Thế nhưng, mời được người phiên dịch không dễ, toà phải đi năn nỉ trong khi phiên dịch thường "né" vì thù lao quá thấp...
Tháng 6/2004, trong phiên xử của TAND TP HCM, 2 bị cáo bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người Philippines. Họ chọn tiếng Anh để trả lời hội đồng xét xử.
Ngay khi phiên toà vừa khai mạc, người phiên dịch đã khiến bị cáo "ngơ ngác" không hiểu gì. Nhiều đoạn bị cáo yêu cầu phiên dịch lặp lại nhiều lần nhưng họ vẫn không hiểu. Vị đại diện lãnh sự quán Philippines ngồi sát người phiên dịch, cố lắng nghe cũng không tài nào "nắm bắt" được diễn biến phiên toà, liên tục lắc đầu biểu lộ ý không hiểu nội dung.
Oái oăm hơn, đến phần bị cáo nói lời sau cùng, không biết người phiên dịch dịch cách nào mà cả hai nhất loạt xin cảm ơn (thường phần này bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, thừa nhận tội phạm hoặc kêu oan). Nhiều người tham dự lắc đầu ngao ngán cho năng lực, trình độ của người phiên dịch. Tuy nhiên, cuối cùng toà cũng tuyên án.
Một phiên xử khác có bị cáo là người Đài Loan, người phiên dịch đã không dịch hết ý của bị cáo. Bị cáo chung vụ là người Việt Nam biết tiếng Đài Loan có ý kiến khiếu nại ngay tại toà. Thẩm phán chủ toạ cho biết thực tình trong vụ này, toà rất bối rối. Bởi lẽ toà trông chờ hoàn toàn vào người phiên dịch, nếu hoãn để tìm người phiên dịch khác thì vụ án sẽ bị kéo dài. Tuy thế, phiên toà cũng phải hoãn để đảm bảo nguyên tắc tố tụng...
Ngày 17/1, TAND tỉnh Đồng Nai xử một vụ án có 3 bị cáo là người nước ngoài. Tại phiên xử, toà rất "mệt" vì cách chuyển ngữ của người phiên dịch không chính xác. Có lúc chỉ một câu hỏi nhưng phải mất gần một giờ để chuyển ngữ! Trước tình trạng "lơ tơ mơ" của người phiên dịch, đại diện đại sứ quán và luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị thay đổi. Sau đó, toà yêu cầu Sở Giáo dục, Sở Tư pháp tìm người phiên dịch khác thay thế, phiên toà mới tạm suôn sẻ.
Trước đây, trong vụ án Năm Cam, có một bị cáo mang quốc tịch Campuchia. Tới một đoạn thẩm vấn, người phiên dịch chuyển ngữ sơ sài. Bực mình, bị cáo quay sang trình bày với toà bằng tiếng Việt rất thành thạo rằng người phiên dịch không dịch hết ý, bị cáo không cần người phiên dịch nữa!
Theo Pháp Luật TP HCM, với những vụ án bắt buộc phải mời người phiên dịch, toà tìm không ra thì đương nhiên việc xét xử bất thành. Ông Phan Bá, thẩm phán TAND TP HCM, cho biết tìm được người phiên dịch rất khó khăn, nhiều phiên toà phải hoãn vì thiếu phiên dịch.
Một thẩm phán khác của TAND TP HCM kể, có một vụ bị cáo là người Đài Loan, toà năm lần bảy lượt lên lịch mở phiên toà nhưng không thành vì tìm không ra người thông ngôn. Mới đây mời được phiên dịch nhưng khi phiên xét xử vừa bắt đầu thì người này báo bận không thể tham dự. Thế là đành phải hoãn tiếp.
Với một vụ có bị cáo là người Cameroon, toà đã rất vất vả. Những "địa chỉ quen" đều "lắc đầu". May đâu có một mối hiếm hoi nhận lời. Một thư ký cho biết: Với những vụ như vậy, toà phải tìm cách "lấy lòng" người phiên dịch, đáp ứng mọi điều kiện của họ như thù lao, giờ giấc... vì sợ họ đổi ý, vụ án không xử được!
Một thư ký khác than thở: "Điều này quá vô lý, phục vụ cho xét xử lại phải đi o bế người phiên dịch, thiệt không ra thể thống gì!".