Thuận Nguyễn sinh năm 1992, tốt nghiệp ngành diễn viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, từng giành giải Á vương Nam vương toàn cầu 2017. Anh có nhiều năm hoạt động tại sân khấu Thế Giới Trẻ và đóng các phim điện ảnh Bẫy ngọt ngào, Thanh Sói, Người vợ cuối cùng. Hồi lớp 10, Thuận Nguyễn có thời gian tạm nghỉ học để theo nghề cắt tóc. Nhiều năm nay, anh duy trì công việc buôn bán lạp xưởng của gia đình, nhiều khi đích thân giao hàng.

Thuận Nguyễn đang có phim 'Người vợ cuối cùng' chiếu ở rạp.
- Năm ngoái, anh có hai phim ra rạp cùng một tháng. Cuối năm nay, anh tiếp tục có hai phim phát hành trong hai tháng liền nhau - "Người vợ cuối cùng" và "Người mặt trời". Giai đoạn này, anh cảm giác sự thăng hoa trong nghề nghiệp thế nào?
- Với tôi, thăng hoa là lúc nhìn thấy sự đón nhận của khán giả. Ra mắt hai phim quá gần nhau, tôi vừa vui, vừa sợ khán giả thắc mắc sao thấy mặt tôi hoài vậy. Nhưng tôi không phải nhà sản xuất, không thể quyết định phim phát hành lúc nào. Tôi chỉ biết làm tròn bổn phận một diễn viên.
- Trước khi có được những trái ngọt như vậy, anh trải qua những thử thách nào trên chặng đường làm nghề?
- Hết lớp 12, tôi bắt đầu làm mẫu và đóng phim truyền hình. Từ lúc tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM năm 2014, tôi hoạt động song song cả phim và sân khấu. Tôi casting trượt nhiều lần. Có hai dự án lớn, tôi được đạo diễn chọn nhưng bị nhà sản xuất từ chối. Tôi nhiều lần đi qua cảm giác lo lắng. Có giai đoạn tôi lung lay, hoài nghi chính mình, không biết mình có khả năng diễn xuất hay không.
Nhưng nhìn nhận lại, tôi tin đường dài mới biết ngựa hay. Nếu tôi kiên trì cố gắng, cơ hội sẽ đến. Phim Bẫy ngọt ngào là dấu ấn đầu tiên giúp tôi lấy lại lòng tin với nghề diễn. Tôi tin những tin vui hiện giờ chính là câu trả lời.

Thuận Nguyễn giành giải 'Nam diễn viên phụ xuất sắc' tại giải thưởng Ngôi Sao Xanh năm ngoái.
- Người thân nói gì trong giai đoạn khó khăn đó của anh?
- Có đợt thấy tôi không có vai diễn, mẹ khuyên: "Hay con thử làm nghề khác, công nhân cũng được". Câu nói ấy như hồi chuông thức tỉnh tôi, làm tôi nhận ra mình đã khiến người nhà phải lo lắng. Tôi xin mẹ cho thêm thời gian và hứa đổi nghề, nếu tiếp tục lận đận trong nghề diễn.
Từ đó, tôi nhắc mình nỗ lực hơn. Có lẽ tôi không phải người ngoại giao giỏi, nên cần mất nhiều thời gian chứng minh thực lực. Mỗi khi tôi lăn xả vì vai diễn, người nhà thương nhưng chỉ động viên tôi cố gắng, chắc vì mọi người đều hiểu tôi hạnh phúc thế nào khi được làm nghề.
- Hai năm nay, anh liên tục có phim điện ảnh và nhận đánh giá diễn xuất tiến bộ. Sự nghiệp và đời sống của anh thay đổi thế nào?
- Thay đổi lớn nhất của tôi là được biết đến nhiều hơn, có thêm vai diễn. Thu nhập của tôi chưa khác nhiều lắm vì tôi vẫn còn là gương mặt mới. Nếu kiếm được tiền, tôi cũng dùng để tái đầu tư vào hình ảnh. Dù vậy, tôi mừng vì có thể báo hiếu được gia đình, thay vì chỉ chăm lo được bản thân như trước đây.
- Thu nhập được cải thiện hơn, anh đặt mục tiêu sắm sửa những món tài sản nào?
- Tôi chưa có tài sản gì lớn, nhưng cuộc sống hiện ở mức ổn định. Tôi đang cố gắng thi bằng lái xe để mua xe hơi thời gian tới. Hiện tại, tôi sống cùng cả gia đình trong căn nhà của ba mẹ ở TP HCM. Nhưng khu vực chúng tôi sinh sống hơi khói bụi và ồn ào. Ước mơ của tôi là mua căn nhà lớn ở xa trung tâm, để cả nhà có không gian sống tốt hơn. Nhưng nhà lớn đâu có rẻ, cần thêm thời gian để tôi tích góp.
- Với riêng phim "Người vợ cuối cùng", người thân trong gia đình nhận xét thế nào về vai diễn của anh?
- Phim nào của mình chiếu rạp, tôi cũng mời cả nhà đến dự buổi chiếu ra mắt. Cả nhà thương tôi và dành lời khen cho tôi. Xem đến cảnh tôi bị đánh, bà nội la lớn trong rạp: "Trời ơi, sao đánh thằng Thuận dữ vậy?" (cười).

Thuận Nguyễn tự giao lạp xưởng nhà bán mỗi khi trống lịch công việc.
- Nhắc đến bà nội, đó là người rất hay xuất hiện trên các trang mạng xã hội của anh. Bà có ý nghĩa thế nào trong cuộc đời anh?
- Bà nội tôi năm nay gần 90 tuổi. Nội là người thương tôi nhất. Lúc bé, tôi bám nội hơn ba mẹ. Đến bây giờ, tôi vẫn hay chọc ghẹo nội. Mỗi lần đi làm xa mà nghe tin nội bệnh ở nhà, tôi lo lắm. Có lần, đang quay trên Đà Lạt, nhận tin nội nhập viện, tôi tranh thủ ngày nghỉ về TP HCM một hôm với nội, rồi lại đi luôn.
Ba tôi mất giữa dịch, làm nội tôi mất tinh thần. Sẵn bệnh tiểu đường, nội yếu hơn, bị sốc rồi chuyển qua tim. Trong khi mẹ tôi lo đám tang cho ba, anh chị tôi đều bận gia đình riêng, một mình tôi chăm nội ở bệnh viện. Tôi lóng ngóng vì chưa từng chăm người bệnh bao giờ, vừa làm vừa học hỏi từ các cô, các chị người nhà bệnh nhân xung quanh. Khi ấy, bác sĩ nói nội yếu lắm rồi, không biết sẽ đi lúc nào. Ngày nào tôi cũng khóc vì thương nội. Trộm vía, sau đợt đó, nội khỏe hơn.
Tôi làm diễn viên nhưng sống như một công chức. Hết giờ làm việc, tôi chỉ muốn về nhà với người thân và dành thật nhiều thời gian bên nội. Khoảng nghỉ giữa các dự án, tôi cố gắng thu xếp thời gian đưa nội và cả nhà đi du lịch. Dù người lớn ngại đi xa, tôi cũng kéo mọi người đi để nội và mẹ được thăm thú nhiều nơi, ăn nhiều món ngon. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi.
- Đưa bà nội lớn tuổi và có bệnh nền đi du lịch, anh và người nhà phải chuẩn bị những gì?
- Trước mỗi chuyến đi, tôi phải đảm bảo sức khỏe nội tốt, đồng thời vẽ ra trong đầu rất nhiều kịch bản, tính toán trước nếu nội đổ bệnh, phải đưa nội đi đâu. Ơn trời là những chuyến đi vừa qua thuận lợi suôn sẻ, nội không gặp vấn đề gì, thoải mái ngồi xe đường dài đi Đà Lạt, Phan Thiết.
Tôi muốn đưa nội đi nước ngoài hoặc Đà Nẵng, Hà Nội nhưng nội không muốn ngồi máy bay, nên những kế hoạch này vẫn bỏ ngỏ. Giáng sinh hoặc Tết Tây sắp tới, gia đình tôi hy vọng có thêm một chuyến đi xa.
- Thương anh như vậy, bà nội nói gì về chuyện thành gia lập thất của anh?
- Bà nội và cả nhà đều không hối thúc, vì mọi người hiểu tôi còn bận công việc. Tôi cũng tâm sự với gia đình mình sẽ cưới khi cảm thấy sẵn sàng.

Thuận Nguyễn tự cắt tóc cho bà nội.
Phong Kiều thực hiện