Nhiều trường hợp hiện nay, cô dâu và chú rể ở hai miền khác nhau, khoảng cách giữa hai nhà tới gần 1.000 km nên tổ chức cưới vất vả, tốn kém. Để ngày cưới không mệt mỏi, gia đình hai bên nên giản lược các thủ tục và tổ chức tiệc đãi khách đơn giản.
1. Gộp lễ ăn hỏi và đón dâu vào cũng một ngày
Trong nghi thức cưới của Việt Nam, lễ ăn hỏi và đón dâu luôn được coi trọng, không thể thiếu. Nhưng không ai quy định hai nghi lễ này không thể tổ chức trong một ngày. Khi hai gia đình ở xa, đây sẽ là cách tiết kiệm nhất cho lễ cưới.
- Thời gian diễn ra hai nghi lễ có thể trong cùng một ngày hoặc tổ chức lễ ăn hỏi hôm trước, đám cưới hôm sau. Hai nghi lễ này có thể gộp chung vào một buổi buổi, hoặc lễ ăn hỏi diễn ra vào buổi sáng, còn lễ đón dâu tổ chức vào đầu giờ chiều. Trong trường hợp tách thời gian thành hai ngày liên tiếp, nhà trai cần đặt khách sạn, nhà nghỉ ở gần nhà cô dâu để việc đi lại thuận lợi và tạo sự thoải mái cho các thành viên trong gia đình.
- Nếu cần làm lễ cưới tại nhà thờ, nghi thức này nên diễn ra sau khi lễ cưới truyền thống đã hoàn thành.
- Một số gia đình lo lắng nếu gộp lễ ăn hỏi vào cùng ngày rước dâu, nghi thức sẽ không trang trọng. Nhưng phong cách trang trọng, cầu kỳ chủ yếu thể hiện qua mâm tráp, lễ vật. Nếu muốn giữ sự truyền thống, cầu kỳ, gia đình nhà trai nên chuẩn bị tráp kỹ lưỡng, có thể đặt từ 9 tráp trở lên để vật phẩm đầy đặn. Nếu nhà cô dâu ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, chú rể có thể đặt wedding planner gần nhà gái để họ lo liệu mọi mâm tráp chu đáo.
- Trong mâm tráp ăn hỏi, nhà trai cần chuẩn bị cả một tráp trầu cau để làm lễ đón dâu luôn.
- Các nghi thức ăn hỏi, đón dâu vẫn diễn ra như bình thường.
2. Tổ chức tiệc cưới tùy phong cách từng nhà
Vì khoảng cách hai nhà ở xa nhau, nên việc cùng tổ chức tiệc đãi khách là điều hầu như không thể diễn ra. Lúc này, mỗi gia đình nên chuẩn bị kế hoạch tiệc cưới riêng tại nơi mình ở. Thường nhà gái nên đãi tiệc trước, sau đó đến nhà trai. Báo Ngoisao.net sẽ gợi ý một lịch trình cụ thể và đơn giản diễn ra trong 2 - 3 ngày như sau:
* Ngày 1: Lễ ăn hỏi và đón dâu diễn ra tại nhà gái
- Tối cùng ngày, nhà gái tổ chức tiệc đãi khách của gia đình. Khi đó đoàn nhà trai sẽ cùng tham dự tiệc để thể hiện sự chu đáo, quan tâm.
* Ngày 2: Hai gia đình nghỉ ngơi tại nhà gái (nếu cần) hoặc cô dâu và đoàn nhà gái đưa dâu cùng về nhà trai để làm lễ thành hôn.
- Sau đó, nhà trai thường tổ chức tiệc mời khách. Lúc này nhà gái cũng nên có đại diện tham dự để đảm bảo sự trang nghiêm, chu đáo cho tiệc.
Khi lên kế hoạch cưới, nhiều uyên ương thường lo lắng tới các thủ tục truyền thống, nhưng thực tế, không ai bắt buộc nghi thức cưới phải theo một khuôn mẫu nhất định mà nên linh hoạt, tùy hoàn cảnh. Điều cần thiết nhất là kế hoạch cưới nên tiện lợi, giúp cô dâu chú rể cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Linh Linh