Diễn đàn Blockchain và ứng dụng phi tập trung 2018 do Công ty CP công nghệ ZASCO toàn cầu tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội và TPHCM. Sự kiện cung cấp tổng quan tình hình phát triển của công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam và tiềm năng ứng dụng công nghệ này vào hoạt động kết nối người đi vay và các tổ chức tín dụng.
Tại Việt Nam, dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực được áp dụng công nghệ Blockchain rộng rãi nhất với 83%, sau đó là chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%). Theo ước tính của công ty Distributed Credit Chain (DCC), cả nước hiện có hơn 100 công ty công nghệ và 5.000 lập trình viên đang phát triển các sản phẩm dựa trên nền tảng Blockchain.
Đại diện DCC nhận định, so với tín dụng truyền thống, tín dụng phi tập trung có những ưu điểm vượt trội như phá vỡ thế độc quyền của các tổ chức tài chính truyền thống, thay đổi mô hình hợp tác trong các dịch vụ tài chính... Ông Stewie Zhu - Sáng lập kiêm Tổng giám đốc Distributed Credit Chain (DCC) chia sẻ với phóng viên Ngôi Sao về tiềm năng của tín dụng phi tập trung trên nền tảng công nghệ chuỗi khối tại Việt Nam.
- Theo ông, hoạt động cho vay truyền thống đang tồn tại những vấn đề nào có thể được giải quyết bằng Blockchain?
- Vấn đề lớn nhất trong hoạt động cho vay của các ngân hàng là làm sao để kiểm soát nợ xấu. Với Blockchain, chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó bằng khía cạnh kỹ thuật. Thay đổi nền tảng công nghệ có thể giúp kiểm soát dòng tiền, thông tin người đi vay, thẩm định hồ sơ vay chặt chẽ hơn nhưng vẫn duy trì được sự cân bằng trong chính sách.
Để làm điều đó, cấu trúc dữ liệu hệ thống tín dụng phải thay đổi. Với mô hình cơ sở dữ liệu tập trung hiện tại, mỗi ngân hàng có một cơ sở dữ liệu riêng. Việc lưu trữ và quản lý thông tin đòi hỏi chi phí cao, công nghệ bảo mật chặt chẽ, nhưng rủi ro rò rỉ dữ liệu vẫn xảy ra. Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể bao quát hết hành vi tín dụng của người đi vay nếu họ vay bên ngoài hệ thống.
Trong khi đó, các công ty Internet lại đang thu thập và sở hữu lượng dữ liệu khách hàng cực lớn trong đó lưu trữ hành vi tín dụng của người dùng. Nhiều người chọn vay qua các tổ chức trên mạng với quy trình và điều kiện vay dễ dàng hơn.
Để giải quyết được bài vừa thừa vừa thiếu thông tin đó, cần có một cơ chế hợp tác, thu thập, khai thác, phân tích và lưu trữ dữ liệu đủ mạnh và minh bạch. Hệ thống tín dụng phi tập trung có thể giúp các ngân hàng tăng tính bảo mật, hạn chế thất thoát dữ liệu và khai thác thông tin tốt hơn.
- Cụ thể hệ thống tín dụng phi tập trung giải quyết những vấn đề kể trên như thế nào?
- Với tín dụng phi tập trung, người đi vay chịu trách nhiệm chính đối với thông tin cá nhân và hành vi tín dụng của mình. Mọi động thái đi vay, trả lãi, trả gốc... của họ đều được ghi nhận lại trên hệ thống của bên cho vay và trên ứng dụng của người vay. Công nghệ Blockchain đảm bảo tính bảo mật và minh bạch của hệ thống. Không ai có thể chỉnh sửa, thay đổi hoặc xóa lịch sử dữ liệu.
Nhờ đó ngân hàng có thể xem xét, thẩm định hồ sơ vay dễ dàng. Ví dụ với ứng dụng DCC, đây giống như một mạng xã hội trong lĩnh vực tín dụng, giúp kết nối người đi vay và bên cho vay trên một hệ cơ sở đầy đủ, minh bạch và không dễ bị thao túng hay chỉnh sửa.
- Làm sao để DCC kết nối được bên cho vay và người đi vay bằng ứng dụng Blockchain?
- Ứng dụng dành cho người dùng của DCC có tên gọi BitExpress. Với ứng dụng này, người dùng chỉ cần tải lên thông tin cá nhân của mình, lịch sử hoạt động tài chính, các khoản vay, thẻ ngân hàng... Cùng với đó họ cũng sẽ nhận được thông tin về các ngân hàng đối tác của chúng tôi. Việc của DCC là làm việc với các ngân hàng đối tác để tạo ra một nền tảng Blockchain lưu trữ dữ liệu. Các ngân hàng có thể dựa vào kho dữ liệu này để xem xét, thẩm định hồ sơ vay.
Về phía ngân hàng, một khi hợp tác với chúng tôi, họ có thể sáp nhập hai hệ cơ sở dữ liệu, một là dữ liệu họ đang có, hai là dữ liệu khách hàng cung cấp, thành một cơ sở dữ liệu chung trên nền tảng Blockchain với những thế mạnh như phi tập trung, bảo mật cao và không thể chỉnh sửa.
- Hiện tại DCC hợp tác với các ngân hàng nào để phát triển ứng dụng này?
- Chúng tôi đang làm việc với các ngân hàng nhỏ, các công ty cho vay trên Internet và công nghệ tài chính (Fintech) tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia trước tiên bởi các tổ chức này đối mặt với cạnh tranh gay gắt, họ sẵn sàng thay đổi công nghệ để thích ứng. Chúng tôi đang ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc lưu trữ và xử lý thông tin cơ sở dữ liệu của các tổ chức tín dụng này. Đã có tổng cộng 70.000 người sử dụng ứng dụng của chúng tôi.
- Vậy kế hoạch hoạt động ở Việt Nam là gì?
- Trước hết chúng tôi cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá nhằm giúp người tiêu dùng tại Việt Nam hiểu rõ hơn về công nghệ Blockchain vốn còn khá mới mẻ tại thị trường này. Ngoài ra công ty đang tìm kiếm cơ hội M&A trong lĩnh vực tín dụng hoặc hợp tác với các ngân hàng nhỏ, các tổ chức kết nối cho vay trên Internet để triển khai ứng dụng Blockchain. Đối tác của chúng tôi tại Việt Nam là ZASCO là đơn vị hỗ trợ chính trong công tác quảng bá và tím kiếm đối tác. Mục tiêu của chúng tôi là bước vào thị trường công nghệ tài chính Việt Nam trong năm nay.
Thách thức lớn nhất của chúng tôi là mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm đối tác. Đối với DCC, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng với môi trường kinh doanh cởi mở. Tôi đã nghe những ý kiến khả quan về việc phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam, với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi từ các công ty Fintech cũng như các nhà băng.
Nam Anh