Câu chuyện của một chàng trai 9X có tên Le Lee kể về đứa em ngỗ nghịch, nghiện game khiến gia đình khổ sở đang được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội.
"Tôi có thằng em năm nay 18 tuổi. Nhà tôi ai cũng ra sức hướng thiện để nó thành người tốt, nhưng nó toàn thích đua đòi theo mấy trò ngỗ ngược đầu đường xó chợ. Tiền nó tiêu không biết tiếc (toàn ăn trộm hoặc khai khống từ bố mẹ). Tiền nạp game chắc phải tính đến chục triệu rồi, lô đề thì ham không khác gì con thiêu thân. Nhà tôi bị tụi cầm đồ đến đòi tiền mấy lần rồi. Nói mãi, phân tích mãi nó không chịu nghe, bố mẹ tôi già đi cả chục tuổi vì nó".
Chàng trai 9X cho biết, gia đình cho em ấy đi học xa nhà, đến Tết mới được về. Hồi đầu em ấy có vẻ hoàn lương nhưng chỉ được mấy ngày. Tết đến có dăm cái đồng tiền lì xì vào làm nó lại nổi cái máu lên, lấy hết tiền lì xì để nạp thẻ game.
"Đỉnh điểm là 20/2 (mùng 5 Tết) nó tìm ra chỗ tôi cất tiền mới để lì xì cho mọi người còn thừa và cuỗm gần hết chỗ đấy. Tôi chỉ định giải quyết hai anh em với nhau thôi nhưng nó vẫn lươn lẹo chứng nào tật đó. Không thể chấp nhận được nên tôi quyết định nói với bố mẹ. Xong rồi nó làm ra vẻ giận dỗi bảo là tôi mách với bố mẹ. Nó ném xấp tiền ăn trộm còn thừa xuống đất ngay trước mặt tôi. Quá bức xúc, tôi tát nó một cái thì nó nổi khùng lên, nhảy vào định đánh lại (tôi hơn nó 6 tuổi) ngay trước mặt bố mẹ", anh Le Lee kể.
Cuối status, anh Lee tâm sự: "Là đàn anh của nó, tôi cũng chẳng bảo được nó, có thằng em như vậy tôi cũng không biết phải làm sao cho nó biết đâu là phải trái nữa. Bố mẹ tôi cũng bất lực và khóc rất nhiều vì nó, dù đã phân tích cho nó rất nhiều... Tại sao đồng tiền nó làm gia đình tôi khổ như vậy? Tôi thương bố mẹ quá. Mọi người bảo tôi phải làm sao với thằng trời đánh này?".

Câu chuyện của chàng trai 9X kể về em trai nghiện game khiến gia đình khổ sở được nhiều người quan tâm.
Dưới phần bình luận, nhiều người đã vào đồng cảm và góp ý khi đọc xong câu chuyện của anh Le Lee chia sẻ. Facebook Nguyễn Trang viết: "Thằng em tôi sinh năm 2000 cũng suýt thế này. Ngày nói nghiện game, bố mẹ đã phải dùng đủ cách, nhẹ nhàng có, căng thẳng có thế mà cũng không ăn thua. Sau đó, gia đình đã tìm cách xin cho em ấy đi nghĩa vụ quân sự. Được hai năm về, em ấy đã trưởng thành, biết suy nghĩ và lo lắng cho gia đình. Không còn chơi bời hay game gì nữa. Tôi và anh chị trong nhà cũng quan tâm em hơn, thỉnh thoảng đưa em đi ăn vừa gần gũi và dễ khuyên bảo".
Cùng quan điểm trên, Facebook Kiều Dung tâm sự: "Nhà em cũng có anh họ trước cũng ăn chơi dữ lắm, hồi đó lớp 9 mà bỏ nhà đi bụi 3 tháng, lấy mấy chục triệu của cậu em đi nạp thẻ game rồi hút cỏ này nọ nữa. Sau đó, gia đình xin cho đi nghĩa vụ quân sự xong thì thấy đỡ hẳn và hoàn lương luôn. Không còn đua đòi hay phá phách gì nữa".
Còn Facebook Phương Trang kể về trường hợp gia đình mình: "Trước đây, em trai tôi cũng làm khổ gia đình nhiều lắm. Nó lấy xe máy của bố mẹ đi cắm, đánh bài, đập đá các kiểu khi mới lên lớp 10. Bố mẹ khuyên bảo và đánh nó nhiều mà cũng không ăn thua. Thậm chí, bố còn đánh nó đến nổi nhập viện nhưng xong được vài ngày lại chứng nào tật đó. Mẹ khóc rất nhiều khi nửa đêm phải đi tìm con. Một năm nó phá hết của gia đình gần 100 triệu đồng. Họ hàng thấy nó vậy ai cũng ghét. Bố mẹ đuổi, nó bỏ đi làm cà phê, đánh giày kiếm sống. May nó gặp được người tốt hướng thiện, đi đúng đường. Nó biết lỗi, gọi điện về cho mẹ và khó nhiều lắm. Giờ nó đi làm xa nhà đã được 3 năm, đứng bếp nấu phở trên Bắc Giang lương cũng kha khá. Có tiền gửi cho bố mẹ và mua sắm cho bản thân. Cũng may phước cho gia đình".