![]() |
Nghẹn ngào nghe tin dữ. |
Họ đến đây nhưng vẫn ấp ủ hy vọng người thân của mình không có trong danh sách tử. Có người mong nếu chết thì cũng nhận được thi thể. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng lại có chung một nỗi đau đứt ruột gan: mất người thân.
Cẩn thận dò từ trên xuống dưới danh sách người chết được dán trước nhà tang lễ, cô Lê Thị Mỹ Dung (Tam Bình, Vĩnh Long) thở dài quay đi. Từ chiều đến giờ, hai vợ chồng cô đã đi tìm tung tích người cháu Đặng Văn Sóc khắp nơi nhưng vẫn bặt tăm. Cha anh Sóc đang trực nơi cầu bị sập, mẹ anh Sóc nuôi người em bị thương nặng do sập cầu đang nằm tại bệnh viện, vợ anh phải chăm sóc cho đứa con còn ẵm ngửa...
Chị Nguyễn Ngọc Sang (Bình Minh, Vĩnh Long) cũng lặn lội đến nơi cầu sập, các bệnh viện trong thành phố và cả nhà tang lễ vẫn chưa tìm thấy tung tích anh Nguyễn Văn Tiếp, chồng chị. "Hồi sáng thay đồ, ảnh mặc có cái áo rồi đi tới đi lui tính không đi làm. Hôm qua, ảnh nói bị đạp đinh, tui kêu hôm nay nghỉ nhưng ảnh nói nghỉ hoài người ta trừ lương hết, ráng làm tới ngày một tây rồi lãnh lương. Vậy mà giờ không biết ảnh đang ở đâu", chị nghẹn ngào. Trong khi đó, cô Phạm Thị Đào đã thu dọn hết đồ đạc tư trang của anh Trương Quang Viễn để 4h sáng mai gia đình sẽ liệm và đưa anh về Ninh Bình. Cái chết của anh cả nhà đều biết ngoại trừ cha mẹ đã ngoài 70...
Hàng trăm người hiến máu
Sáng nay đọc tin trên báo ở cơ quan mà không thể tin nổi vào mắt mình! Thật đau đớn tột cùng khi thấy hàng chục người đã chết và hàng trăm đồng bào mình vẫn còn kẹt trong đống đổ nát. Tâm trạng những người khác ở cơ quan tôi đều rất bàng hoàng. Thế rồi một người trong số chúng tôi nói chúng ta phải làm điều gì đó để giúp người bị nạn. Một người đề xuất: "Bị thương nhiều thế này chắc là các bệnh viện không có đủ máu để tiếp cho người bị nạn, chúng ta đi hiến máu đi". Hàng chục người cùng đồng loạt xung phong. Giám đốc công ty biết tin liền cử luôn hai chiếc xe con để đưa mọi người đi hiến máu. Khi tới Bệnh viện Quân y 121- thành phố Cần Thơ, chúng tôi mới biết là đã có hàng trăm cá nhân và đơn vị đến đăng ký hiến máu. Chúng tôi là nhóm cuối cùng được bệnh viện tiếp nhận cho hiến máu. Nhiều người đến muộn tiếc nuối phải ra về vì bệnh viện đã tạm lấy đủ số máu. Nguyễn Văn Thắng (halong1968@) |
Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ là nơi tập trung đông nạn nhân nhất, hàng ngàn người tập trung kín khu vực cấp cứu, cổng và khuôn viên bệnh viện, trong đó rất nhiều bà mẹ, người cha, anh, chị dõi mắt đau đáu tìm người thân chưa biết được tin tức. Bà Nguyễn Thị Hường (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) đứng lặng người ngoài khu phòng cấp cứu của Bệnh viện 121 (Quân khu 9) ngóng tin con trai Nguyễn Văn Hoàng bị chấn thương đầu chờ chụp cắt lớp. Bà nói trong nước mắt: "Nó mới hơn 20 tuổi đầu, vào làm công nhân công trình chưa được bao lâu, vậy mà...!".
Bà kể buổi sáng đang ở nhà gần đó thì nghe người ta nói sập cầu, không biết trời đất gì nữa bà quáng quàng chạy đi tìm con đang làm ở đó. "Người ta không cho vào, tôi tông rào vào thì thấy không biết bao nhiêu người đang mắc kẹt dưới đó mà con mình chưa biết ra sao. Người ta đưa đi cấp cứu nhiều lắm, tôi cuống quýt đi theo nhưng đâu biết con mình ở đâu, chạy qua hết mấy bệnh viện ở Cần Thơ, tới trưa thì hay tin con nằm ở đây".
Anh Lê Hoàng Phi, công nhân đang thi công ở hiện trường, với gương mặt kinh hoàng, thất thần nói lúc tai nạn xảy ra anh đang ở gần đó, lao ngay vào tìm em trai Lê Hoàng Quốc Việt cũng là công nhân đang trực tiếp thi công, "nó bị nặng lắm giờ chưa biết sống chết thế nào". Chính anh là người khiêng cáng em đi cấp cứu. Anh Phi còn một đứa em bà con nữa cũng chưa biết được đưa đến bệnh viện nào.
Bên ngoài khu vực nhà xác của Bệnh viện 121 và Bệnh viện Đa khoa trung ương, danh sách người tử nạn được cập nhật thay đổi liên tục và tăng lên từng giờ, nhiều ánh mắt thất thần không dám nhìn thẳng vào những cái tên được ghi trên bảng. Một phụ nữ hơn 60 tuổi đang vật vã khóc tìm con và nhờ những người xung quanh dò tìm tên Nguyễn Văn Trang, trên bảng tử nạn của nhà xác Bệnh viện 121 vừa mới ghi lên tên này. Vừa nghe vậy, bà gào lên: "Sao con nỡ bỏ mẹ mà đi..." rồi ngất.
Bên ngoài khoa ngoại chấn thương của Bệnh viện Đa khoa trung ương, một người đàn ông đầu vẫn còn đội mũ bảo hộ và mang ủng đứng lên ngồi xuống ngóng con từ trong phòng mổ. Ông là Võ Văn Nhì, kể rằng lúc sập cầu ông đang ngủ ở nhà trọ cách đó 200m (vì đêm trước trực ca đêm), nghe tin ông nhào ra vì con trai đang làm ở đó, giờ thì con trai Võ Văn Tâm của ông đang ở phòng cấp cứu, đầu bị đè dập. Ông nói trong nước mắt: "Nếu nó có mệnh hệ nào tui không biết sống làm sao!".
Bác sĩ Lê Quang Dũng, Trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, bàng hoàng: "Tai họa ghê gớm này xảy đến trong lúc bệnh viện chúng tôi đang chuẩn bị công tác di dời về bệnh viện mới, nhưng khi nghe tin là y bác sĩ lập tức tập trung toàn lực tham gia công tác cấp cứu". Hàng ngàn y, bác sĩ, sinh viên thực tập của Bệnh viện Đa khoa trung ương và Đại học Y dược Cần Thơ đã vào cuộc trong công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân tại bệnh viện và tại hiện trường.
Những lưng áo trắng ướt đẫm mồ hôi lẫn máu và bùn đất của bệnh nhân đang đi lại như con thoi giữa phòng cấp cứu và các khoa để cấp cứu và chuyển bệnh nhân. Từ hơn 8 giờ sáng, khi những ca cấp cứu đầu tiên được chở đến tất cả điều dưỡng, bác sĩ được huy động toàn bộ, buổi trưa cũng không ai màng đến chuyện ăn uống.
(Theo Tuổi Trẻ)