FedEx là hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, nổi bật với sáng kiến thiết lập lại mô hình vận tải, tạo ra cách mạng cho ngành bưu chính, giúp giảm đáng kể chi phí và tối ưu hóa tốc độ giao hàng.
Tuy nhiên, ý tưởng phác thảo thời sinh viên đó của nhà sáng lập Fred Smith bị giáo sư đánh giá là không khả thi. Nếu cậu sinh viên kinh tế ngày ấy tự ái với lời phê thì có lẽ đã không thể tiến xa.
Không thuyết phục được trường học, Smith miệt mài bảo vệ trước những nhà đầu tư và cho ra đời mạng lưới vận chuyển giờ đây có trị giá hàng chục tỷ USD.
Sinh năm 1944, Fred Smith ra đời với căn bệnh xương hông, phải đeo đai và chống nạng suốt thuở niên thiếu. Cha ông là triệu phú tự thân, kinh doanh vận tải và nhà hàng phát đạt, nhưng qua đời khi Smith mới 4 tuổi.
Mẹ Smith chính là người kiên trì giúp con trai giữ vững lòng tin ở bản thân trước mất mát, bệnh tật và khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất. Kết quả, cậu bé Smith khỏi bệnh khi lên 10, có thể chơi bóng đá giỏi.
Còn nhỏ nhưng Smith đã rất hứng thú bay lượn. Ở tuổi 15, chàng thiếu niên đã học lái và trở thành phi công nghiệp dư, với công việc yêu thích là tưới thuốc trừ sâu cho cây cối từ máy bay.
Trong thời gian học ĐH Yale giữa thập niên 1960, Smith viết bài luận môn kinh tế về một dịch vụ vận chuyển hàng xuyên đêm. Giáo viên của ông không mấy ấn tượng và cho điểm thấp với lời phê: "Ý tưởng thú vị nhưng cần khả thi hơn".
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế ĐH Yale, Smith nhập ngũ hải quân và tham chiến tại Việt Nam, một trường lớp hoàn toàn khác biệt cho ông.
"Là chỉ huy trung đội, tôi chịu trách nhiệm về những người trẻ thuộc đủ thành phần: công nhân thép, tài xế xe tải, nhân viên bơm xăng…", ông Smith trả lời phỏng vấn Fortune năm 1988.
Trải nghiệm mang đến cho chàng lính trẻ góc nhìn rất khác so với cách các lãnh đạo cấp cao thường nghĩ về người lao động tay chân, bao gồm việc hành xử sao cho công bằng với họ. Một phần lớn thành tựu của FedEx đến nay được gây dựng dựa trên những bài học trong hải quân của nhà sáng lập.
Hoàn thành nghĩa vụ, Smith rời Việt Nam trong sự mệt mỏi trước những tổn thất chiến tranh gây ra, muốn dồn sức gây dựng gì đó hơn là phá hủy.
"Tôi muốn tạo ra thành quả sau khi đã thổi tung quá nhiều thứ", ông nhớ lại.
Ban đầu, cựu binh giúp cha dượng điều hành công ty sửa chữa máy bay nhưng không được suôn sẻ. Ý tưởng thuở sinh viên ngày nào trở về trong Smith. Ông khao khát đem lại một hệ thống vận chuyển tốt hơn dịch vụ thông thường của các bưu điện.
Với quyết tâm lớn, Smith vạch rõ kế hoạch tham vọng lập hệ thống vận tải kết hợp hàng không và dưới mặt đất. Trong đó, bưu phẩm trên toàn quốc sẽ được tập hợp về một điểm trung tâm (hub) trước khi theo hành trình riêng (spoke) tới điểm đến. Theo cách này, việc chở hàng có thể luân chuyển ban đêm, khi các chuyến bay khá trống. Bưu phẩm đến sân bay những thành phố lớn, phần còn lại hành trình do xe tải đảm nhận.
Mô hình có tên gọi "trục bánh xe và nan hoa" (hub-and-spoke) này chính là phát kiến thay đổi cục diện ngành vận tải, giúp giảm chi phí và tăng tốc độ giao hàng.
Tự tin những tính toán của mình khả thi, chàng thanh niên quyết định dốc tiền thừa kế 4 triệu USD từ cha. Thời điểm đó, cuộc đời Smith trở thành "marathon gọi vốn" để đủ kinh phí thành lập đội bay riêng. Ông thú nhận: "Tôi quá ngây thơ khi nghĩ rằng tiền sẽ được người ta rót vào ngay lập tức".
Mọi thứ đã không dễ dàng như doanh nhân trẻ hình dung ban đầu. Bằng sức hút riêng và hiểu biết trau dồi qua nhiều năm về lĩnh vực vận tải hàng không, Smith cuối cùng gây ấn tượng với nhà đầu tư. Cuối năm 1972, ông xoay xở được 80 triệu USD vốn.
FedEx đi vào vận hành tháng 4/1971, với 14 máy bay Falcon phục vụ phạm vi 25 thành phố. Công việc kinh doanh khởi động không tốt với chỉ 186 bưu phẩm được ship trong đêm đầu tiên.
Mặc dù vậy, khối lượng giao hàng tăng trưởng nhanh và dịch vụ hút khách nườm nượp, FedEx thành công chóng vánh. Giá dầu sau đó leo thang khiến chi phí vượt doanh thu, đến giữa năm 1974, mỗi tháng hãng vận chuyển lỗ 1 triệu USD.
Nhà đầu tư dần quay lưng và từ chối lời đề nghị rót tiền để duy trì công ty của Smith. Trong lúc ấy, một tình tiết thú vị xảy ra, tiếp lòng tin cho ông. Trên đường trở về từ Chicago sau một lần xin tài trợ thất bại, Smith bột phát ghé sòng bạc ở Las Vegas và bất ngờ chơi bài thắng 27.000 USD. Khoản tiền không quyết định điều gì nhưng với ông, đó là điềm lành. Sự việc trở thành động lực cho ông tiếp tục kiên trì và cuối cùng gọi thành công 11 triệu USD.
Dù thua lỗ gần 13,4 triệu USD trong 2 năm đầu vận hành, Smith chưa từng có ý định bỏ cuộc. Ông quan niệm: "Tôi tuyệt đối trung thành với giao kèo người ta đã ký kết với tôi, nếu bại trận thì bại trong chiến đấu. Không có chuyện tôi rút và thế là dang dở".
Năm 1975, FedEx ra sáng kiến đặt các hòm đựng bưu phẩm tại nhiều địa điểm, thuận tiện cho người gửi khi không nhất thiết phải đến văn phòng chuyển phát. Phương thức này dần trở nên quen thuộc với mọi người và giúp FedEx, một năm sau, chuyển trung bình 20.000 bưu phẩm mỗi ngày.
Trợ lực bởi những chiến dịch quảng cáo quyết liệt, công ty đạt lợi nhuận 3,6 triệu USD năm 1976. Hai năm sau, FedEx "lên sàn" và công ty cán mốc doanh thu 1 tỷ USD vào năm 1983.
Năm 1999, FedEx giữ vị trí hãng vận chuyển xuyên đêm số một thế giới, giao hơn 3 triệu bưu phẩm tới gần 210 quốc gia mỗi ngày.
Theo thống kê năm 2012, FedEx đạt doanh số 42,7 tỷ USD, vận hành trên 220 quốc gia với 300.000 nhân viên. Số lượng máy bay được trang bị là 697 chiếc, bên cạnh 80.000 phương tiện vận tải khác.
Dọc hành trình thăng tiến, doanh nghiệp duy trì triết lý cốt lõi: đối xử công bằng với tất cả nhân công, chính là điều ông Smith học được từ quân đội. Cấp trên được huấn luyện kỹ lưỡng về cách tôn trọng nhân viên, và công việc của họ cũng được giám sát ngược.
Năng lực các quản lý của FedEx được đánh giá bởi không chỉ lãnh đạo cao hơn mà cả cấp dưới. Tỷ phú Smith, người hiện sở hữu khối tài sản 4,5 tỷ USD, tin rằng sự công bằng là mấu chốt giữ chân nhân sự.
Quốc Việt
Theo Entrepreneur