Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cụ Nguyễn Thị Băng Tâm (sinh năm 1921, tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa mừng lễ đại thọ tròn 100 tuổi, nhưng cụ không cho con cháu tổ chức vì lãng phí. Cụ bảo: "Để tiền ấy đi làm từ thiện tích đức thì vui hơn".
Cụ Tâm nổi tiếng trên mạng xã hội với loạt ảnh thời thanh xuân như hoa khôi. Nhìn bức ảnh cưới in đen trắng của mình được chụp cách đây 83 năm, cụ Tâm chỉ vào người phụ nữ trong ảnh và thốt lên: "Đây là tôi, đúng là tôi rồi! Năm ấy tôi chỉ mới có 17 tuổi thôi. Chồng tôi đứng bên cạnh đây. Ngày ấy chúng tôi cưới nhau đấy, vào năm 1938 Mậu Dần".
Tiểu thư đài các
Cụ Tâm kể, cụ vốn là người Hà Nội gốc, trước kia gia đình cụ sống ở khu vực Xuân Phương (nay thuộc quận Nam Từ Liêm). Sau đó, bố mẹ cụ sang Pháp làm việc và sinh cụ Tâm tại Pháp.
Năm 4 tuổi, cụ Tâm được mẹ dẫn về Việt Nam và một gia đình buôn vải có tiếng ở Bắc Ninh do hiến muộn nên đã nhận cụ nhận làm con nuôi.
Từ ngày sống với bố mẹ nuôi, cụ được hưởng cuộc sống của một tiểu thư con nhà giàu. Mọi việc trong gia đình bố mẹ nuôi không để cho con gái phải động tay. Hàng ngày cụ Tâm chỉ cần đi học, sau đó về nhà nghỉ ngơi. Sáng dậy sẽ ăn bánh ngọt, uống sữa tươi, đồ ăn cũng đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Mỗi lần muốn đi đâu cũng đều có xe tay (xe người kéo) đưa đón.
Càng lớn, cụ Tâm càng ra dáng thiếu nữ với làn da trắng, đôi mắt to tròn, đôi tay mềm mại vì không phải làm việc. Cùng với đó là vốn kiến thức được học ngay từ lúc nhỏ, thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp thành thạo, lưu loát khiến ai nấy cũng đều trầm trồ, ngưỡng mộ.
Nhưng không vì thế mà cụ Tâm trở nên khó tính, chảnh chọe, hay hư hỏng. Cụ bảo, vì rất ngoan, hiền và biết lễ nghĩa nên bố mẹ nuôi càng quý cụ hơn.
Ông Đặng Trần Quang (66 tuổi, con trai út của cụ Tâm ngồi bên cạnh) tiếp lời mẹ kể thêm, chuyện ngày xưa cụ Tâm được mệnh danh là "hoa khôi của vùng", nhan sắc không phải dạng vừa được cụ Tâm kể thường xuyên.
Dạy con lễ nghĩa và thiện
Tiếp lời, ông Quang kể về cuộc hôn nhân của bố mẹ mình: "Bố mẹ tôi nên duyên vợ chồng do mai mối của gia đình 2 bên, ấy thế mà cũng được 6 anh chị em chúng tôi chứ ít đâu".
Được biết, chị đầu của ông Quang năm nay đã 82 tuổi, như ông Quang cũng 66 tuổi. Hiện tại, tính riêng con, cháu, chắt, chút, chít, cụ Tâm cũng được hơn 70 người. Với cụ, nhà đông con cho vui cửa, vui nhà.
"Nhưng dù ai làm gì cũng đều đề cao tình cảm gia đình, mọi thành viên đều có tôn ti, trật tự theo đúng nề nếp gia giáo mà bố mẹ tôi rèn từ bé. Ngày xưa bố mẹ tôi gia giáo, nghiêm khắc lắm, chẳng cần đánh thì mấy chị em cũng sợ cong mông lên rồi", ông Quang nói.
Năm ông Quang 12 tuổi, bố của ông qua đời, nhưng trong tâm trí ông, bố là một người luôn nghiêm khắc với các con. Ông giỏi tiếng Pháp, lại được tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nên tư tưởng rất cởi mở, tân tiến trong công việc.
Còn mẹ ông, trong cách dạy con, cụ chưa từng nặng lời quát mắng mà lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, sống thanh cảnh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cụ chiều các con. Cụ duy trì cái nếp chính cụ đã được bố mẹ nuôi dạy dỗ: lúc nào cũng phải sống biết trước biết sau và chu toàn mọi việc.
"Mẹ tôi lúc nào cũng dặn phải học hành đàng hoàng, tử tế, khi ra đường phải quần áo chỉnh tế, nấu ăn chuẩn chỉ. Thậm chí từ những năm 6, 7 tuổi tôi đã được mẹ dạy cách là quần áo sao cho đúng. Và cũng chính những lời dạy của mẹ như đã ngấm sau vào trong tâm trí, và trở thành thói quen hàng ngày", ông Quang nói.
Năm 1982 cụ Tâm về hưu, từ đó ở nhà quây quần bên con cháu. Lúc trẻ cụ nuôi dạy các con, già lại dạy dỗ các cháu, sống vui vầy an hưởng tuổi già, nhưng năm nào cụ Tâm cũng phải về Bắc Ninh để thăm quê. Thi thoảng, cụ lại lục tìm những tấm ảnh cũ chụp mình lúc còn trẻ, ảnh cưới của hai vợ chồng để hồi tưởng.
Ở tuổi 100, tuy có hơi đãng trí, chân tay yếu nhưng cụ Tâm vẫn nhớ hết tên của con, cháu, nhớ cả địa chỉ nơi cụ sinh ra tại Pháp. Đặc biệt không lúc nào, cụ quên nhắc con cháu đề cao tính tiết kiệm và nên thường xuyên làm việc thiện.
Lê Hân