Sinh viên nghiên cứu tài liệu trong thư viện ĐH Liverpool. |
Tự động hóa
Trang web thư viện của trường đại học có đầy đủ những thông tin cần thiết giúp sinh viên tra cứu. Người đọc ở bất kỳ đâu cũng có thể biết được tài liệu mình cần đang trong tình trạng nào (khi gõ vào tên tác giả hoặc tên sách), đang ở đâu, đã có ai mượn chưa? Những tài liệu đã quá cũ hoặc ít giá trị sẽ được cất trong kho, nhưng hễ độc giả cần thì cứ gửi mail cho thư viện. Sau đó, thư viện sẽ mail hẹn ngày giờ đến lấy tài liệu.
Bình thường, sinh viên sau khi tra cứu trên mạng, biết tài liệu mình cần đang ở đâu sẽ trực tiếp đến thư viện tìm. Mười mấy tầng lầu của hai thư viện khối khoa học xã hội và khoa học tự nhiên - kỹ thuật đầy ắp sách, sắp xếp khoa học để sinh viên tự do lựa chọn. Không có người kiểm tra thẻ, sinh viên sử dụng thẻ sinh viên - cũng là thẻ thư viện - quét vào cổng từ là bước vào. Sau khi đã chọn xong tài liệu, nếu muốn mượn đem về, sinh viên đến bộ phận đăng ký đưa thẻ sinh viên, nhân viên sẽ quét máy dò và đóng mộc ngày trả lên tài liệu. Trừ thời gian tự tìm tài liệu, việc đăng ký chỉ mất khoảng một phút nếu không phải xếp hàng.
Sinh viên không bị yêu cầu gửi túi xách bên ngoài hoặc chỉ được mang vào thư viện giấy trắng, bút như ở Việt Nam. Bạn có thể mang vào những gì mình thích nhưng nếu khi ra mà cầm theo sách thư viện chưa qua kiểm tra thì máy sẽ reo lên inh ỏi. Nếu không đọc tài liệu, sinh viên cũng có thể đến thư viện để vào internet. Máy vi tính có rất nhiều trong thư viện, sinh viên thoải mái tra cứu. Muốn photo tài liệu, sinh viên mua card để có được số pin, từ đó sẽ đến máy photocopy và tự phục vụ.
Tất cả vì người đọc
Trong trường đại học, thư viện là một trong những bộ phận quan trọng. Có những ngày lễ, các phòng ban khác đều nghỉ, thư viện vẫn làm việc. Bình thường, thư viện mở cửa từ sáng đến 21h30, có những giờ không có nhân viên (sinh viên phải tự phục vụ). Thư viện tại trường tôi đang theo học vừa thí điểm mở cửa phục vụ 24/24. Mỗi tháng một lần, thư viện nhập sách mới và thông báo ngay trên trang web.
Theo quy định, mỗi sinh viên đại học một lần được mượn 10 cuốn sách đọc trong 2 tuần, sinh viên cao học 15 cuốn, nghiên cứu sinh 25 cuốn trong 4 tuần. Tuy nhiên, nếu sinh viên đang rất cần một tài liệu đã có người mượn, thư viện sẽ liên lạc với người đang mượn sách và "điều đình" xem có thể cho độc giả khác mượn trong một thời gian ngắn rồi sẽ trả lại. Nếu sinh viên cần một tài liệu mà thư viện trường không có, thư viện sẽ liên lạc với các trường đại học hoặc thư viện khác và tất nhiên sinh viên phải trả chi phí, theo quy định là 2 bảng (gần 60.000 đồng).
Khi vào thư viện, nếu thắc mắc bất kỳ điều gì về những thông tin liên quan đến thư viện, sẽ có nhân viên tại bàn hướng dẫn (Information Support Desk) trả lời. Khi gặp trở ngại về máy tính, sẽ có nhân viên bộ phận máy tính (Computing Services Helpdesk) hướng dẫn và giải quyết. Độc giả có thể dẫn theo trẻ con miễn chúng không gây ồn ào và có thể đọc, tra cứu bao nhiêu, bao lâu tùy thích. Sự yên tĩnh cần được tôn trọng trong thư viện, vì thế dù tất cả mọi thứ đều thoải mái nhưng mọi người phải giữ yên lặng. Thế nên ngay cổng bước vào thư viện đã có bảng yêu cầu tắt điện thoại di động. Điều này lại chưa được quan tâm ở các thư viện Việt Nam. Trước ngày sang Anh, tôi đã vào nhiều thư viện tra cứu tài liệu nhưng vẫn thấy rất nhiều độc giả nghe và trả lời điện thoại trong thư viện.
Một điều cần lưu ý là thái độ phục vụ của nhân viên thư viện. Khi hướng dẫn hoặc làm điều gì cho độc giả, các nhân viên đều vui vẻ, nhã nhặn và luôn có lời cảm ơn khi kết thúc. Số điện thoại, e-mail của nhân viên và lãnh đạo thư viện được thông báo công khai, rộng rãi để mọi người liên hệ. Thấy tôi cứ ngạc nhiên về cách làm việc ở thư viện, nhiều sinh viên ở đây tỉnh bơ rằng: "Họ được trả tiền để làm việc đó mà!". Vì những thuận lợi này mà với phần lớn các sinh viên, thời gian ở thư viện có khi còn nhiều hơn ở giảng đường. Thậm chí có sinh viên không ngày nào không ghé vào thư viện.
(Theo Thanh Niên)