Thànhnkn
Người ta nói "tre già măng mọc", chẳng ai có thể trường sinh bất lão được mãi. Trước đây, thời phong kiến hoặc ngay cả bây giờ, giữa người trẻ và người lớn luôn tồn tại một khoảng cách đáng nể, chúng ta khó có thể ngồi cùng mâm. Mâm trên là người lớn, gian bếp là mâm dưới dành cho người trẻ, bởi thế nên người trẻ ngửi được mùi của khói, của than, của tro "hồn nhiên" hơn người lớn.
Người lớn giáo dục, đầu tư cho chất xám với người trẻ thế nào khi có những cô, cậu mới học cấp một, đã đeo trên vai chiếc cặp có khi nặng tới gần 10kg? Tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan mà không hề có quy chuẩn. Những bài giảng, các chính sách dành cho giáo dục đã có từ hàng chục năm về trước vẫn không hề đổi mới cho kịp với thời đại, rất hiếm sự đột phá. Cả thầy lẫn trò vẫn cứ đọc rồi chép.
Bởi vậy, thầy nhiều hơn thợ, sinh viên thì "thằng làm tiếp thị, tối về một gói mỳ tôm"... Thử hỏi những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hay tốt nghiệp tương lai rồi sẽ thế nào? Họ thiếu định hướng, làm trái ngành, trái nghề, lương tháng "ba cọc ba đồng", sống còn chưa đủ, lấy gì mà đóng góp xây dựng đất nước?
Người lớn làm kinh tế hiệu quả tới đâu khi khoảng cách giàu - nghèo quá chênh lệch, thu nhập bình quân trên đầu người so với các nước khác còn quá thấp, giá bất động sản thì lơ lửng trên trời, nợ nước ngoài chiếm tới 42 % GDP 2010? Không biết người lớn thế nào chứ người trẻ băn khoăn, tủi thân và lo lắng nhiều lắm!
Người lớn tuyên truyền văn hóa với người trẻ kiểu gì mà cứ hễ đọc tin tức là người mẫu nọ, ca sĩ kia từ "lộ hàng" đến khoe ngực? Cô bé A mới 16 tuổi mà lại dùng từ "gợi cảm" với chả "khiêu gợi". Tôn vinh sắc đẹp kiểu gì mà cấp phép cho thi thố loạn xạ, chẳng phân biệt được đâu là "nết" với "đẹp" nữa. Phim ảnh "thoát xác" kiểu gì mà toàn là cảnh sex với giường chiếu?
Rồi người lớn chạy xe xuôi ngược, xem thường tín hiệu giao thông, thích vượt là vượt, thích rẽ là rẽ mà không cần tín hiệu xi-nhan, phía sau kẹt xe, phía trước cứ từ từ chuyển bánh mà không cần biết ách tắc thế nào. Người lớn đang đi bỗng dưng dừng lại nghe điện thoại, gặp bạn bè hay xem tai nạn...
Người trẻ đi xin việc thì người lớn hỏi quen biết ai không và mất bao nhiêu tiền? Tại sao không xem có năng lực hay không mà lại hỏi như thế? Người lớn truyền bá cho người trẻ đầy đủ những "tư tưởng hoành tráng". Nào là xây dựng tượng đài "Mẹ" hàng trăm tỷ đồng, vẽ ra dự án thay sân bay thành sân golf tới hàng tỷ đôla... lớn nhất Đông Nam Á. Vậy người trẻ sẽ học sao đây?
Người lớn đãi ngộ người trẻ ra sao mà có những vận động viên đạt huy chương, đem vinh dự về cho tổ quốc thì hàng ngày vẫn lăn lộn kiếm sống bằng việc đi bán dừa? Đãi ngộ thế nào mà học sinh vùng cao không có cầu mà đi, vẫn phải ngày ngày vượt suối, băng sông đến trường? Sinh viên ra trường bơ vơ, chẳng biết đâu là bến đỗ mà cống hiến?...
Đâu đó, người trẻ thấy được cũng có những người lớn hoàn toàn khác. Không ít những người lớn âm thầm xây dựng, cống hiến cho tổ quốc mà chưa được xướng tên. Người trẻ còn nông nổi, suy nghĩ có khi nông cạn nhưng có lẽ những điều người trẻ đề cập, đang cần lắm người lớn cùng ra tay thay đổi vì một đất nước tươi đẹp và phát triển.
Chúc người lớn có sức đủ mạnh, tâm huyết "thừa" trong sáng, trí tuệ vượt bậc và một tình yêu bất diệt với quê hương.