Khối tài sản CEO Apple hiện tại sở hữu là 625 triệu USD. Phần lớn thành công của ông đến từ sự mạo hiểm theo Steve Jobs 20 năm trước. Bấy giờ, Tim Cook rời bỏ một công việc ổn định và đáng mơ ước mới có được để gia nhập Apple, một công ty vừa trải qua đà tụt dốc.
Không chỉ là bước ngoặt thay đổi sự nghiệp, đó là quyết định cuộc đời đúng đắn nhất, theo lời người kế vị Steve Jobs từ năm 2011, dù đến hoàn toàn từ bản năng.
Tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, Tim Cook làm việc trong suốt 12 năm kể từ đó tại IBM. Ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò kỹ sư sản xuất, trong giai đoạn các công nghệ robot đang thăng hoa. Bước ngoặt tiếp theo của Cook là tới Compaq, nhà cung cấp máy tính lớn nhất thế giới hồi đó. Thế nhưng, bất ngờ Apple tìm đến ông không lâu sau. Dù hãng "táo khuyết" ngày ấy nhỏ bé so với Compaq, ông đồng ý nói chuyện với Steve Jobs.
Thời điểm ấy, Jobs mới quay lại Apple sau hơn một thập kỷ ra đi. Công ty trên bờ sụp đổ và mới bắt đầu hành trình vực dậy. Chiếc iMac huyền thoại chưa ra đời và iPod cũng phải mất vài năm nữa mới lên kệ. Việc cân nhắc đầu quân cho hãng "táo khuyết" với Tim Cook không hề dễ dàng như bây giờ. CEO 58 tuổi kể lại: "Steve vừa quay lại công ty cũ, đang tiến hành thay thế gần như toàn bộ bộ máy lãnh đạo".
Tuy nhiên, Cook lại coi đó là cơ hội được trò chuyện với người khởi xướng cho toàn bộ ngành công nghiệp ông đang theo đuổi. Ông đã luôn tâm niệm việc chạy theo đám đông chưa bao giờ là một điều tốt, và Jobs cho thấy mình làm những thứ khác biệt hoàn toàn. Trong cuộc gặp, Jobs đã sớm mô tả với Cook về cỗ máy sau này được đặt tên iMac.
Chỉ mất vài phút để Cook bị thuyết phục trước chiến lược và tầm nhìn của vị "thuyền trưởng" Apple. Chính ông cũng bất ngờ trước quyết định của mình.
Bên cạnh sự cuốn hút của con người Jobs, Cook mô tả điều quan sát trong lần gặp gỡ đó: "Có một thứ ánh sáng từ đôi mắt anh ấy mà tôi chưa từng thấy ở một CEO nào. Năng lực đặc biệt của Jobs là làm điều vượt trội so với lối suy nghĩ thông thường. Anh ấy tập trung vào khách hàng chứ không chỉ máy móc".
Cook chia sẻ rằng những câu hỏi Jobs dành cho mình cũng không bình thường. Trước khi kết thúc buổi gặp mặt, ông đã tự nhủ: "Cầu mong anh ta đề nghị một công việc, bởi mình tha thiết muốn tham gia".
Sự sốt sắng đó đến từ một người mới nhậm chức phó chủ tịch nguyên vật liệu tại Compaq không lâu. Công việc quá đỗi lý tưởng khiến bạn bè Cook không hiểu nổi vì sao ông từ bỏ. Bấy giờ nếu ông ngồi làm một bài phân tích được và mất, mọi thứ đều sẽ đứng về phía Compaq. Một CEO mà Cook đến xin lời khuyên thời điểm đó thậm chí gọi ông là "kẻ ngốc".
CEO Apple nhớ lại: "Họ nghĩ rằng đầu óc tôi có vấn đề. Vẫn theo lối nghĩ thông thường thì là: 'Anh đang làm việc cho hãng máy tính số một thế giới, sao có thể nghĩ đến chuyện rũ bỏ, cả một sự nghiệp hứa hẹn rộng mở phía trước'".
Nhưng Tim Cook đã chọn điều được xem là mất trí, nghe hoàn toàn theo bản năng để đến mảnh đất Apple còn trống trải bấy giờ để gây dựng. Sau 6 tháng ngắn ngủi đặt chân đến Compaq, Cook về Apple năm 1998 trong vai phó chủ tịch điều hành toàn cầu, và kể từ đó bắt đầu hành trình với Jobs mà ông mô tả là "khai phóng".
Cook nói rằng những quyết định sự nghiệp của mình luôn được soi rọi bởi một câu nói của cựu tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: "Tôi sẽ chuẩn bị, và cơ hội một ngày nào đó sẽ đến".
Năm 2011, Tim Cook, dưới vô vàn áp lực, tiếp quản ghế CEO sau khi huyền thoại Steve Jobs qua đời. Thế nhưng hơn 7 năm qua, ông dẫn dắt Apple lên ngôi công ty giá trị nhất thế giới. Với mức vốn hóa khổng lồ 918 triệu USD, "táo khuyết" thậm chí trên đà trở thành công ty 1.000 tỷ USD đầu tiên.
Trong tháng 5, giá cổ phiếu hãng công nghệ này chạm mốc cao nhất mọi thời đại. Theo phân tích của CNBC, nếu đầu tư một khoản vào Apple 10 năm trước, đến nay một người có thể nhận lại số tiền gấp hơn 7 lần.
Dẫu vậy với Cook, món quà nhận được hàng ngày hầu như chưa bao giờ là chuyện tiền bạc, mà là việc sống với đam mê không ngừng cải thiện cuộc sống con người.
Quốc Việt
Theo CNBC