Thử thách đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt thực tế là một bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ được xuất phát từ nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đăng tải trên tạp chí Stroke. Nghiên cứu có sự tham gia bởi nhóm người tình nguyện gồm 841 phụ nữ, 546 nam giới với độ tuổi trung bình là 67. Thời gian tối đa để giữ chân nâng cao khỏi mặt đất là 60 giây.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc một người gặp khó khăn khi cố giữ thăng bằng trên một chân trong 20 giây hoặc lâu hơn là dấu hiệu cho thấy các tổn thương của các mạch máu nhỏ trong não nên không thể phối hợp ăn ý tay và chân đứng, sự suy giảm chức năng nhận thức ở những người khỏe mạnh mà không có các triệu chứng lâm sàng. Tiến sĩ Yasuharu Tabara, tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Trung tâm Y học về Gen tại Trường y khoa sau đại học thuộc Đại học Kyoto cho biết: "Thời gian đứng bằng một chân là thước đo đơn giản để đánh giá sự bất ổn định về tư thế, có thể là hậu quả của các tổn thương bất thường ở não". Người này cũng bổ sung đây là bài kiểm tra dễ dàng xác định về những dấu hiệu ban đầu của việc có nguy cơ đột quỵ. Người nào đứng được càng lâu thì nguy cơ đột quỵ càng thấp.
Cách thực hiện thử thách 'Đứng một chân khi nhắm mắt'

Khi thực hiện thử thách, bạn nên có người ở bên cạnh để giúp theo dõi thời gian bằng cách sử dụng đồng hồ bấm giờ trên điện thoại.
Bước 1: Đứng trên một chân và gập đầu gối còn lại, nâng bàn chân lên khỏi mặt đất mà không chạm vào chân đang đứng. Tay có thể khoanh trước ngực
Bước 2: Nhắm mắt lại.
Bước 3: Cố gắng giữ tư thế này càng lâu càng tốt.
Những người từ 60 tuổi trở xuống có thể duy trì tư thế này trong 29 giây với đôi mắt mở và 21 giây với đôi mắt nhắm nghĩa là người khỏe mạnh. Còn tiêu chuẩn khỏe mạnh với những người từ 61 tuổi trở lên là giữ tư thế 22 giây với đôi mắt mở và 10 giây khi nhắm mắt.
Các cách phòng chống nguy cơ đột quỵ
1. Kiểm soát huyết áp. Giữ huyết áp ở mức ổn định.
2. Bỏ thuốc lá.
3. Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và uống thuốc thang đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Giữ cân nặng hợp lý. Bởi vì thừa cân làm tăng yếu tố gây đột quỵ như huyết áp cao, bệnh tim mạch và tiểu đường.
5. Chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả.
6. Tập thể dục làm giảm huyết áp, cải thiện sức khỏe tổng thể, hoạt động tim. Giúp giảm cân, kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm căng thẳng.
7. Uống rượu ở mức độ vừa phải, tránh lạm dụng rượu bởi làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đột quỵ do thiếu máu cục bộ...
8. Điều trị chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ.
9. Không dùng chất kích thích ma túy vì một số loại ma túy gây ra cơn thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ.
10. Kiểm soát các căn bệnh khác nếu có, điều trị để giảm nguy cơ đột quỵ (bệnh tim, cholesterol cao...)
Vincent (Theo Soundhealthandlastingwealth, Heart)