Trên truyền hình, Gordon Ramsay gây ấn tượng là một gã nạt nộ trong bếp. Lý giải việc ưa chửi rủa trên sóng các cuộc thi nấu ăn, giám khảo Master Chef và Hell’s Kitchen nói rằng: "Tôi không giỏi vỗ về theo kiểu: 'Lần sau cố gắng thêm chút nữa nhé. Nào, nắm lấy tay tôi và rồi dễ dàng ẵm lấy một phần tư triệu USD này'".
Với tính cách khắt khe, vị đầu bếp siêu sao là chủ nhân hàng chục nhà hàng khắp thế giới, giành 16 sao Michelin (sao danh giá ngành ẩm thực được ví như tượng vàng Oscars cho điện ảnh) và bản thân Gordon Ramsay được nhắc đến như một thương hiệu riêng.
Con đường ẩm thực của ông chỉ thực sự mở ra khi cánh cửa cho một ước mơ khác bị đóng sập hoàn toàn.
Gordon Ramsay sinh năm 1966 tại Scotland nhưng cùng gia đình chuyển đến Anh sinh sống khi lên 5. Phần lớn những lần chuyển nhà trước đó do thăng trầm trong cuộc đời cha ông, người được phác họa là nghiện rượu và hay đánh đập.
Bếp trưởng người Scotland làm quen ẩm thực từ những điều vô cùng bình dị. Ấu thơ tại quê hương, Ramsay có bài học đầu tiên từ bếp ăn của người mẹ, nhân viên làm đồ ăn tại một tiệm trà. Món ăn mẹ nấu không thuộc hàng mỹ thực nhưng làm dịu lòng cậu bé Ramsay.
Ông từng kể: "Cảm giác thật sang trọng khi đó là những thứ cây nhà lá vườn".
Tuy nhiên, Ramsay có đam mê thực sự đầu tiên là bóng đá và từng hướng đến sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp. Ở tuổi 15, cậu bé Ramsay đã nằm trong thành phần CLB Glassgow Rangers.
Năm 1985, bất ngờ một chấn thương đầu gối đã đặt dấu chấm hết cho nghiệp quần đùi áo số của chàng thanh niên, sau 3 năm gắn bó với đội. Thành công với ẩm thực sau này vẫn không khiến Ramsay nguôi ngoai tiếc nuối.
Buộc phải làm lại từ đầu, Ramsay quay về trường học và kiếm được tấm bằng Quản lý Khách sạn năm 1987.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Ramsay tìm đến làm việc cho những đầu bếp hàng đầu châu Âu. Chàng trai trẻ học việc với Marco Pierre White tại nhà hàng Harvey’s ở London; phụ Albert Roux tại Le Gavroche rồi tiếp tục với các bậc thầy nấu ăn ở Pháp là Joel Robuchon và Guy Savoy.
Gò mình trong những bếp ăn đầy áp lực và nghiền nát sức khỏe, Ramsay cuối cùng quyết định dành một năm thảnh thơi hơn đứng bếp trên du thuyền, nơi ông ghé đảo Sicily và tìm hiểu ít nhiều về ẩm thực Italy.
Trở về London năm 1993, Ramsay được Marco Pierre White mời làm bếp trưởng của nhà hàng Aubergine mới mở ở London. Sau 3 năm đóng góp, ông giúp nhà hàng đoạt 2 sao Michelin.
Bước ngoặt cho Ramsay là năm 1995, khi ông được trao danh hiệu "Gương mặt mới của năm" từ giải thưởng Catey uy tín trong ngành nhà hàng - khách sạn. Năm sau đó, Ramsay tấn công truyền hình với vai trò giám khảo trong show thi nấu ăn Master Chef của BBC. Năm 1998, ông mở nhà hàng riêng ở London có tên Restaurant Gordon Ramsay. Quán ăn nổi danh là điểm đến cho những tín đồ ẩm thực sành sỏi và sau cùng nhận 3 sao Michelin.
Gordon Ramsay trở thành nhân vật chính trong phim tài liệu Boiling Point, theo sát hành trình làm việc của ông khi mở quán ăn đầu tiên. Bộ phim gây được nhiều tiếng vang, càng đẩy tên tuổi sao đầu bếp lên cao.
Đầu thập niên 2000, Gordon Ramsay ghi dấu ấn mạnh tại Anh bằng loạt chương trình truyền hình Ramsay's Kitchen Nightmares (chủ đề lật ngược tình thế cho những nhà hàng đang lụi bại) và Hell’s Kitchen (nơi Ramsay dạy và tổ chức thi nấu ăn cho người nổi tiếng).
Hai show thu hút cả khán giả bên Mỹ, đến nỗi sớm có phiên bản riêng tại nước họ. Giống những người theo dõi tại đảo quốc sương mù, người xem Mỹ trải qua những cảm xúc trái ngược khi chứng kiến vị đầu bếp thô lỗ, độc miệng, liên tục chửi thề nhưng lại đòi hỏi rất gắt gao từ các thí sinh. Tiếp nối sức hút đó, MasterChef (2010) và MasterChef Junior (2013) ra mắt tại Mỹ với Ramsay làm giám khảo chính.
Trong vài năm sau đó, việc kinh doanh của Gordon Ramsay lên như diều gặp gió. Ông khai trương liên tục loạt nhà hàng bao gồm Petrus, quán Gordon Ramsay thứ hai ở London và Verre ở Dubai.
Tiếp tục được vinh danh "Đầu bếp của năm" và "Chủ tiệm ăn độc lập của năm" tại giải Catey, Ramsay mang cơ ngơi ẩm thực lần đầu đến Mỹ năm 2006. Ông khai trương hai quán ăn trong khách sạn hạng sang The London NYC của thành phố New York. Kể từ đó, Gordon Ramsay vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, mang thương hiệu nhà hàng đến Nam Phi, Australia và Canada.
Gordon Ramsay dạy cách cắt gà tại Master Chef
Song song với sự nghiệp nấu nướng và kinh doanh nhà hàng, Ramsay đã viết hơn 20 cuốn sách. Các mô hình kinh doanh của ông hiện hợp nhất thành Gordon Ramsay Holdings Limited. Nhiều người làm việc cùng nhắc đến tính cách đặc trưng của vị đầu bếp doanh nhân là cầu toàn.
Nhà sản xuất truyền hình Adeline Ramage Rooney, người hợp tác với Gordon Ramsay đã hơn thập kỷ, tả con người ông: "Anh ta vô cùng cầu toàn. Không giống bạn hay tôi, Ramsay không hài lòng với một show mà muốn 5. Không mở chỉ một nhà hàng, anh ấy phải có 20 quán ăn khắp thế giới. Nhưng lắm tài nhiều tật, Ramsay hay chửi thề, còn đôi co ở ngoài đường. Lòng dạ thế nào, anh ấy phơi hết ra ngoài và chẳng biết sợ điều gì".
Cuộc tẩu thoát của Gordon Ramsay tại Sài Gòn
Quốc Việt (Theo Biography)