Tiểu Vy vừa có chuyến du lịch Thái Lan để nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực. Từng nhiều lần tới xứ sở chùa Vàng, hoa hậu gốc Hội An rành những quán ăn ngon, rẻ và nổi tiếng. Lần này, cô ghé thử quán Wattana Panich nằm ở con phố Ekkamai, một địa chỉ ăn uống lúc nào cũng đông khách nằm ở trung tâm Bangkok.
Đây là quán ăn của gia đình gốc Hoa ở Thái Lan, thực đơn cũng bán các món mì mang phong cách ẩm thực Trung Hoa. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là quán sử dụng một nồi nước dùng với bí quyết gia truyền "có một không hai". Nồi nước được đặt ngay ở cửa ra vào, ở vị trí dễ quan sát nhất, được ví như một tấm biển hiệu uy tín của cửa hàng. Nhiều khách du lịch quốc tế không quản ngại đường sá xa xôi tới đây để một lần được thưởng thức món mì nửa thế kỷ.
Theo chủ quán, nồi nước dùng này được đun liên tục trong 50 năm, chưa từng đổ bỏ hay thay mới. Hàng ngày, đầu bếp sẽ đổ thêm các nguyên liệu mới vào, không trút bỏ nước hay thành phần cũ trong nồi, tối đến lại lưu trữ, hôm sau tiếp tục và cứ thế đun tiếp ngày này qua ngày khác. Bởi vậy, nguyên liệu ngấm gia vị, nước dùng có mùi vị đậm đà hiếm nơi nào có được. Phương pháp này được các đầu bếp gọi là "hầm vĩnh viễn".
Một số thực khách nghe tới cách thức này đã "sởn da gà" và lo lắng về mức độ vệ sinh. Tuy nhiên, rất đông khách hàng đã quay trở lại ăn nhiều lần, không có vấn đề về sức khỏe. Điều này gần giống với một nhà hàng tại Nhật Bản lưu trữ bình nước xốt suốt 60 năm, trở thành thương hiệu đặc biệt. Qua thí nghiệm, một vài chuyên gia cho rằng, do thường xuyên thay mới, sau một thời gian dài vài chục năm, thành phần cũ đã hoàn toàn không còn tồn tại bên trong. Dù vậy, việc không rửa sạch, vệ sinh dụng cụ cũng là một vấn đề khiến nhiều người e ngại.
Tiểu Vy gọi một bát mì bò với bò viên, thịt bò. Ngoài ra, quán còn có khá nhiều topping như thịt dê, thịt trâu, gân bò. Mì có ba size là S-M-L, sợi mì cũng được làm tại quán, ăn dai dai, không bị bở, ăn kèm giá đỗ, cần tây. Phần nước dùng "thần thánh" có màu nâu sậm, vị ngọt đậm, ăn một lần nhớ mãi, uống tới giọt cuối cùng. Giá một bát mì khá rẻ, chỉ khoảng 100 baht trở lên (68.000 đồng).