Theo HK01, Thành Long sang Mỹ đóng phim khá sớm so với nhiều nghệ sĩ Hoa ngữ, từ thập niên 1980. Chặng đường phát triển của ông tại đây không dễ dàng, đối mặt nạn phân biệt chủng tộc. Ngôi sao phim hành động cho hay khi nền tảng võ thuật của mình bị xem thường, ông từ chối diễn xuất và rời Hollywood. Ông kể: "Họ muốn một đánh một, một bắn một. Tôi bảo một đánh một dễ quá, một đánh 15 của tôi mới khó. Tạm biệt Hollywood, tôi đi".
Từ chối yêu cầu làm phim của Hollywood để kiên trì với phong cách cá nhân, Thành Long dùng thực lực chứng minh bản thân. Nhờ thành công của loạt phim Giờ cao điểm (Rush Hour), nghệ sĩ người Hong Kong đưa cái tên Jackie Chan vang xa thế giới.
HK01 nhận định đến nay, Thành Long có ảnh hưởng lớn trên màn bạc, từ một người được người khác lựa chọn trở thành người có quyền chủ động lựa chọn. Ông nói: "Tôi muốn cả thế giới biết một người Trung Quốc có thể làm những thứ người người ngoại quốc không làm được. Giờ không phải tôi cần Hollywood, là Hollywood cần tôi. Tôi dùng tinh thần kiên trì tiếp tục đóng phim châu Á. Ở bất kỳ quốc gia nào, bạn nhắc tên Jackie Chan, người ta cũng biết tôi đến từ Trung Quốc".
Quảng bá cho phim Long mã tinh thần sắp ra mắt, Thành Long chia sẻ nhiều chiêm nghiệm về nghề. Ông cho biết từng nghĩ đến việc tìm người kế nhiệm, đào tạo một Jackie Chan thứ hai. Nhưng ông đau lòng vì thị trường phim hiện tại không tôn trọng diễn viên võ thuật.
Ông bày tỏ bức xúc: "Bạn giỏi võ thế nào cũng vô dụng. Giờ người ta chỉ cần đẹp mã và có tiếng, không cần bạn biết đánh, biết diễn. Bạn đủ đẹp để đứng vào hình là được. Bạn giỏi võ, gặp được ông chủ tìm đạo diễn lớn, dùng 50-60 triệu NDT làm phim sao? Không có chuyện đó đâu! Cả phim dùng diễn viên đóng thế cũng được. Đó là lý do tại sao diễn viên võ thuật bây giờ ngày càng ít".
Trong phim mới, Thành Long hợp tác với ngôi sao võ thuật thế hệ sau Ngô Kinh. Ông đảm nhận vai người huấn luyện ngựa. Ở tuổi 68, ông được nhiều người ngưỡng mộ khi tự mình thực hiện nhiều cảnh hành động khó.
Phong Kiều (Theo HK01)