- Lâu lắm không thấy anh và Techno xuất hiện. Có thông tinh là nhóm đang cố cầm cự sau khi đã qua thời hoàng kim, anh thấy sao?
- Chính xác là nhóm ít xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông, còn thực tế tụi tôi vẫn chạy show kín đặc lịch. Cả tháng 9 vừa rồi, tụi tôi đi Mỹ biểu diễn cũng đâu ai biết, vừa mới về lại kín show ở Hà Nội, Hải Phòng... Bây giờ nhóm Techno không còn là cái tên xa lạ để phơi mình tiếp thị trên báo chí cho khán giả biết tới nữa. Chúng tôi lo những cái thiết thực hơn: chạy show dồn tiền cho những dự án của nhóm.
Chẳng hay ho gì khi nhiều người lên báo đài liên tục với những dự án này nọ ầm ĩ, rồi một ngày lại than vãn rằng mình không sống được với nghề. Sau 9 năm xuất hiện, Techno đủ biết mình và con đường đi của mình phải thế nào để tồn tại. Thế nên, mặc thiên hạ nói sao cũng được, miễn là những sản phẩm của nhóm khi ra đời được khán giả đón nhận, người trong nghề đánh giá cao.
Nhóm Techno khi còn đủ 3 thành viên. |
- Vậy ẩn mình lao động cho các dự án, anh đã làm được những gì trong thời gian qua?
- Trong kế hoạch của mình thì tôi và Thúy Uyên sẽ ra những album solo riêng từng người. Trước đó, Thúy Uyên đã phát hành album Khi biết em yêu anh, vì lý do sức khỏe nên cuối tháng 9 vừa rồi tôi mới phát hành được album riêng của mình mang tên Anh sẽ về. Toàn bộ album này là những sáng tác của tôi với những ca khúc mà khán giả đã khá quen thuộc như: Nhớ anh, Sao không về bên anh, Cho người tình xa... Tóm lại sẽ có một hình ảnh Kỳ Phương khác với vẻ sôi động của Techno mà sẽ sâu lắng, chững chạc và lãng mạn hơn. Hiện tại, tôi đang tiếp tục hoàn thiện một album của Techno, sẽ ra mắt trong thời điểm sớm nhất có thể.
- "Sâu lắng, chững chạc và lãng mạn hơn", đó là hướng đi mới của anh hay đơn thuần chỉ là một sự thay đổi nhất thời?
- Đó chỉ là sở thích bên ngoài dòng nhạc Techno mà nhóm theo đuổi. Có nghĩa là với album của nhóm thì chúng tôi vẫn luôn trung thành với dòng Techno, còn khi solo, tôi và Thúy Uyên hoàn toàn tự do thử nghiệm với những thể loại nhạc khác. Đó lại là phạm vi cá nhân rồi.
- Trong thời hỗn loạn của thị trường âm nhạc như vậy, Techno làm thế nào để giữ vững hình ảnh và thương hiệu của mình?
- Mỗi người một con đường, Techno chọn đầu tư vào chất lượng công việc, dù sao Techno đã là một thương hiệu ban nhóm có uy tín, dù phần tiếp thị có thể không ồn ào song mỗi lần Techno xuất hiện, mọi người đều công nhận về chất lượng nghệ thuât trong các tiết mục. Đó là lý do vì sao mà không kèn không trống Techno vẫn cứ tồn tại.
- Ngoài việc ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác cho nhóm, anh còn là giảng viên của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM. Anh làm thế nào để dung hòa ngần ấy công việc của mình?
- Đúng là quá bận, nhưng rất may là các thày trong trường cũng thông cảm với công việc của tôi nên ngoài những ngày phải đi lưu diễn thì tôi vẫn đều đặn đến trường làm một anh thày tốt. Việc chính của tôi là hướng dẫn các ca sĩ trẻ phong cách biểu diễn trên sân khấu. Đó là một kiểu học mà không nhiều người ở VN chú ý tới cho dù phong cách trình diễn là rất quan trọng. Tôi thích công việc này nên dù rất bận, tôi vẫn nhận lời giảng dạy với thu nhập 18.000 đồng/giờ.
- Là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác được yêu thích, anh nghĩ sao về thị trường âm nhạc hiện nay?
- Tôi không nhận xét gì và cũng không có quyền nhận xét về điều này vì đó là những đồng nghiệp của mình. Không phải tôi sợ động chạm mà vì mỗi người có một quan điểm sáng tác riêng. Nhạc sĩ cứ sáng tác, còn chuyện thẩm định sẽ là chính khán giả - những người tiếp nhận sản phẩm.
- Vậy anh đánh giá về những sản phẩm của mình thế nào?
- Tất nhiên tôi biết mình đang làm gì. Tôi làm những cái mình thích và với phần đông nhận xét của đồng nghiệp thì những sản phẩm của tôi ổn. Album mới với những bài hát mới rất được bạn bè ủng hộ. Còn chuyện cuối cùng là của khán giả. Ca khúc của tôi không quá lạ lẫm với thị hiếu của công chúng nhưng vẫn có "chất" của Kỳ Phương ở đó. Và tôi hài lòng với những gì mình làm.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)