Bốn thập kỷ trước, với tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bà Yoshiko Shinohara khởi nghiệp công ty cung ứng nhân viên thời vụ tại căn hộ chật chội ở thủ đô Tokyo. Năm 2017, khi bước sang tuổi 83, bà được Forbes bình chọn là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của đất nước mặt trời mọc.
Cùng năm đó, bà Yoshiko Shinohara chính thức nghỉ hưu và giữ chức chủ tịch danh dự của công ty Temp Holdings. Năm 2016, doanh thu của công ty này là 4,5 tỷ USD và nhờ số cổ phần lớn cộng với đợt tăng giá cổ phiếu của Temp Holdings, bà Yoshiko Shinohara đang sở hữu tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD.
Bà Shinohara là người Nhật duy nhất góp mặt trong danh sách 26 nữ tỷ phú tự thân của châu Á, số còn lại đến từ Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong. Thậm chí những quốc gia như Hàn Quốc hay Singapore cũng chưa có nữ tỷ phú tự thân nào.
Tuy nhiên hành trình trở thành nữ tỷ phú của bà Shinohara không hề dễ dàng. Bà sinh năm 1934 tại Tokyo, lớn lên trong giai đoạn Thế chiến thứ II đầy biến động. Cha qua đời năm bà 8 tuổi, còn mẹ, với đồng lương hộ sinh ít ỏi, phải vất vả một mình nuôi con gái trưởng thành. Bà Shinohara kết hôn sau khi tốt nghiệp trung học. Không lâu sau, bà nhận ra đó không phải là người đàn ông dành cho mình và quyết định ly hôn càng sớm càng tốt.
Không chấp nhận cuộc sống và công việc nhàm chán như hầu hết những phụ nữ Nhật thời ấy, bà Shinohara chuyển đến làm thư ký tại Anh, sau đó là Australia.
Năm 1973, bà Shinohara trở lại Nhật Bản và cảm thấy không còn hứng thú với công việc văn phòng nữa. Bà quyết định khởi nghiệp công ty Temp Holdings tại căn phòng nhỏ chật hẹp ở thủ đô Tokyo. Công ty của bà chuyên cung ứng nhân viên nữ làm việc bán thời gian.
Chia sẻ lý do khởi nghiệp, bà Shinohara nói: "Giáo dục và việc làm cho phụ nữ luôn là mối quan tâm thường trực của tôi. Tôi mong muốn tìm ra giải pháp giúp những phụ nữ đã có gia đình có thể vừa đi làm vừa nuôi dạy con cái".
Ý tưởng cung cấp nguồn lao động thời vụ của bà Shinohara đã giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự trong xã hội Nhật. Thông thường, phụ nữ Nhật Bản sẽ nghỉ làm sau khi kết hôn, khiến lực lượng lao động giảm dần. Đồng thời đến độ tuổi nhất định, phụ nữ Nhật cũng khó có cơ hội tìm được công việc phù hợp.
Khi mới thành lập, công ty của bà Shinohara phát triển khá chậm. Để có tiền trang trải chi phí và duy trì hoạt động, bà phải đi dạy thêm tiếng Anh vào buổi tối. Sau 5 năm, công ty mới có đủ tiền để thuê văn phòng đầu tiên.
Ba quyết định quan trọng đưa công ty phát triển vượt bậc
Ban đầu công ty Temp Holdings chỉ tuyển phụ nữ, nhưng sau đó doanh thu bắt đầu tăng trưởng chậm lại khiến bà Shinohara phải thay đổi chiến lược.
"Từ khi thành lập đến những năm 1980, tất cả nhân viên công ty đều là nữ. Các quản lý cũng là nữ và họ có xu hướng bảo toàn sự tăng trưởng hiện tại hơn là tìm kiếm cơ hội phát triển. Tôi nhận ra cách làm này sẽ mang đến nguy hiểm cho công ty", bà Shinohara chia sẻ.
Năm 1988, dưới sự phản đối của các quản lý, bà Shinohara vẫn quyết định tuyển thêm nhân viên nam. Kết quả doanh thu công ty bắt đầu tăng đáng kể.
Đến thập niên 90 khi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái, bà Shinohara một lần nữa phải ra quyết định khó khăn. Bà cắt giảm chi phí vận hành của công ty bằng cách thuê nhân viên bán thời gian thay vì nhân viên chính thức.
Vượt qua giai đoạn khó khăn, năm 2008, Temp Holdings phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Bước ngoặt đưa đến thành công của Temp Holdings là khi bà Shinohara mua lại 4% cổ phần công ty tư vấn quản lý Kelly Services của Mỹ. Năm 2012, hai bên thành lập liên doanh TS Kelly Workforce Solutions, chuyên cung cấp nhân sự cho các nước Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính điều này đã giúp Temp Holdings mở rộng thị trường ra toàn cầu.
Hiện nay, Temp Holdings cung cấp các loại dịch vụ thuê ngoài, tuyển dụng, tư vấn và phát triển hệ thống. Nhân viên thời vụ vẫn là nguồn thu cao nhất cho công ty, chiếm 78% trong tổng doanh thu. Temp Holdings cung cấp nhân sự cho 27.000 công ty ở Nhật và 13 quốc gia trên thế giới. Theo dự đoán của các chuyên gia, Temp Holdings có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Thị trường lao động Nhật Bản đang đối mặt với sự thiếu hụt 5,83 triệu nhân sự và nhân viên thời vụ là lựa chọn duy nhất.
Năm 2014, bà Shinohara dùng 5% cổ phần tại Temp Holdings để thành lập quỹ Yoshiko Shinohara Memorial Foundation. Quỹ cung cấp học bổng cho những học sinh có nguyện vọng trở thành y tá, nhân viên xã hội.
Thảo Nguyên
Theo Forbes