Cái chết đột ngột của con gái Maria đẩy vợ chồng bà Carmen vào nỗi u buồn tuyệt vọng. Giữa lúc tưởng như bị giành mất nguồn vui sống lớn nhất đời, bà hay tin Maria nhận nuôi thành công một bé gái tên Thị Mai ở Việt Nam.
Bất chấp rào cản pháp lý và sự phản đối từ chồng, Carmen cùng hai tri kỷ Rosa, Elvira đáp chuyến bay đến Hà Nội, tìm mọi cách để đưa bé Mai về quê nhà, hoàn thành tâm nguyện của con gái. Tuy nhiên, khó khăn chất chồng khó khăn. Ba bà đầm Tây và Andrés – anh chàng đồng hương mới bị bạn trai phản bội, họ tình cờ quen biết ở sân bay – cùng đi qua những ngày đặc biệt ở xứ sở xa lạ.
Tác phẩm của các nhà làm phim châu Âu là diện mạo đậm chất khôi hài, đôi phần đáng sợ nhưng nhiều phần đáng yêu của Việt Nam. Qua lăng kính của dàn nhân vật chính, dải đất chữ S trải ra với những khung cảnh nên thơ như cầu Long Biên, đền Ngọc Sơn, hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, vịnh Hạ Long... Nhưng tương tự trong nhiều phim về du lịch Việt Nam trước đây, nỗi sợ hãi giao thông rối ren khi qua đường của khách Tây cũng từ đời thực bước lên màn ảnh một cách hóm hỉnh.
Nhập gia tùy tục, Carmen và hai người bạn có lúc đành chôn chân giữa phố kẹt cứng xe và người, biến hình "ninja đường phố" với áo chống nắng và khẩu trang kín mít. Những chuyến xe chở hàng cồng kềnh làm họ vừa sợ vừa thán phục người lái. Một bữa lang thang đường phố, họ cuốc bộ vào những ngõ nhỏ, lê la quán xá, nếm mỗi món một ít ở quán cơm bụi bình dân.
Gây cười nhất là tình huống ba nữ chính được dân địa phương mời một món thịt "lạ". Bà Rosa tấm tắc khen ngon rồi tá hỏa khi biết mình vừa ăn thịt chó. Nhìn nhân vật mếu máo vì ăn năn, người xem thấy tội nhưng cũng không thể nén tiếng cười.
Đặt bối cảnh tại Việt Nam, một số phim quốc tế thường sa đà vào việc khai thác cảnh đẹp một cách vô tội vạ, ép nhân vật đặt chân đủ nơi, trải nghiệm đủ phong tục, nhưng rốt cuộc không yếu tố nào đi đến nơi đến chốn. Ví dụ điển hình nhất là phim điện ảnh A Tourist's Guide to Love do Netflix phát hành tháng 4 năm nay.
So với những phim như vậy, Thi Mai, rumbo a Vietnam (Thị Mai, hành trình đến Việt Nam) tiết chế hơn trong việc khai thác ngoại cảnh và văn hóa Việt Nam. Mỗi chất liệu bản địa thường gắn liền vấn đề của nhân vật. Hạ Long đẹp thơ mộng nhưng gắn với niềm đau bị bồ đá của Andrés. Cầu Long Biên xuất hiện liên tục ngụ ý về sự kết nối giữa các nhân vật, cũng cho thấy chặng đường xa từ nội đô ra ngoại thành mỗi lần bà Carmen đến gặp cháu ngoại.
Ruộng đồng phủ xanh tít tắp phản ánh một phần chân quê vương lại nơi cửa ngõ thủ đô, cũng đánh dấu sự cố ba bà Tây lạc đường do rào cản ngôn ngữ. Trà trộn vào buổi biểu diễn lân sư rồng là cách để bà Carmen tiếp cận ngài Đại sứ Tây Ban Nha và cầu xin sự trợ giúp.
Bộ phim còn tồn tại những điểm phi logic về mặt địa lý và di chuyển. Đơn cử như việc ba nữ chính có thể đạp xe từ trung tâm Hà Nội đến làng trẻ ở ngoại ô và dù đi xe đạp, họ đuổi kịp đoàn người ngồi ôtô. Tuy nhiên, nhờ mạch phim thu hút, những lỗi này có thể được bỏ qua. Đây cũng là điều dễ gặp trong các bộ phim nước ngoài làm về Việt Nam.
Xem phim, dân Việt Nam, đặc biệt là những người đang hoặc từng sống ở Hà Nội, dễ tìm thấy sự đồng điệu dễ mến, còn khán giả quốc tế có thể cảm thấy tò mò về những điều kỳ thú nhưng dung dị xảy ra hằng ngày nơi đây. Con người Việt Nam trong phim tuy có nguyên tắc, hơi khó tính nhưng tử tế và nồng hậu. Dàn nghệ sĩ gạo cội màn ảnh phía Bắc gồm NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Mạnh Cường đóng các vai khách mời có vai trò khá quan trọng với mạch truyện. Sự xuất hiện của họ càng tạo thêm cảm giác gần gũi với khán giả Việt Nam.
Thay vì kích cầu du lịch một cách khiên cưỡng, Thi Mai, rumbo a Vietnam giữ chân khán giả bằng câu chuyện đậm màu tính nữ. Bộ phim là hành trình của tình mẹ đầy xúc động. Đưa bé Mai về Tây Ban Nha là cách duy nhất để bà Carmen níu giữ lại bóng dáng và hơi ấm của con gái đã mất. Tinh thần kiên trì giữa chông gai, vượt lên cảm giác đơn độc và bất lực, bộc lộ tình thương của bà dành cho con. Và dù Maria không một lần xuất hiện, tình yêu trẻ và niềm mong mỏi làm mẹ nơi cô phần nào được khắc họa qua hành trình của bà Carmen.
Không máu mủ ruột rà, bà Carmen chỉ biết về Thị Mai qua một tấm ảnh và những dòng chữ thông tin vô cảm trong tập hồ sơ nhận con nuôi. Ấy vậy mà lần đầu chạm mặt cô bé người Việt, bà rưng rưng nước mắt vì xúc động. Hai bà cháu ngồi cạnh nhau, người nói tiếng Việt, người nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng họ hợp nhau đến lạ. Tình thương kết nối họ, làm nên tình thân. Những khoảnh khắc như vậy diễn ra ngắn ngủi trên màn ảnh nhưng là những khoảng lặng gieo cảm giác dễ chịu vào trái tim khán giả.
Vượt ngoài câu chuyện bà Carmen đi tìm cháu ngoại, cuốn phim còn lật mở những vấn đề của phụ nữ trung niên, đồng thời là hành trình chữa lành của những trái tim thương tổn. Ở cái tuổi đáng ra được an hưởng hạnh phúc bên cháu con, Carmen rơi vào bi kịch "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh".
Rosa đêm ngày khom mình chăm chồng, chăm con nhưng sau cùng, thành viên duy nhất dưới mái nhà dành cho bà sự tôn trọng và gần gũi là một chú chó. Elvira dành trọn đời mình cống hiến cho sự nghiệp, bỏ quên cả hạnh phúc yêu đương và niềm vui thú tận hưởng cuộc sống. Đến một ngày, công việc không còn nữa, bà chênh vênh không biết đời mình đi đâu về đâu. Chàng gay Andrés không khác họ là mấy, cũng thả mình phụ thuộc người yêu. Đến một ngày tình yêu vỡ nát, anh rơi vào vô định.
Sau những bước ngoặt cuộc đời, các nhân vật dũng cảm đặt mình vào một lựa chọn mới. Chi tiết này ngụ ý không bao giờ là quá muộn để mỗi người bước ra khỏi vùng an toàn và thử nghiệm điều mới, cho dù ở tuổi 30 như Andrés hay đầu hai thứ tóc như các nhân vật nữ.
Vượt lên hình hài của một phim du lịch, Vietnam, rumbo a Vietnam còn là chuyến du hành đầy tính gắn kết và vỗ về trên màn ảnh nhỏ, mang đủ dư vị vui – buồn.
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim trên Ngôi Sao lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 7, mời quý độc giả bước vào 'Những chuyến du hành qua màn ảnh'. |
Phong Kiều