Giá chứng khoán tăng mạnh, nhà đầu tư trở lại sàn đông. |
Anh Nguyễn Minh, nhà đầu tư tại công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nói: “Biên độ rộng cho phép nhà đầu tư “lướt sóng” nhặt hơn, nên chơi trên sàn Hà Nội cảm thấy căng thẳng nhưng hấp dẫn hơn sàn TP HCM. Vì vậy, toàn bộ vốn đầu tư trên sàn của tôi đổ vào chơi các cổ phiếu trên sàn Hà Nội”.
Thứ hai tuần trước (24/9) với 3 tỷ đồng mới bổ sung vào tài khoản, thấy FPT (sàn TP HCM) đang được nước ngoài lưu tâm, đẩy giá tăng liên tục lúc đầu anh Minh tính mua cổ phiếu này. Nhưng sau khi cân nhắc, anh quyết định mua cổ phiếu SSI trên sàn Hà Nội.
Hôm đó, giá FPT là 239.000 đồng và SSI khoảng 174.000 đồng. Sau khi mua xong, thấy giá SSI leo ì ạch, trong khi FPT tăng giá kịch trần thường xuyên, anh Minh hơi buồn. Nhưng rồi sau đó SSI tăng tốc, giá lên kịch trần 2 phiên liền. Cuối cùng, nó đã đuổi kịp và vượt “đối thủ” FPT.
Trong ngày 2/10, sau 6 phiên giao dịch giá của FPT đã lên đến 296.000 đồng (tăng 57.000 đồng), còn SSI lên đến 228.000 đồng (tăng 54.000 đồng). Nhìn qua con số tuyệt đối thấy FPT tăng giá nhiều hơn, nhưng thực tế khi tính ra chỉ số phần trăm thì FPT chỉ tăng được 23,8%, trong khi SSI tăng 31%. Anh Minh nói: “Ngày mai chưa biết thế nào, nhưng cho đến lúc này (2/10) cổ phiếu SSI tuy chạy ít nhưng giá tăng nhanh hơn FPT”.
Quy trình giao dịch trên sàn TP HCM gồm có ba đợt, trong đó hai đợt khớp lệnh chung để xác định giá mở cửa và giá đóng cửa. Muốn giao dịch trong những đợt này nhà đầu tư chỉ cần “quăng” tờ lệnh ghi giá ATO (mở cửa) và ATC (đóng cửa) là lệnh có thể giao dịch được, với mức giá chung toàn thị trường, mà không phải vắt óc suy nghĩ cạnh tranh. Còn đợt giữa khớp lệnh liên tục chỉ kéo dài trong vòng một giờ nên nhiều khi không đủ cho những nhà đầu tư chạy đuổi giá.
Còn trên sàn Hà Nội, do giao dịch khớp lệnh liên tục (5 giây/lần trong suốt cả buổi) nên khi phiếu lệnh chuyển đi là có thể khớp ngay. Nếu giá khớp thấp thì có lợi, còn khớp cao thì bị thiệt.
Mặc dù trên bảng điện tử hiện 3 khối lượng giao dịch và 3 mức giá thấp nhất (bên bán) và cao nhất (bên mua), nhưng do đường truyền chậm nên nhiều khi lệnh chuyển đến Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được so khớp ngay mà không kịp hiện dữ liệu lên màn hình.
Vì vậy khi mua bán số lượng nhiều nhà đầu tư phải căng óc ra mà hành động. Theo anh Minh, nếu thị trường nóng, vì cung ít hơn cầu nên trong phiên giá tăng liên tục, nhà đầu tư không thể “kỳ kèo” từng nghìn đồng, mà khi cần mua thì phải mạnh dạn trả giá cao nhất. Nếu không mua được vào đầu giờ hoặc phải chờ đến hôm sau thì nhà đầu tư có thể bị thiệt vì phải mua cổ phiếu với giá đã tăng 10% - 15%...
Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài ít tham gia chơi trên sàn Hà Nội, nhưng thời gian gần đây thấy giá cổ phiếu trên sàn này tăng vững chắc nên họ đẩy mạnh mua vào. Từ đầu tháng 9 đến nay khối này đã mua hơn 6 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị 626 tỷ đồng. Riêng trong ngày 2/10, họ mua trên sàn Hà Nội tổng cộng 695.500 cổ phiếu, trong đó riêng SSI chiếm 255.800 cổ phiếu, giá trị 57,6 tỷ đồng.
(Theo Người Lao Động)