Đã 45 ngày trôi qua kể từ khi bị Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường gây tử vong rồi vứt xác phi tang, thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Những ngày qua, cả cơ quan chức năng, công an, Bệnh viện Bạch Mai và gia đình chị Huyền đã dốc sức tìm kiếm bằng nhiều phương pháp nhưng vẫn chưa có kết quả.
Hôm nay là ngày thứ ba, ông Vũ Văn Bằng, chuyên gia tia đất, cùng các đồng nghiệp tình nguyện tham gia cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác khách hàng. Khu vực tìm kiếm là dọc sông Hồng dài khoảng 10 km từ cầu Thanh Trì đến địa phận Văn Giang (Hưng Yên) và dự kiến kéo dài trong ba ngày nữa.

Tiến sĩ Vũ Văn Bằng và thiết bị đo địa bức xạ trên sông Hồng. Ảnh: GTVT
Ngoài việc phân tích mẫu nước, lần tìm kiếm này được tiến hành dựa trên phương pháp mới do các giáo sư thuộc Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam đề xuất. Chủ yếu dựa vào máy địa bức xạ từ thứ cấp do một nhóm các nhà khoa học sáng chế. Giáo sư Vũ Văn Bằng là tác giả chính. Theo những người sáng chế, máy sử dụng nguyên lý vật lý cơ bản trường bức xạ từ thứ cấp để xác định từ trường bức xạ phát ra từ các vật thể. Từ đó có thể xác định được sự tồn tại hay vị trí kích thước của các thể vật chất đó.
"Phương pháp dùng máy địa bức xạ là phương pháp dựa trên cơ sở khoa học, không phải mới. Nó từng được sử dụng để tìm những thứ ở dưới mặt đất như khoáng sản có ích, quặng mỏ, kể cả khảo cổ, đặc biệt là tìm mồ mả, hài cốt", ông Bằng cho hay.
Tia đất - địa bức xạ là một dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của Trái đất và lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ - dạng trường, nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới đất. Đó chính là một trong những thành phần của môi trường sống.
Theo ông Bằng, mỗi dạng vật chất đều sản sinh từ trường, xác người càng có bức xạ từ trường lớn, vì thế máy đo bức xạ sẽ phát tín hiệu nếu thấy xác người.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, cả nhóm đã phát hiện ra khá nhiều thi thể dưới lòng sông và rất khó xác định đâu là thi thể của chị Huyền. "Trên đoạn sông Hồng chúng tôi phát hiện tới 30-40 cái xác bằng máy đo địa bức xạ, vì vậy, nhóm phải xác lập hành trình tìm kiếm để tìm chính xác mục tiêu", ông Bằng nói.

Thợ lặn liên tục thay nhau lặn ở độ sâu 6 - 10 mét.
Ông Bằng nhận định, đây là phương pháp rất khả quan vì còn kết hợp với hiểu biết về tự nhiên, vật lý cơ học của dòng chảy bồi lắng. Phương pháp này trước đây từng tìm ra xe khách bị trôi tại Hà Tĩnh và xác của lái xe năm 2010 hay tìm ra thi thể thanh niên bị vùi trong cát vụ nhảy cầu tự tử ở Vĩnh Phúc.
Trước đó, ngày 3/12, dưới cái se lạnh đầu đông, công việc được tiến hành khẩn trương trong sự chuyên nghiệp của các thợ lặn lành nghề. Trên xà lan, giáo sư Vũ Văn Bằng tay cầm máy đo bức xạ từ để xác định vị trí nạn nhân.
Tại vị trí tìm kiếm thứ nhất, cách chân cầu Thanh Trì khoảng 700 mét về phía hạ lưu, ăng ten máy đo bức xạ từ quay tít, giáo sư Vũ Văn Bằng khẳng định có thi thể dưới đáy sông, các thợ lặn lao xuống nước tìm kiếm ở độ sâu 6 - 10 mét nhưng không có kết quả. Giáo sư Bằng cho rằng có thể nạn nhân từng ở đó nhưng giờ đã trôi đi. Hợp chất nó lưu lại trong cát nên máy đo vẫn báo.
Đội tìm kiếm dự kiến sẽ tìm tại 5 vị trí sau khi đã sàng lọc mẫu nước tại 20 điểm. Các thợ lặn đang tìm dưới lòng sông bằng cả phương pháp lặn sâu và lặn bình thở.
Tại mỗi vị trí, trong vòng một giờ, các thợ lặn nai nịt gọn gàng đảm nhiệm việc lặn sâu xuống đáy sông ít nhất 6 mét để tìm kiếm. Họ sẽ luân phiên nhau, 2 người xuống một lần, mỗi lần lặn khoảng 15 phút và lặn tại nhiều vị trí.
Gia đình nạn nhân cho biết, nếu không tìm thấy thi thể, người nhà vẫn sẽ tổ chức làm lễ truy điệu cho chị Huyền tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn. Đúng 49 ngày, gia đình sẽ đưa chị lên chùa Kim Liên.
Theo VnExpress, Giao Thông Vận Tải