Tôi buộc phải chấp nhận cho kéo dài cuộc thanh tra và hiện chưa có kết luận cuối cùng. Cơ quan an ninh có thể có thông tin và chứng cớ từ lâu nên họ phát hiện được. Thú thật, nếu là hối lộ giữa hai bên thì chỉ có cơ quan điều tra mới phát hiện được. Việc xảy ra là xấu, nhưng phát hiện được còn tốt hơn là để nó xảy ra mà không ai phát hiện.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tiêu cực này?
- Trước hết phải thấy cơ chế của chúng ta còn những bất cập nhất định và chưa có cách khắc phục. Chúng ta phân quota theo thành tích, tức là lấy thành tích xuất khẩu của năm trước làm căn cứ để phân bổ quota cho năm sau. Nhưng xuất khẩu dệt may luôn thay đổi, năm nay có thể xuất được năm sau không, năm nay xuất mặt hàng này nhưng năm sau khách hàng không muốn mua cùng loại nữa. Nhưng cũng không thể không phân theo thành tích, bởi bản thân quota mà chúng ta đạt được sau khi đàm phán với Mỹ là dựa trên kết quả xuất khẩu một năm trước đó. Nếu không phân theo thành tích, doanh nghiệp sẽ bảo rằng, chính nhờ tôi xuất khẩu vào Mỹ năm 2002 mà Bộ Thương mại mới đàm phán được. Và dù có nhiều bất cập, các nước vẫn phải phân quota theo thành tích. Chính các nước đều thừa nhận phân quota theo thành tích có nhiều phức tạp.
- Điều đó có nghĩa là còn phân quota theo thành tích thì còn tiêu cực?
- Đúng thế. Tốt nhất là không bị áp hạn ngạch. Cứ có hạn ngạch là có tiêu cực. Để hạn chế tiêu cực khi xuất khẩu theo hạn ngạch, bản thân tôi cũng đưa ra ý tưởng của mình. Phân quota theo chuỗi trước hết nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Mỹ. Thứ hai, sẽ hạn chế bớt phức tạp của cơ chế hạn ngạch. Và khi phân theo chuỗi, số đầu mối chúng ta phải quản lý ít hơn. Là người luôn luôn muốn chống tham nhũng, tôi đã đưa ra sáng kiến này nhưng bị doanh nghiệp phản đối. Vài tháng sau khi tôi đưa ra ý tưởng này, có tin Bangladesh đang thiết lập chuỗi và sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ lại với nhau để tăng năng lực cạnh tranh trong 2005. Và tại hội nghị ASEAN mới đây thôi, các bộ trưởng đều thấy rằng rất cần tạo nên sự liên kết giữa các doanh nghiệp ASEAN trong 11 ngành ưu tiên, trong đó có dệt may. Đích thân bộ trưởng Malaysia đề nghị sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị liên kết các doanh nghiệp dệt may ASEAN.
- Tuy nhiên, để xảy ra chuyện này là do cơ chế không minh bạch hay Bộ Thương mại quản lý người không nghiêm?
- Không có một cơ chế nào phản ánh được mọi hiện tượng kinh tế. Bởi hiện tượng kinh tế thì luôn vận động và luôn thay đổi, trong khi cơ chế thì ổn định. Trong lĩnh vực dệt may có một thực tế thế này, tôi giao cho anh quota theo thành tích năm ngoái, nhưng năm nay có thể không ký được hợp đồng. Bộ Thương mại đã yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại quota nếu không có khách hàng, nhưng không ai trả. Tôi rất muốn chống chuyện buôn bán quota. Nhưng hiệp hội dệt may lại đề nghị cho chuyển nhượng quota. Chuyển nhượng quota thực ra là một danh từ mỹ miều. Tôi đành phải tìm ra một cách là các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cho nhau tại phòng đăng ký giấy phép. Và ai đã chuyển nhượng thì không được vào tính thành tích năm sau. Chính vì thế, tôi rất tâm đắc phân quota theo liên kết chuỗi, giúp hạn chế tiêu cực. Nhưng Bộ trưởng Thương mại không có quyền dùng quota để ép người ta vào liên kết chuỗi. Liên kết chỉ là tự nguyện và nhà nước không có quyền bắt anh tổ chức sản xuất theo kiểu nào. Nói như vậy cũng để hiểu tại sao ý tưởng của tôi không được biến thành hiện thực.
- Sự việc này có hay không trách nhiệm của lãnh đạo bộ?
- Tất nhiên, một việc xấu xảy ra trong bộ dù muốn hay không thì lãnh đạo bộ phải chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm đến đâu là chuyện khác. Có thể là trách nhiệm chính trị, anh được giao quản lý một ngành mà để xảy ra tiêu cực thì anh phải chịu trách nhiệm. Nhưng xin nói lại, trách nhiệm đến đâu phải xem xét cụ thể qua công việc.
- Khám nhà ông Thắng, cơ quan điều tra phát hiện một số giấy tờ giao hạn ngạch có chữ ký khống của lãnh đạo bộ. Vậy việc này có liên quan gì đến ông Mai Văn Dâu hay một số lãnh đạo khác của bộ?
- Khi cơ quan an ninh khám nhà anh Thắng, Bộ Thương mại không được yêu cầu chứng kiến. Điều đó cũng đúng thôi bởi nếu khám cơ quan thì phải có đại diện bộ, còn khám nhà là đại diện chính quyền địa phương. Bộ Thương mại không được yêu cầu chứng kiến khám nhà và không biết khi khám có cái gì, thu được cái gì. Tôi cho rằng những thông tin đó cần được xác minh rất cẩn thận trước khi công bố.
Xin khẳng định là Bộ Thương mại không cho phép ký khống, đặc biệt là trong lĩnh vực quota. Bởi làm điều đó sẽ dễ nảy sinh những sơ hở chết người. Và giả sử ai có làm chuyện đó thì phải tự chịu trách nhiệm. Dù ông nào, dù là người giúp việc riêng nhất của mình, Bộ trưởng Thương mại cũng không tha thứ.
- Liệu Bộ Thương mại có buông lỏng quản lý cán bộ?
- Bộ Thương mại không buông lỏng quản lý. Nhưng trong trường hợp này có 2 vấn đề. Có thể khi phân phối không sai nhưng anh lợi dụng chuyện đó để đòi tiền doanh nghiệp. Giả thuyết này có thể xảy ra. Đứng trước một vụ việc như vậy lãnh đạo bộ cần phải tìm hiểu và giải quyết. Song điều đó không có nghĩa là bộ buông lỏng quản lý. Vấn đề thứ 2 là cơ chế của chúng ta có sơ hở. Khi xây dựng đã thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ nhưng không ai đưa ra được giải pháp tối ưu. Khi bàn về chuỗi, 100% doanh nghiệp phản đối ý kiến của bộ trưởng.
- Trong chuyện của ông Lê Văn Thắng, chẳng nhẽ lại chỉ có mỗi yếu tố con người, nảy sinh lòng tham và cố tình sai phạm?
- Trước hết là do con người. Cơ chế chỉ là môi trường. Nếu cơ chế tốt thì giúp hạn chế những tiêu cực phát sinh. Nhưng ngay cả khi cơ chế tốt, vẫn có thể có tham nhũng, tiêu cực. Còn khi cơ chế bất cập sẽ tạo môi trường cho tính xấu phát triển. Tuy nhiên, cái gốc vẫn là con người, con người không tốt thì sẽ tìm mọi cách để sai phạm.
- Bộ trưởng nói không có thông tin chính thức nào về tiêu cực, nhưng hồi đầu năm nay có một sự cố mà chính ông cũng phải can thiệp đó là thông báo giao nhầm một khối lượng lớn hạn ngạch trên mạng của bộ. Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng đây là sự cố máy tính và lỗi mạng, nhưng Vụ Thương mại điện tử, nơi đăng thông báo này cho rằng chính Vụ Xuất nhập khẩu 2 lần gửi thông báo điều chỉnh. Vậy đây có phải là một dấu hiệu bất bình thường hay không?
- Tôi chưa đi rất kỹ về vụ việc đó bởi lỗi này về cơ bản không gây ra hậu quả, đã có sự điều chỉnh kịp thời. Nhưng có cái sai ấy là một dịp để nhìn nhận nó bắt nguồn từ động cơ gì. Tôi cũng có thể không mặc nhiên coi đấy là do sự cố kỹ thuật. Sự việc này đã được đưa vào lịch làm việc của thanh tra bộ.
- Nhưng sự cố đó đã xảy ra hơn 5 tháng rồi sao vẫn chưa có kết luận?
- Thanh tra chỉ được thành lập từ tháng 5, sau sự cố đó. Bây giờ chưa xong. Một cuộc thanh tra thường là 3 tháng, nhưng do tính chất phức tạp của vấn đề thì có thể kéo dài. Tôi đang kéo dài thanh tra này trong phạm vi cho phép. Và tôi không ra quyết định xong rồi để đấy. Điều đó sẽ được xem xét và không cho phép bỏ qua trong thanh tra. Hãy chờ kết luận thanh tra.
- Trong trường hợp bản báo cáo thanh tra khác với kết luận của cơ quan an ninh thì sao?
- Điều đó rất bình thường, không có gì là khó hiểu cả. Bởi xét về điều kiện, có những cái công an làm được nhưng thanh tra không làm được. Chẳng hạn nếu người ta hối lộ cho nhau thì chỉ có công an mới làm được còn thanh tra không có quyền đến doanh nghiệp hạch sách tra hỏi. Quan trọng nhất là thái độ của ông Bộ trưởng thế nào. Nếu ông cứ lấy kết luận của thanh tra để cãi pháp luật thì không được. Kết luận của cơ quan điều tra là kết luận cao nhất, họ không bênh cho ai. Cái đúng phải được bảo vệ và cái sai phải bị trừng trị.
- Cá nhân Bộ trưởng đánh giá thế nào về năng lực và phẩm chất của ông Lê Văn Thắng?
- Trong suy nghĩ của tôi không bao giờ có từ tuyệt đối. Tôi không tuyệt đối tin tưởng nên mới có quyết định thanh tra nội bộ. Về phẩm chất của anh Thắng cũng vậy. Tôi không bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối với bất cứ ai. Trong cơ chế thị trường hiện nay, sự cám dỗ của đồng tiền có thể biến một người cán bộ hôm nay thì tốt nhưng mai có thể bị biến chất. Làm thế nào có thể đặt được niềm tin tuyệt đối vào một con người.
- Một số doanh nghiệp nói rằng giá 1 quota đi mua bằng 20 lần đơn giá gia công. Ông nghĩ gì về chuyện này?
- Tôi cũng nghe nói về chuyện mua bán quota. Tôi cũng nghe nói giá quota là mấy trăm mấy trăm nhưng không ai biết chính xác cả bởi người ta mua không mua trước mặt mình. Chuyện mua bán quota ai cũng biết, Bộ trưởng Thương mại cũng biết và muốn chống mà chưa có biện pháp để chống. Chuyện mua bán quota là phổ biến trên thế giới. Người Mỹ cũng thừa nhận đây là vấn đề đau đầu. Khi làm việc với họ tôi đã nói thật, nếu tôi biết tình hình phân bổ quota đi Mỹ phức tạp thế này thì tôi xin ở lại làm bí thư tỉnh uỷ còn hơn làm Bộ trưởng Thương mại.