
Narai-juku, thị trấn nhỏ nằm dưới thung lũng ở tỉnh Nagano, đồng thời là trạm thứ 34 trong tổng số 69 trạm của Nakasendo (hay còn gọi là Kisokaido) - tuyến đường nối Edo (Tokyo thời nay) với cố đô Kyoto vào thời kỳ Edo (1603 - 1868). Tọa lạc ngay chân đèo Torri, một trong những cung đường núi hiểm trở nhất thuộc Nakasendo, ngày nay đường phố, nhà cửa ở Narai-juku vẫn giữ thiết kế thời Edo, mang dáng dấp cũ kĩ. Ảnh: Shukuba_cafe_izumiya

Không gian cổ kính, nhịp sống chậm rãi khiến Narai-juku tách biệt khỏi một Nhật Bản phát triển. Phía sau là dãy núi xanh mướt, thấp thoáng bóng du khách diện kimono đi dạo làm nhiều người tưởng như đang đứng trong bối cảnh phim lịch sử. Ảnh: Kyoko1903
Một vòng quanh khu phố chính ở Narai-juku. Video: Samurai Shot

Narai-juku chia thành ba khu: Kanmachi, Nakamachi và Shimomachi, được chỉ định bảo tồn kiến trúc quốc gia nên mọi thứ gần như không thay đổi so với ban đầu. Các ngôi nhà đều bằng gỗ, mái hiên tầng trên nhô ra che chắn cả tầng dưới. Ảnh: Fumsenpai

Lượng du khách đến Narai-juku không quá đông, kể cả vào mùa cao điểm. Tổng chiều dài khu bảo tồn khoảng 1 km, chiều rộng tầm 200 m, trong đó có Nakamura Residence, nhà vườn của một thương nhân thời Edo được giữ nguyên vẹn cho du khách chiêm ngưỡng. Ảnh: Studio_sunset_sea

Kisho Ohashi, cây cầu gỗ lấy ý tưởng thiết kế từ một loại trống truyền thống Nhật Bản, dài 30 m bắc qua sông Narai sẽ được chiếu sáng vào ban đêm, từ tháng 4 đến tháng 11 hng năm. Cầu được xây dựng bằng gỗ bách (hinoki) 300 tuổi, là điểm check-in hút du khách. Ảnh: Ano.photos

Khách du lịch có thể nghỉ ngơi trong các quán trọ kiểu truyền thống Nhật Bản, gọi là Ryokan, thưởng thức bia và một số món ăn địa phương. Khoảng hai tháng nữa, vùng núi sang thu, lá cây chuyển vàng, đỏ lãng mạn, rất thích hợp cho chuyến du lịch đôi. Ảnh: Hirokingraphy

Đến cuối năm, cả thị trấn chìm trong tuyết trắng như cổ tích. Lúc này, Narai-juku càng vắng du khách vì đường đi xa xôi, thời tiết lạnh buốt nhưng lý tưởng để chụp ảnh, tắm nước nóng thư giãn. Ảnh: Naohiro Yako
Diệp Tử