Hiện nay nhiều gia đình người Việt cho rằng, đón dâu hai lần sẽ hóa giải được mọi điều xui xẻo và giữ được hạnh phúc bền lâu cho uyên ương trẻ. Nhưng cũng nhiều cô dâu chú rể lại cảm thấy việc này tốn thời gian, không cần thiết. Để giữ được hòa khí gia đình, cặp đôi trẻ nên bàn bạc, thống nhất với cha mẹ để quá trình chuẩn bị cưới diễn ra suôn sẻ.
Quan niệm của gia đình:
Nhiều gia đình coi nặng lễ nghĩa thường đi xem bói, tính tuổi, xem ngày cẩn thận khi con cái đến tuổi lập gia đình. Chàng trai, cô gái nào sinh vào năm, giờ bị coi là "xấu" hoặc cặp uyên ương không hợp tuổi nhau sẽ "được" thầy khuyên phải tiến hành cưới hai lần để tránh chuyện ly tán, chia cắt sau này.
Có quan niệm những người con gái tuổi "Đinh, Nhâm, Quý, Giáp" thường cao số hoặc có cuộc sống vất vả lận đận, thậm chí phải lấy hai đời chồng. Nhưng thời gian gần đây, bất kể cô gái sinh vào ngày giờ nào, nhiều gia đình vẫn tổ chức cưới hai lần cho con. Việc này gần như trở thành trào lưu, nhất là tại các thành phố lớn hoặc trong các gia đình kinh doanh vì họ cho rằng, cưới hai lần sẽ đảm bảo hạnh phúc trọn đời.
Cách thực hiện
Thường các gia đình chọn đón dâu lần một vào lễ ăn hỏi và lần đón dâu thứ hai vào lễ cưới. Khi ăn hỏi nhà trai sẽ đón cô dâu về nhà luôn, nhưng hôm sau, cô dâu phải tự động quay về nhà mẹ đẻ, chú rể không được đưa về. Sau đó, tại lễ cưới chính thức, nhà trai lại đón dâu một lần nữa.
Suy nghĩ của uyên ương:
Với những cô dâu chú rể có gia đình cách xa nhau, việc cưới hai lần nghĩa là cô dâu sẽ phải trải qua chặng đường dài hai lần, gây mệt mỏi. Nhiều uyên ương cũng cho rằng cưới hai lần tốn kém, vì hai gia đình sẽ phải lo liệu việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bàn thờ gia tiên cầu kỳ giống như lễ cưới, thuê xe đưa đón trong cả hai lần. Ngay trong lần "cưới thử", gia đình hai bên cũng phải mời đầy đủ những người lớn tuổi trong họ hàng tới chứng kiến lễ thành hôn và tổ chức đãi tiệc.
Việc cưới xin là chuyện quan trọng, nhưng cũng là ngày hạnh phúc riêng của uyên ương. Vì vậy các nghi thức cưới nên được gia đình và cô dâu chú rể thống nhất, đồng tình, tránh những tranh cãi, bất đồng không vui vẻ. Nếu không quá tin tưởng vào các điều kiêng kỵ, quan niệm cũ, gia đình hai bên nên lo liệu một đám cưới với thủ tục đơn giản, chủ yếu chú trọng vào niềm vui cũng như hạnh phúc của cô dâu chú rể. Nếu có thể giản tiện được các tục lệ rườm rà thì sẽ giúp uyên ương trẻ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng hạnh phúc bên nhau.
Linh Linh