Vừa xuất hiện, Thanh Lam đã khiến khán giả reo hò không ngớt. Sau tiếng ngân "Núi (hưa) núi/Thuyền (hư) thuyền (ư)..." của bài Hồ trên núi, tiếng vỗ tay càng lớn hơn. Nữ ca sĩ nhảy tung tăng trên sân khấu, phiêu theo từng câu hát, còn ở dưới, khán giả đập tay theo nhịp. Nhiều mái đầu bạc, chân đi run rẩy nhưng dường như vẫn bị cuốn theo thế giới phiêu bồng của âm nhạc khi đung đưa người theo từng câu hát của Thanh Lam: "Cho hồ nước đầy là mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc/ Khoan nhặt mái chèo/ Khoan nhặt mái chèo".
Sau Hồ trên núi, Thanh Lam tiếp tục khiến khán giả phấn khích khi hát Chảy đi sông ơi; Không thể và có thể. Chị hát như lên đồng với đủ sắc thái, khi nhắm mắt oằn mình theo những nốt nhạc, lúc lại thủ thỉ như trò chuyện. Giọng hát khi xuống thấp trầm sâu và dày, khi lên cao lại vang rền và cách hát ma mị, cùng cách nhả chữ, nảy chữ ảnh hưởng bởi chầu văn, ca trù của chị như sinh ra để dành cho âm nhạc đậm tính dân gian của Phó Đức Phương. Tiếng hú hét của khán giả càng khiến nữ ca sĩ thăng hoa hơn. Trên sân khấu, chị hát như quên đi tất cả xung quanh. Chưa hài lòng với sự thể hiện của nhạc công ở những câu cuối của bài Không thể và có thể, chị còn nhắc anh phiêu hơn và hát lại trong tiếng reo hò của khán giả.
Thanh Lam bảo, đã lâu không được hát nên chị rất run dù trước đó đã tập rất kỹ cho đêm nhạc này. Bên cạnh những bản phối được làm mới hoàn toàn, sự ủng hộ của khán giả như chất xúc tác để chị phiêu hơn trong từng câu hát. Tùng Dương còn đùa rằng Thanh Lam rực lửa như thế thì chẳng gì có thể làm lu mờ, kể cả chiếc áo kim sa lấp lánh của anh.
Sự kết hợp của Thanh Lam và Tùng Dương trong ca khúc Huyền thoại hồ Núi Cốc là khoảnh khắc bùng nổ của chương trình. Đó là sự hòa quyện của hai cá tính mạnh nhưng biết nương vào nhau để nâng nhau lên, khiến khán giả vỡ oà theo từng câu hát: "Một người đi nước mắt thành sông, một người chờ, chờ hoá núi/ Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc, ơi cô gái ơi dòng sông sâu/ Mối tình thương đau hoá sông hoá núi, dằng dặc một khúc ca giữa bao la mây trời/ Ơi núi Cốc, ơi dòng sông Kuông, xin gửi câu hát giữa dòng mênh mông".
Trong liveshow Khúc hát phiêu ly, khán giả còn được chứng kiến Mỹ Linh thăng hoa với ca khúc Trên đỉnh Phù Vân. Giọng run run, nữ ca sĩ nói màn biểu diễn này khiến chị nhớ về những năm tháng rực rỡ của tuổi đôi mươi khi gây ấn tượng mãnh liệt với sáng tác của Phó Đức Phương trong bốn show diễn của chương trình Duyên dáng Việt Nam năm nào. Không chỉ thể hiện lại bản hit một thời, Mỹ Linh còn thử sức với Một thoáng Tây Hồ. Hai ngày trước đêm nhạc, chị vẫn còn băn khoăn với cách thể hiện ca khúc và đã tìm đến sự giúp đỡ của nhạc sĩ. Nằm trên giường bệnh, Phó Đức Phương vẫn gợi mở và hướng dẫn cho Mỹ Linh nhiều cách cảm thụ bài hát. Chỉ có vài phút trên sân khấu nhưng nữ ca sĩ đã truyền tải hết những gì được ông chỉ dạy về Một thoáng Tây Hồ và nhận về tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.
Là người biên tập cho chương trình, Tùng Dương nhường hết các bản hit của Phó Đức Phương cho Thanh Lam và Mỹ Linh. Theo nam ca sĩ, anh tự nhận về "phần xương xẩu" là những ca khúc mới và cũng là phần trầm nhất trong mạch cảm xúc của nhạc sĩ. Khúc hát phiêu ly hay Văn Giang - một khúc sông Hồng đều là những bản hùng ca, nói lên sự đau đáu của tác giả dành cho đất nước, quê nhà.
Ngoài các Diva và Divo, liveshow còn có sự tham gia của nhiều ca sĩ gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Phó Đức Phương như Lan Hương, Phương Anh, M4U, Minh Thu... Mỗi tiết mục đều được đầu tư chỉn chu và được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt. Đêm nhạc như một dòng chảy xuyên xuốt, tạo nên nhiều cảm xúc cho những người yêu âm nhạc Phó Đức Phương.
Trong bối cảnh nhạc sĩ bị bệnh nặng, khoảnh khắc các con ông tề tựu trong đêm nhạc càng khiến khán giả thêm xúc động. Nhà báo Phó Khánh Chi, con gái thứ hai của Phó Đức Phương vừa khóc vừa nói rằng, gia đình bất ngờ nhận được lời đề nghị về đêm nhạc này và mặc dù rất mệt, nhạc sĩ vẫn đồng ý để nó diễn ra. Chị biết rằng bố mình nằm ở bệnh viện cũng đang hướng về Nhà hát Lớn và cảm nhận được tình cảm mà các nghệ sĩ và khán giả dành cho mình. Thay mặt gia đình, chị cảm ơn món quà tinh thần mà mọi người đã tặng và mong đó sẽ là động lực để nhạc sĩ Phó Đức Phương vượt qua bạo bệnh. Chương trình còn có tiết mục đặc biệt là màn song tấu piano do hai con của nhạc sĩ là Phó Vũ Thư và Phó Đức Hoàng thể hiện. Tác phẩm mang tên Qua miền mơ xanh được Phó Đức Hoàng sản xuất và hoàn thiện trong hai tuần với nhiều chất liệu âm nhạc Á Đông và phảng phất âm nhạc của Phó Đức Phương.
Liveshow Khúc hát phiêu ly diễn ra ở Nhà hát Lớn tối 10/7. Hơn 500 chỗ ngồi của khán phòng được lấp đầy. Nhiều khán giả lớn tuổi có mặt từ sớm, háo hức được nghe những nhạc phẩm của Phó Đức Phương trên sân khấu lớn. Nhạc sĩ Nguyễn Cường và Nguyễn Vĩnh Tiến là hai người dẫn truyện. Họ kể cho khán giả nghe về những ca khúc của Phó Đức Phương từng là động lực chiến đấu cho các chiến sĩ ở chiến trường miền Nam những năm tháng chống Mỹ. Nguyễn Cường còn gọi ông bạn thân của mình là chiến sĩ viết về những dòng sông vì ngoài chất trữ tình, những sáng tác của ông còn có tính bi tráng khi chạm tới những vấn đề mà ông luôn trăn trở là chủ quyền. Trước ngày đêm nhạc diễn ra, Phó Đức Phương còn dặn dò Nguyễn Cường phải nói gì đó về ca khúc mà ông tâm đắc. Hình ảnh nhạc sĩ lúc còn khoẻ, vừa gõ nhịp vừa hào sảng hát Tửu ca được chiếu trên màn hình lớn khiến một số khán giả khẽ lau nước mắt.
Chương trình níu chân người yêu nhạc Phó Đức Phương đến gần 11h trong sự hài lòng, mãn nguyện về một đêm nhạc phiêu bồng, ma mị, hào sảng nhưng vẫn đầy cảm xúc.
Ảnh: Phạm Chiểu
Video: Phạm Chiểu, Nguyên An