![]() |
Những loại thực phẩm chức năng thường được quảng cáo quá công dụng. |
Hội thảo "Thực phẩm chức năng: Hiểu đúng - làm đúng - dùng đúng" do Hội Dinh dưỡng TP HCM tổ chức ngày 29/9. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) hiện là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với doanh thu mỗi năm đạt hơn 65.000 tỷ USD trên toàn cầu. Tại VN, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế ai cũng thấy có sự "nở rộ" đa dạng của các loại kinh doanh này.
Không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN đã vô tình hoặc cố ý tận dụng sự mới mẻ và phức tạp của ngành hàng này, sự thiếu thông tin của các cơ quan chức năng và người dân để tiến hành kinh doanh, quảng cáo quá mức, không đúng qui định. Ông Đáng cho rằng một bất cập trong kinh doanh TPCN hiện nay khiến không ít người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng "dị ứng" với TPCN, đó là bán hàng đa cấp.
Nhân viên của các công ty bán hàng đa cấp phóng đại công dụng thật sự của TPCN là chữa được đủ thứ bệnh, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến "bôi xấu" TPCN. Trong khi thực tế TPCN có những ưu điểm nhất định, nếu hiểu không đúng sẽ thiệt thòi cho người dân. Ông Đáng cho biết Bộ Y tế vừa quyết định thành lập hai đoàn thanh tra tại Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... về việc nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPCN. Trong đó, đặc biệt chú ý đến quảng cáo và bán hàng đa cấp (có phối hợp với Bộ Thương mại).
PGS-TS Trần Minh Tâm, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ TP HCM, cho rằng vai trò, tác dụng của TPCN ra sao hiện vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng chưa rõ. Lợi dụng sự thiếu thông tin này, không ít nhà sản xuất, kinh doanh đã đưa ra thị trường tiêu thụ những TPCN được "thổi" lên như "thần dược" chữa đủ thứ bệnh, kể cả bệnh nan y! Cũng có doanh nghiệp lạm dụng "chiêu" truyền thông theo kiểu lập lờ để đánh lừa người tiêu dùng, hoặc sử dụng các hình thức kinh doanh truyền tiêu, bán hàng đa cấp... với giá trên trời, trục lợi trên sự thiếu thông tin và hiểu biết của người tiêu dùng.
Tại hội thảo, giáo sư Lưu Duẩn, Trường đại học Công nghệ Sài Gòn, đưa ra ba lời khuyên "không nên" trong việc sử dụng TPCN. Đó là, không tham lam: không nên sử dụng quá mức hay lạm dụng; đừng ngộ nhận: phải hiểu biết tường tận, không hiểu sai về tính năng và hiệu quả của TPCN; chớ cả tin: tức là làm theo lời người khác nói một cách thiếu thận trọng, thiếu khách quan, không phù hợp với mình. Giáo sư Duẩn khẳng định không có loại TPCN nào có khả năng chữa tất cả các bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng sức đề kháng để giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Vì vậy, trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại TPCN nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi: thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không...
Thực phẩm chức năng là gì? Thông tư 08 (năm 2004) của Bộ Y tế định nghĩa: "TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh". Do đó, TPCN khác với thực phẩm thông thường ở chỗ được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bỏ một số thành phần bất lợi của thực phẩm. Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Do đó, TPCN có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn các chất dinh dưỡng thông thường và liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí được tính bằng miligram hoặc gram. Một hội nghị quốc tế về TPCN đã khuyến cáo không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của TPCN, trên nhãn sản phẩm TPCN không được phép ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào. Có thể chia TPCN thành bảy loại: TPCN bổ sung vitamin và khoáng chất (như bổ sung iôt vào muối, vitamin A vào đường, sữa...); TPCN dạng viên (viên tăng lực, viên canxi đề phòng loãng xương, viên phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư...); TPCN "không béo", "không đường", "giảm năng lượng" (trà thảo dược...); nhóm các loại nước giải khát, tăng lực (bổ sung năng lượng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể khi vận động thể lực, thể thao...); nhóm giàu chất xơ tiêu hóa (làm nhuận trường, phòng ngừa sỏi mật...); nhóm các chất tăng cường chức năng đường ruột và TPCN đặc biệt (dành cho phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ ăn giặm, người bị tiểu đường...). |
(Theo Tuổi Trẻ)