Thiếu cân khi mang bầu rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cả mẹ lẫn bé và có thể gây sảy thai. Không ít người gặp tình trạng này nhưng thay vì ăn uống "vô tội vạ" để tăng cân, mẹ bầu cần có chế độ sinh hoạt cân bằng, khoa học.
Những nguy cơ mẹ bầu phải đối diện khi thiếu cân
Ngoài nguy cơ bị sảy thai ở giai đoạn đầu thai kỳ như đã đề cập ở trên, mẹ bầu thiếu cân còn phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó, các bác sĩ sản khoa nhấn mạnh tới các vấn đề như:
- Mẹ bầu nhẹ cân có nguy cơ sinh non cao. Đứa trẻ sinh ra dễ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng.
- Nguy cơ biến chứng thai kỳ cao và khó sinh thường được.
- Mẹ bầu thiếu cân dễ bị băng huyết sau sinh.
Chuẩn tăng cân thai kỳ
Suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ tăng trung bình 9-11 kg. Ở giai đoạn đầu tiên, mẹ bầu chỉ nên tăng từ 8 lạng tới 1,5 kg. Cân nặng của mẹ bầu trong cả thai kỳ nên tăng như sau:
- Nếu thừa cân trước khi bắt đầu có thai, mẹ bầu chỉ nên tăng khoảng 7-9 kg.
- Nếu bị béo phì, mẹ bầu nên tăng 4-9 kg.
- Nếu bị thiếu cân, mẹ bầu nên tăng 12-18 kg.
- Nếu mang thai đôi, mẹ bầu nên tăng 16-19 kg.
Có một số trường hợp, mẹ bầu rất khó để đạt được cân nặng tiêu chuẩn vì chứng ốm nghén hay bệnh lý đường tiêu hóa... Trong trường hợp này, mẹ bầu nên duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học và luôn giữ tinh thần thoải mái để giảm được tối đa ảnh hưởng tiêu cực. Mẹ bầu hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để tìm được cách tăng cân phù hợp với mình.
Cách phòng tránh thiếu cân thai kỳ
Khi bị chẩn đoán thiếu cân, mục tiêu quan trọng của mẹ bầu là phải tăng được số cân tiêu chuẩn bằng những cách an toàn, phù hợp. Mẹ bầu có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Không bỏ bữa, cố gắng chia nhỏ bữa ăn trong ngày để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé.
- Mẹ bầu có thể nhấm nháp một số món ăn vặt như lạc (đậu phộng), hoa quả sấy khô, bánh quy, nho khô...
- Thêm một chút bơ lạc vào bánh mỳ cho bữa sáng. Bơ lạc có hàm lượng calories dồi dào và tốt cho phụ nữ mang thai.
- Nấu súp cùng với bơ để tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn.
- Uống nhiều nước trái cây giàu vitamin C như nước cam, nho, đu đủ, chanh hoặc cà rốt.
- Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ (đồ chiên, xào) vì chúng có thể làm tăng cholestrol trong máu và ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ.
- Ăn thực phẩm có hàm lượng chất béo tốt cho sức khỏe như dầu ô liu, đậu phộng hoặc quả bơ.
- Uống vitamin và thực hiện theo chỉ định của bác sĩ.
Song Giang