Alexander Grigorouk vào FPT qua một cuộc tuyển dụng bình thường như nhiều nhân viên khác. Mặc dù chưa nói sõi tiếng Việt nhưng Alex (tên gọi tắt của Alexander Grigorouk) đã thân thuộc với hầu hết nhân viên tại đây. Ngoài công việc, Alex tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội của FPT. Không chỉ có Alex, FPT cũng đang là nơi làm việc của một chàng trai đến từ xứ sở hoa anh đào với vai trò phiên dịch kiêm thầy giáo cho các nhân viên.
![]() |
Alexander Grigorouk trong một cuộc thi đấu thể thao của FPT. |
Còn ở Công ty Truyền thông Sao Hôm, người ta lại thường nhầm Pollynne Ibasco người Philippines là một cô gái Việt vì mái tóc đen, nước da ngăm ngăm và một vóc dáng trung bình. Mới ngoài 30 tuổi, Pollynne Ibasco đã đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Truyền thông Sao Hôm hơn 3 năm và đó cũng là thời gian cô ở Việt Nam. Cô nói với Thanh Niên: "Ngành Public Relation (PR) mới chỉ phát triển ở Việt Nam khoảng 5 năm trở lại. Do vậy đây là môi trường thử thách khá thú vị đối với tôi". Các nhân viên ở Sao Hôm đều thừa nhận, họ đã học hỏi được nhiều điều bổ ích trong quá trình làm việc với vị giám đốc nước ngoài này.
Thuận lợi đầu tiên của những nhân viên nước ngoài chính là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt. Điều đó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với những đối tác nước ngoài và mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó giám đốc điều hành Công ty Bến Nghé, nhận xét về nhân viên quản lý bộ phận thu mua người Singapore của mình: "Chưa kể đến những kinh nghiệm vốn có về ngành nhựa, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Hoa của nhân viên khá tốt đã giúp cho hoạt động của chúng tôi tại khu vực châu Á suôn sẻ hơn". Cũng theo ông Trung, nhân viên này còn có tầm nhìn xa và tính toán hợp lý số lượng nguyên vật liệu cần dùng, từ đó cắt giảm được khá nhiều chi phí đầu vào. Đó là điều mà những kỹ sư Việt Nam chưa làm được. Hơn nữa, các nhân viên khác của công ty cũng có được cơ hội làm việc, tiếp xúc hằng ngày với người nước ngoài nên việc học tiếng Anh tiến bộ khá nhanh.
Theo Thanh Niên, hiện có rất nhiều người nước ngoài đang hướng đến Việt Nam như một miền đất thân thiện. Không ít người trong số họ có ý định sẽ làm việc và sinh sống lâu dài tại đây. Tuy nhiên, họ biết rất ít thông tin về chính sách lao động, về môi trường pháp lý có liên quan đến vấn đề này của Việt Nam nên vẫn còn ngần ngại. Bản thân ông Trung cũng rất lúng túng khi muốn tiếp tục sử dụng nguồn lao động nước ngoài vì không biết phải tìm hiểu những thủ tục quản lý liên quan ở đâu.
Từ năm 2000 đến nay, Phòng Quản lý lao động nước ngoài (Sở LĐTBXH TP HCM) đã cấp giấy phép lao động cho 2.600 người nước ngoài làm việc trên địa bàn thành phố.
Theo Phó tổng giám đốc FPT Hoàng Minh Châu, việc quản lý nhân sự người nước ngoài có một số khó khăn như khác biệt về văn hóa, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Ông đưa ra kinh nghiệm: "Điều đơn giản nhất là cứ xem họ như bất kỳ một nhân viên nào khác. Khi tuyển dụng, tôi cũng không đặt vấn đề ưu tiên cho người nước nào".
Ông Châu cho rằng thu hút lao động nước ngoài đồng nghĩa với việc tiếp cận được một lực lượng có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có những chính sách thu hút người nước ngoài đến và định cư lâu dài. Chẳng hạn cơ chế 2 giá còn tồn tại khiến họ e ngại. "Tại sao khi người Việt Nam đi ra nước ngoài thì được đối xử bình đẳng như cư dân nước sở tại, còn khi người nước ngoài đến đất nước chúng ta thì lại bị phân biệt đối xử ?", ông Châu bày tỏ.
Như vậy, ngoài việc doanh nghiệp tạo điều kiện cho lao động nước ngoài hòa nhập nhanh với môi trường làm việc và cuộc sống xung quanh, thì những vấn đề thuộc về cơ chế rất cần có sự thay đổi cho phù hợp.