Nhà vợ Quang Hải đãi tiệc cưới với canh cua cà pháo
Hồi cuối tháng Ba, thực đơn tiệc cưới nhà Chu Thanh Huyền tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội gây bất ngờ khi có nhiều món ăn dân dã miền Bắc lẫn các món phương Tây như: canh cua đồng - cà pháo, cơm tám, súp gà ngô kem, cá hồi Nauy xốt chanh leo - khoai tây nghiền, tôm chiên hoàng bào, gà ta hấp lá chanh, bò hầm nấm đông cô - bánh mì, chả tôm và quả cầu vàng chiên thơm, bắp bò phủ tuyết, tôm nõn xào ngô bao tử, xôi hoàng phố, canh măng ninh sườn, bánh thiên sứ. Đồ uống kèm có bia, rượu và nước ngọt.
Điểm nhấn của thực đơn là món canh cua đồng ăn kèm cà pháo. Món ăn này thích hợp tiết trời hè, xua tan nóng bức và rất đưa cơm. Được nấu từ cua đồng, rau đay và mướp hương hoặc mồng tơi, canh cua đồng hấp dẫn người ăn với màu xanh mát của rau, vị đậm đà của cua đồng cùng vị ngọt nhẹ của nước dùng. Món ăn ngon hơn khi ăn kèm với những trái cà muối.
Khánh Vân đãi khách tiệc của vua chúa xưa - ngự thiện bát trân
Vợ chồng Khánh Vân đãi khách dự cưới trưa 6/12 với các món ăn cung đình, vốn chỉ dành cho quý tộc, vua chúa thời xưa. Đầu bếp Võ Quốc - bạn thân thiết của uyên ương là người đã phục dựng thực đơn này. Gọi là bát trân bởi đầu bếp cung đình sử dụng 8 loại sản vật quý khắp đất nước để tiến vua như: Cửu Khổng (bào ngư có 9 lỗ ở mép vỏ), hải sâm, bóng cá, vi cá, gân nai, yến sào, sâm Cao Ly, đông trùng hạ thảo.
Bát trân còn là những liều thuốc bổ, mang đến sức khỏe và sự trường thọ cho các bậc quân vương. Thời xưa, 8 món ăn này cực kỳ hiếm, quý giá nên rất được coi trọng. Đến giờ, trong số 8 món trên, yến sào gần như là món ăn duy nhất còn phổ biến.
Nham cua gạch son Gò Công tiến vua cũng là một món ăn gây tò mò trong thực đơn, xuất xứ từ vùng duyên hải tỉnh Tiền Giang. Đặt tên nham do món ăn được trộn với thịt cua cái sống ở vùng nước lợ. Khi ăn món gỏi nham này, thực khách sẽ cảm nhận vị chua ngọt, cay cay xen lẫn mặn mặn.
Đầu bếp Võ Quốc tiết lộ món nham Gò Công tiến vua được nấu theo phương pháp của bữa ăn cung đình xưa, không nêm bất kỳ gia vị gì. Với các món khác, hương vị mặn ngọt tự nhiên đến từ nước cốt hầm gà già, xương heo, sá sùng, cồi sò điệp, tôm nõn, củ cải muối, lê, mía lau... trong nhiều giờ.
Tiệc cưới Midu có món 'kim cương giới ẩm thực'
Các món trong menu tiệc cưới của Midu tối 29/6 gồm: bánh mì mềm nhân bò và nấm truffle, súp nấm tùng nhung tiềm gà, xà lách tôm - xoài, cá tuyết áp chảo xốt kikkoman, tôm hùm xốt đặc biệt, sườn heo nướng xốt, bắp bò hầm tiêu xanh, cơm chiên xá xíu, chè dương chi kim lộ.
Trong đó, món đầu tiên là bánh mì mềm nhân bò và nấm truffle. Từ thế kỷ 18, Jean Anthelme Brillat-Savarin, người Pháp, một nhà hoạt động chính trị, luật sư, chuyên gia ẩm thực, tác giả cuốn Physiologie du goût (Sinh lý học của vị giác) đã ví nấm truffle là "kim cương của giới ẩm thực". Loại nấm này đắt giá bởi chúng rất hiếm. Nấm truffle có giá từ 3.000 đến 4.000 USD/kg (tương đương 74-98 triệu đồng). Giá của nấm truffle trắng cao hơn, thường khoảng 7.000 USD/kg (tương đương 172 triệu đồng). Không chỉ vậy, loại nấm truffle thượng hạng trên thị trường có giá khoảng 12.000-20.000 USD/kg (295-492 triệu đồng/kg). Theo Reuters, trong một cuộc đấu giá hồi năm 2021 tại Italy, một cây nấm cục trắng nặng 830 g đã được bán với giá 103.000 Euro (khoảng hơn 2,6 tỷ đồng).
Để chế biến nấm truffle, các đầu bếp sẽ thái mỏng hoặc bào sợi với một lượng khoảng 10 g rồi rắc lên món khác như spaghetti, pasta, pizza... để tăng thêm hương vị và độ sang trọng cho món ăn. Đầu bếp không nấu chín nấm truffle bởi sẽ làm mất mùi hương hấp dẫn đặc trưng.
Không chỉ nấm truffle, một số nguyên liệu khác góp mặt trong thực đơn như cá tuyết, nấm tùng nhung, tôm hùm đều có mức giá không hề rẻ.
Tiệc của Hà Trí Quang - Thanh Đoàn có món đặc sản đường phố Nhật
Tối 12/11, cặp Hà Trí Quang - Thanh Đoàn đãi tiệc báo hỷ tại TP Thủ Đức, TP HCM. Menu tiệc gồm có súp cá hồi chua cay, tôm tempura - gỏi hoa chuối giòn, bò hầm xốt kikkoman - bánh mì sấy, gà đút lò xốt xì dầu - cơm chiên kim chi, bánh kem dứa. Mức giá cho một bàn tiệc tại đây dao động 4-11 triệu đồng, tùy vào thực đơn mà uyên ương lựa chọn, ngày tổ chức, thời gian và các yêu cầu đặc biệt.
Tôm sú Tempura trong thực đơn là sự kết hợp hài hòa giữa tôm trộn với bột mì, nước và trứng, rồi nhúng trong hỗn hợp bao bên ngoài và chiên giòn bằng dầu thực vật, có thể thêm chút rau xắt nhỏ. Chúng phổ biến khắp mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng đến quán bình dân ở Nhật, trong bữa ăn gia đình hay ngay cả góc những con đường nhỏ. Chúng là món topping ăn kèm với mì udon, mì soba hoặc cơm.
Miếng Tempura ngon đúng điệu có màu vàng ruộm đẹp mắt, ẩn bên trong là màu hồng ửng của thịt tôm. Khi ăn, thực khách cảm nhận được ngay sự giòn tan của lớp bột bên ngoài và thịt tôm bên trong chắc ngọt, nóng hổi, chấm cùng nước xốt đậm đà rất hấp dẫn.
Vợ chồng Thái Trinh đãi cỗ cưới 'sơn hào hải vị' khắp thế gian
Tối 7/12, vợ chồng Thái Trinh đã tổ chức tiệc báo hỷ tại resort ở Bình Dương. Thực đơn đãi khách gồm nhiều sơn hào hải vị như: Sò điệp Nhật áp chảo, xà lách hữu cơ trộn với xốt dầu giấm đen truffle, cá hồi Tasmania áp chảo xốt vẹm xanh, mực tím, khoai tây nghiền xà lách, nước xốt nghêu New Zealand, bò Angus áp chảo với bông thiên lý xốt chua ngọt, cơm gạo lứt, súp bào ngư với nấm đông cô, bánh opera với kem socola.
Món khai vị bữa tiệc là sò điệp Nhật áp chảo ăn cùng xà lách hữu cơ trộn xốt dầu giấm đen truffle. Sò điệp Nhật nhập khẩu thường có nguồn gốc từ đảo Hokkaido, được nhiều chuyên trang ẩm thực đánh giá là loài sò điệp ngon nhất thế giới, cồi sò mềm, không dai và có vị ngọt thanh.
Tiếp theo, cô dâu chú rể chọn món có toàn hải sản như cá hồi Tasmania, Australia kết hợp vẹm xanh, mực tính, nước xốt nghêu New Zealand. Cá hồi Tasmania được nuôi theo quy chuẩn quốc tế nói chung và theo quy chuẩn nghiêm ngặt riêng của xứ sở Kangaroo.
Kế đến là đặc sản bò đen Angus có nguồn gốc ở vùng cao nguyên phía Bắc Scotland. Bò có chất lượng thịt tốt, có vân mỡ xen kẽ trong thớ thịt giúp thịt mềm và béo.
>> Xem thêm Thực đơn tiệc cưới fusion với chả mực xốt mận của Khánh Vân
Hằng Trần