Hạ giá phát hành, dư luận phản ứng dữ quá lại điều chỉnh lên. Quyết định của ban giám đốc Công ty quản lý quỹ VFM khiến một số nhà đầu tư VF1 bị thiệt hại nặng nề khi trót bán ra với giá sàn. Oái ăm ở chỗ, ngay khi hạ giá phát hành, nhà đầu tư ồ ạt bán sàn, ban giám đốc VFM bố cáo mua vào VF1 để trấn an nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau đó VFM lại nâng giá phát hành, đúng vào lúc thị trường qua giai đoạn điều chỉnh, quyết định mua vào vô hình trung đem lại lợi nhuận lớn cho ban lãnh đạo VFM. Quá bức xúc, một nhà đầu tư tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN vác đơn khiếu nại VFM, đòi bồi thường và kết tội "ban lãnh đạo VFM lũng đoạn thị trường".
Hiện giá thị trường của VF1 đạt 35.000 đồng, cao hơn khá nhiều so với giá phát hành 33.164 đồng, đơn vị bảo lãnh là Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra một loạt tài liệu về việc họ có đối tác lớn đăng ký mua VF1 và bản thân công ty đủ khả năng ôm số chứng chỉ quỹ trong trường hợp cổ đông hiện hữu không mua hết. Tuy đợt phát hành lần này có thành công, scandal trên khiến thương hiệu VF1 trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
|
Phát hành cổ phần ngày càng quan trọng với các doanh nghiệp. |
Mới đây, Vincom lùi ngày đấu giá 5 triệu cổ phần từ 6/6 sang 3/7, chậm gần 30 ngày so với dự kiến mà không đưa ra lý do cụ thể khiến giới đầu tư không ngớt băn khoăn. Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vincom Lê Khắc Hiệp giải thích gần ngày đấu giá, công ty có nhận được đề nghị từ một đối tác lớn trong lĩnh vực tài chính. Nếu vẫn để thời hạn cũ (6/6) sẽ quá gấp gáp, vì vậy, để nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, Vincom quyết định lùi sang 3/7. Một nguyên nhân khác, theo ông Hiệp, đó là công ty đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án đầu tư ở TP HCM.
Chuyện Bảo Việt dời ngày đấu giá gần 60 triệu cổ phần từ kế hoạch dự kiến 17/5 sang 31/5 cũng khiến nhiều nhà đầu tư trẻ cho rằng doanh nghiệp này muốn tránh giai đoạn thị trường đang nhạy cảm. Trong bản công bố thông tin, những chi tiết về nhà đầu tư chiến lược, tổ chức tư vấn nước ngoài vẫn không được đề cập đầy đủ để nhà đầu tư có thêm cơ sở tính giá bỏ thầu. Liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng An Bình, mới đây Ngân hàng Nhà nước yêu cầu bổ sung hồ sơ, trong đó giải trình rõ một số nội dung về nhân sự, quản trị điều hành khi quy mô vốn điều lệ ngân hàng tăng tới 5.000 tỷ đồng. Trong tuần qua, giá cổ phần An Bình Bank giảm nhẹ, đạt 62.000-65.000 đồng.
Tăng vốn không hẳn là đũa thần
Qua mùa đại hội cổ đông, hầu như doanh nghiệp nào cũng có kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacom Đỗ Văn Trắc nói “phát hành cổ phiếu có lợi hơn vay ngân hàng”. Nếu như vay ngân hàng, lãi suất tới 10-12%/năm, thời hạn ngắn, áp lực trả nợ lớn, thì phát hành cổ phiếu với việc được giá gấp 5-10 lần mệnh giá như hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp chỉ cần trả lãi 2-3%, thời hạn vay không hạn chế, thua lỗ doanh nghiệp có quyền không trả lãi.
Tuy nhiên, tăng vốn ồ ạt thì lợi bất cập hại. Bà Phan Thanh Hà, Vụ tài chính tiền tệ Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho rằng vốn huy động thêm sẽ biến thành tài sản doanh nghiệp, nếu chưa có dự án tốt, đầu tư kinh doanh không hiệu quả, hoặc tiền nằm im không đầu tư ngay, tỷ suất lợi nhuận/vốn sẽ giảm (hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp giảm).
Bà Hà nêu trường hợp, có doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu lại dùng một phần tiền thu được để trả nợ ngân hàng, đầu tư tài chính - lĩnh vực vốn lạ hoắc với doanh nghiệp và đầy rủi ro. Có doanh nghiệp huy động vốn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất nhưng hơn một năm sau, dự án không triển khai được. "Không thể cứ thấy cơ hội huy động vốn dễ dàng là huy động, mà không tính toán kỹ hiệu quả của những dự án được đầu tư. Về phần mình, cổ đông có quyền đòi hỏi doanh nghiệp chứng minh tính khả thi của dự án, trình độ năng lực, nhân sự, quản trị điều hành và kiểm soát, cơ cấu tài chính sau khi tăng vốn từ việc phát hành".
Kế hoạch tăng vốn của một số doanh nghiệp: - Sacombank (STB): tăng từ 2.089 tỷ đồng lên 4.450 tỷ đồng |
(Theo VnExpress)