Thái Hà
(Cuốn sách của tôi)
"Phong nguyệt vô tình nhân ám hóa, cựu du như mộng không đoạn trường..." (Gió trăng vẫn cứ vô tình mà sao không biết lòng này đớn đau). Tiểu Long Nữ và Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ là hai nhân vật nổi bật và được yêu thích nhất. Họ được coi là một đôi tình nhân do trời đất tạo ra, chuyện tình của họ đầy trắc trở, éo le, gây nên sự xúc động và say mê cho cả khán giả và độc giả.
Câu chuyện đầy mùi vị của bi kịch. Từ ngày yêu nhau, không biết ly hợp bao lần, họa này chưa đi, kiếp khác đã đến, éo le, bi quan, thấm đượm chua xót thê lương... Nhưng họ vẫn cố gắng hướng về nhau, dù bị những khó khăn cản lối, "sông cạn, đá mòn", họ vẫn bên nhau, khiến cho bao người ngưỡng mộ.
Mối tình của Tiểu Long Nữ và Dương Quá là sự đối lập đến mức cực đoan của hai cá tính, lý tưởng và suy nghĩ về tình yêu. Thực chất họ thuộc hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Họ đến với nhau là ngẫu nhiên, là sự trêu ngươi của vận mệnh, họ yêu nhau là bởi nhầm lẫn, bởi sự lừa bịp chính mình.
Dương Quá là một người nhiệt tình, hoạt bát. Còn Tiểu Long Nữ là một người thích yên tịnh, thanh nhã. Cách sống của họ hoàn toàn tương phản. Dương Quá từng nói: "Không sai, thà ngọt ngào mà đau khổ còn hơn chẳng có gì. Ta có thể phát điên, chứ không thể sống những ngày bình lặng". Tiểu Long Nữ thì ngược lại.
Dương Quá là con người của phong trần, của cuộc đời đầy sóng gió. Còn Tiểu Long Nữ là con người của Cổ Mộ. Nàng vừa giống như một hồn ma, vừa giống như tiên nữ. Nàng thuộc về hư không. Nàng không thể chịu được gió bụi cuộc đời.
Tiểu Long Nữ là người thuộc về thế giới khác, nàng đã quên hết tình yêu, còn Dương Quá là một anh hùng phong lưu, hoạt bát trong cõi nhân gian. Tiểu Long Nữ yêu Dương Quá là vì chàng không ngừng theo đuổi tình yêu. Dương Quá yêu Tiểu Long Nữ bởi giữa họ có một khoảng cách khá xa nên chàng muốn được gần gũi, được tìm hiểu nàng.
Mỗi cuộc ly biệt đều có nguyên nhân khác nhau gây nên. Nhưng đều là Tiểu Long Nữ chủ động ra đi. Điều này đã trở thành động lực cho Dương Quá, xa nhau làm cho họ hướng về nhau. Sau mỗi lần xa nhau, nỗi nhớ lại đong đầy thêm. Trong mối tình này, Dương Quá trước sau vẫn là người theo đuổi mãnh liệt. Đối với Dương Quá mà nói sự truy tìm đầy gian khổ là hợp với cá tính chàng.
Đi tìm và chờ đợi tuy đều thống khổ nhưng cũng là một phương thức sinh tồn đầy đẹp đẽ và mãnh liệt. Trong quá trình này, sự chờ đợi và ảo tưởng thật đẹp, những kẻ yêu nhau trong ảo tưởng, trong chờ đợi đẹp hơn nhiều so với người chân thật. Tất cả đều do tính cách của Dương Quá quyết định.
Mình rất thích câu trả lời của Tiểu Long Nữ khi Dương Quá hỏi nàng: "Nếu là Quách Phù thì cô Long sẽ chọn ai trong hai huynh đệ họ Võ?". Tiểu Long Nữ trả lời: "Ta chọn Quá nhi". Dương Quá tưởng Tiểu Long Nữ chưa rõ ý mình nên nhắc lại: "Không, ý Quá nhi là nếu cô Long là Quách Phù thì cô Long sẽ chọn ai trong hai huynh đệ họ Võ". Vẫn câu đấy nàng lặp lại: "Ta vẫn chọn Quá nhi".
Mối tình của Dương Quá và Tiểu Long Nữ câu chuyện truyền kỳ về tình ái trên đời, là một đôi tình lữ thần tiên. Mối tình được tạo nên cũng bởi sự xa cách nhau giữa họ. "16 năm sau gặp tại đây. Phu Thê tình thâm, đừng bội tín. Tiểu Long Nữ gửi phu quân Dương lang nghìn lời trân trọng, cầu mong gặp lại". 16 năm sau, hai người ấy gặp lại nhau. Sau mấy mươi năm chia cách, trắc trở, đôi tình nhân này đã có thể sống những ngày bình an.
Câu chuyện về Dương Quá rất khó viết tiếp, chỉ có thể dừng lại ở đó. Họ là công chúa Bạch Tuyết và hoàng tử Bạch Mã trong tiểu thuyết võ hiệp, sống cuộc đời hạnh phúc trong thành quách. Dương Quá khắc phục được bản tính nôn nóng, hấp tấp, vứt bỏ thế giới phồn hoa, cam sống với mối tình khác thường, nhẹ nhàng ấy, quả là hy sinh không nhỏ.
Chúng ta phải cảm ơn Kim Dung vì đã viết nên một chuyện tình đầy éo le, cách trở, đã thể hiện chân lý "những vật gì không đạt được thì càng muốn có được" và bí mật sâu sắc trong tình cảm của con người. Có thể thấy Kim Dung hư cấu một tình yêu hoàn hảo như Dương Quá - Tiểu Long Nữ bởi nó có thể chỉ tồn tại trong tưởng tượng nhưng nói lên được khát vọng vươn đến một tình yêu đẹp tinh khiết, cao thượng nơi mỗi người. Cho nên nói "trăng có lúc tròn lúc khuyết, lúc sáng lúc mờ, người phải có bi hoan ly hợp" nhưng con người chỉ cần có lòng là có thể đến được với nhau...
Vài nét về tác giả:
Bài đã đăng: Triết lý nhà Phật sâu sắc ở 'Tây du ký', Triết lý trong 'Dòng sông ly biệt', Điều kỳ diệu của tình yêu, Sự hy sinh của tình yêu.