Cô gái mảnh dẻ tiếp phóng viên Thể Thao & Văn Hoá tên là Anh Đào. Sau khi tốt nghiệp khoa Sinh, ĐH KHTN, Đào vừa làm CTV của Viện Sinh thái Tài nguyên, vừa hoàn thành luận án thạc sĩ. Năm 1997, cô giành được học bổng đào tạo tiến sĩ tại University of Montreal (Canada), chuyên ngành quy hoạch đô thị quản lý môi trường. Trở thành tiến sĩ ở tuổi còn rất trẻ, cô tràn đầy nhiệt huyết trở về nước.
Ban đầu, Đào cũng hăm hở lao vào làm một số dự án lớn. Nhưng những bất đồng trong quan điểm làm việc và những sự cố ngoài ý muốn đã làm Đào bị hẫng. Cô nói: "Em thấy tư duy quản lý ở một số cơ quan VN mà em từng tiếp xúc và làm việc vẫn còn thiếu công bằng. Có thể kể đến sự "trọng nam khinh nữ". Một điều nữa em rất thích là ở "bên Tây" họ không cần quan tâm nhiều đến quá trình thực hiện mà chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc. Còn ở ta thì khác, sự trói buộc vào những lối mòn chung chính là thứ triệt tiêu sự sáng tạo và nhiệt huyết. Bây giờ em không muốn tham gia vào những dự án "cồng kềnh" mà không mang lại hiệu quả nữa.
Đào bị bật ra ngoài guồng máy của một cơ quan Nhà nước. Cô xin làm CTV của một trường Đại học, vừa tham gia giảng dạy vừa nghiên cứu. Nhưng ở đây cô cũng không được đón chào. "Em có cơ hội để làm post doctor. Nhưng để đủ điều kiện làm, phải có một cơ quan, nơi mình đang làm việc giới thiệu. Em đã ngỏ ý với trường đại học em đang cộng tác và đã bị phản đối gay gắt vì lý do "nhiều người bạc đầu còn chưa dám làm post doctor nữa là cô còn trẻ thế"...
Hiện nay Đào chỉ cố gắng làm những dự án nhỏ, những dự án có thể lược bỏ các khâu "trung gian". Cô tự tìm hiểu thực tế, viết và trực tiếp triển khai một số dự án, trong đó cô tham gia như một tình nguyện viên. Đơn cử như dự án Làng tái chế rác thải, dự án Bảo vệ cảnh quan, môi trường làng Tân Triều (Hà Nội)...
Quá trình du học của nhiều sinh viên giỏi không chỉ giúp họ dung nạp kiến thức chuyên môn mà còn tích luỹ cho họ một vốn sống, một tu duy mới mẻ. Với tư duy đó, khi trở về họ nghiễm nhiên trở thành những người "thiếu bản lĩnh hoà nhập", "đứng giữa hai nền văn hoá mà không thuộc về đâu".
Cũng vì điều đó mà có một số sinh viên sau khi học đại học, hoàn thành các chương trình master, doctor với kết quả xuất sắc ở nước ngoài, trở về vài tháng lại muốn... đi tiếp. Cũng có một số khác mềm dẻo hơn, có thể làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Chị Hoàng Minh Hà, một người hoàn thành chương trình master về Văn học Pháp tại Québec, Canada, kể: "Tôi không phải người quá cứng nhắc nên sự hoà nhập của tôi bớt khó khăn hơn. Để giảm áp lực từ môi trường công việc, tôi phải tập Thiền. Thiền giúp tôi thanh thản hơn, biết kiềm chế những nỗi bức xúc".
Anh chồng của chị Hà cũng là một người hoàn thành luận án tiến sĩ tại Canada thhì chọn ngả rẽ khác. Hiện anh làm việc cho một công ty của Pháp có văn phòng tại Việt Nam.
Nguyễn Thu Hằng, một sinh viên tốt nghiệp ngành Kiến trúc tại Pháp cho biết: Chỉ nói riêng một dự án của một trường đại học mà tôi tham gia, đã hơn hai năm nay tôi không nhận được một khoản thù lao nào. Tôi có dự cảm nhiều người làm dự án vì mục đích khác, chứ không phải vì muốn tạo nên những sản phẩm nghiên cứu khoa học thực sự, hữu ích cho đời sống.
Cánh cửa du học ngày càng rộng mở với hàng vạn học sinh, sinh viên. Chắc chắn trong đó có một con số không nhỏ đang "thất thoát" so với sự thất thoát ngoại tệ từ học phí du học mà nhiều người vẫn nói đến.