Theo ông Nguyễn Ngọc Chu, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty T&C, Tổng thư ký Câu lạc bộ Golf Thăng Long, một khi đã chơi thì "ai cũng nghiện".
Cũng vì mê golf, ông Chu đã "đầu tư" cho con trai là Nguyễn Thái Dương luyện tập trong suốt bốn năm qua. Đến nay, Dương đang là một trong những tay golf hàng đầu của Việt Nam.
Ông Phạm Kim Hưng ở Công ty T&A Việt Nam hai năm nay đã trở thành một "tín đồ" của golf. Theo ông Hưng, hiện có khoảng 4.000 tay golf chuyên và không chuyên ở Việt Nam. Không ít các quan chức cơ quan nhà nước cũng đã bắt đầu tập chơi golf.
Từ một sân duy nhất ở Việt Nam, thuộc Câu lạc bộ Golf Dalat Palace của tập đoàn Danao, chính thức hoạt động năm 1992, đến nay cả nước đã có chín sân golf đang hoạt động và khoảng 10 sân golf khác đang triển khai. Theo đó là các giải đấu ở nhiều cấp độ khác nhau đã lần lượt được tổ chức tại Việt Nam.
Ngay cả Asian Tour, một giải đấu golf quốc tế khá nổi tiếng, năm ngoái cũng đã chọn Việt Nam làm nơi tổ chức giải.
Ông Henrik J. Andersen, Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam, nhận xét: "Cách đây ba năm, 80% số người đến sân golf là người nước ngoài, nhưng nay thì hơn 50% là người Việt Nam. Ngày càng nhiều người chơi golf, có nghĩa là chi phí sẽ giảm xuống và như vậy lại có thêm người chơi mới. Ngoài ra, nhiều sân golf đang được xây dựng nhanh, cũng sẽ đưa đến sự cạnh tranh giảm phí".
Đã qua lâu rồi cái thời mà chủ đầu tư các dự án sân golf tại Việt Nam phải thường xuyên kiến nghị giảm thuế thu nhập để có thể duy trì hoạt động. Ngày nay, nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực xây dựng sân golf hứa hẹn sẽ có một cuộc đua tranh quyết liệt trong những năm tới…
Thông tin nóng nhất về golf trong năm nay đến từ Tuần Châu, nơi mà Công ty liên doanh Hạ Long Bay Group đã tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng một tổ hợp khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn và sân golf với tổng vốn đầu tư lên tới gần nửa tỷ USD. Khi dự án này đang ở bước khởi động thì một số dự án khác với quy mô nhỏ hơn đã được khởi công xây dựng.
Giai đoạn 1 của dự án sân golf Đầm Vạc và khu nhà vườn Mậu Lâm có tổng diện tích hơn 80 héc ta đã khởi công tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vào đầu tháng 3 với tổng số vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Hai tuần sau đó là lễ động thổ sân golf đầu tiên ở Hà Nội với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Đây là dự án do Công ty liên doanh Japan-Vietnam Golf Development Co làm chủ đầu tư, dự kiến hoạt động ngay đầu năm tới.
Trong khi đó, một loạt dự án sân golf khác tại Phú Quốc, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Nam... cũng đã được khởi động. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sân golf Long Sơn ở Hòa Bình, do một công ty Hàn Quốc dự kiến đầu tư, sẽ là một trong những sân golf hàng đầu ở châu Á.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, một điều dễ nhận thấy là hiện nay các dự án sân golf mới thường được triển khai dưới dạng một tổ hợp gồm sân golf và khu nghỉ dưỡng hoặc biệt thự, nhà vườn. Sở dĩ các nhà đầu tư thích mô hình này là do hạn chế được nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Ông Mạc Anh Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị - chủ đầu tư sân golf Đầm Vạc, cho biết đây là xu hướng được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã đem lại hiệu quả cao. Theo tính toán của công ty, trong dự án Đầm Vạc, nguồn vốn thu từ việc bán hơn 500 căn biệt thự nhà vườn là một sự đảm bảo tương đối cho thành công của dự án.
Điều này càng trở nên hiện thực hơn khi mà chỉ sau hơn một tháng khởi công, hầu hết các căn biệt thự nhà vườn ở đây đã có người đăng ký mua.
Sân golf đang được xây ngày một nhiều, liệu các nhà đầu tư có gặp khó khăn trong kinh doanh? Theo ông Tuấn, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, nhưng ông tin số lượng người chơi chắc chắn sẽ tăng lên. Ở một số nước như Thái Lan hay Malaysia, xung quanh thủ đô có tới vài chục sân golf là chuyện bình thường.
Với từng sân golf đang hoạt động, mỗi nơi lại có các biện pháp cạnh tranh riêng. Như sân golf Đà Lạt, ông Jeff Puchalski không hề giấu giếm về tham vọng khai thác hết lợi thế của một sân golf đẹp tại trung tâm du lịch hấp dẫn của Việt Nam bằng các dịch vụ tốt. Thêm vào đó, đăng cai tổ chức các giải đấu golf lớn là một hoạt động để nâng cao vị thế, thu hút khách hàng.
Chính vì vậy, giải vô địch golf quốc gia đầu tiên ở Việt Nam do Saigon Times Group và Công ty T&A tổ chức đã nhanh chóng được sân golf Đà Lạt đón nhận, tài trợ thành giải đấu tổ chức thường niên tại đây.