Làn da trắng sứ không một gợn nếp nhăn, mái tóc lấp lánh và đôi mắt lúc nào cũng tươi vui, Ling là gương mặt hiện được nhiều nhà quảng cáo quan tâm và khiến khán giả chú ý. Điều đặc biệt ở Ling là cô có những gì khách hàng muốn, bất cứ khi nào, với nụ cười không bao giờ phai nhạt trên môi.
Ling là một idol ảo có ảnh hưởng trên mạng xã hội với hơn 130.000 người theo dõi trên Weibo. Được tạo ra vào tháng 5/2020 bởi công ty start-up về công nghệ Shanghai Xmov của Trung Quốc và Công ty Truyền thông Văn hóa Bắc Kinh Cishi, Ling nhanh chóng đắt show, hình ảnh quảng cáo xuất hiện trên mọi nền tảng xã hội từ Instagram đến TikTok. Đó cũng là mục đích mà Ling ra đời, và cô đang làm rất tốt sứ mệnh đó.
Tháng 6 vừa qua, thương hiệu mỹ phẩm Huaxizi giới thiệu gương mặt đại diện tên gọi Huaxizi, một idol ảo. Cô gái có ngoại hình rất giống người thật, ngoại hình và sắc vóc phù hợp với vẻ đẹp phương Đông. Tmall đầu tháng 9 cũng công bố hợp tác với idol ảo Ayayi - cô gái mới được Ranmai Technology giới thiệu vào tháng 5. Cho đến hiện tại, cô gái đến từ thế giới ảo Ayayi đã nắm sơ sơ nhiều hợp đồng giá trị với các thương hiệu Anmushi, LV, King of Glory, Guerlain, Louis Vuitton và Givenchy...
Các thần tượng ảo khác của Trung Quốc bao gồm ca sĩ Luo Tianyi - một cô gái hoạt hình hai chiều - đã trình diễn tại Gala Xuân 2021 cùng ca sĩ Dương Ngọc Oánh. Cô hợp tác với nhiều công ty bao gồm Pechoin, Three Squirrels, KFC, Whisper, Huawei... Luo hiện có hơn 5 triệu người hâm mộ trên Weibo, thậm chí từng đứng chung sân khấu với nghệ sĩ piano nổi tiếng Lang Lang vào năm 2019.
Một thần tượng ảo hot không kém là Liu Yang (Jyanme) có 3 triệu người theo dõi trực tuyến và lượt xem video vượt quá 100 triệu. Yousa - một ca sĩ ảo trên Bilibili, phiên bản YouTube của Trung Quốc - hiện có hơn 3 triệu người đăng ký theo dõi.
Theo báo cáo của Bloomberg hồi tháng 6, ngành công nghiệp thần tượng ảo tiếp cận khoảng 390 triệu người Trung Quốc, với ngành công nghiệp hoạt hình và hàng hóa đi kèm trị giá khoảng 35 tỷ USD.
Dữ liệu từ iiMedia Research công bố cho thấy, ngành công nghiệp thần tượng ảo của Trung Quốc có trị giá 3,46 tỷ NDT (487 triệu USD) vào năm 2020, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và được dự báo sẽ đạt 6 tỷ NDT (875,9 triệu USD) vào năm 2021.
Vì sao thần tượng ảo xuất hiện?
Ngôi sao lưu lượng cao (chỉ những sao có nhiều fan) từng tạo cơn sốt tại Trung Quốc từ vài năm trước. Các thương hiệu từng cố gắng sử dụng ảnh hưởng và sức hấp dẫn của nhóm nghệ sĩ thần tượng này, bất chấp tiền cát-xê cao ngất ngưởng để thúc đẩy giá trị thương hiệu và doanh số bán sản phẩm.
Nhưng tiệc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Năm 2021 đánh dấu sự đảo lộn của Cbiz, khi giá trị thương mại của nhiều ngôi sao lưu lượng trở về con số không, đơn cử Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn... SCMP trong bài viết đầu tháng 9 nhận định, các thương hiệu xa xỉ "vô cùng bấp bênh" khi hợp tác với sao Trung Quốc.
Sự ra đời của thần tượng ảo, hiện được Trung Quốc hướng tới như một giải pháp thay thế tức thời cho các ngôi sao thực - bộ phận dễ bị tha hóa, biến chất trong môi trường showbiz nhiều cám dỗ. QQ cho biết, hơn một năm trở lại đây, thần tượng ảo được nhiều nhà quảng cáo đưa vào tài sản thương hiệu và đối tượng hợp tác kinh doanh của họ.
Các nhan sắc ảo hot nhất Trung Quốc
Idol ảo không còn là khái niệm quá mới ở các nước như Nhật Bản, Mỹ... Tại thị trường Nhật, hot girl Imma là ngôi sao của các thương hiệu Menglong và SKII. Lil Miquela, mỹ nhân ảo hiện hoạt động trên Instagram, có tài nguyên gồm các thương hiệu Fendi, Burberry và các thương hiệu cao cấp khác. Ảo thì ảo, nhưng Miquela và các idol ảo khác đang kiếm được tiền thật. Miquela kiếm được khoảng 11 triệu USD vào năm ngoái, vượt xa mức lương trung bình hàng năm của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội là 46.703 USD.
Sự hiện diện của thần tượng ảo ngày càng trở nên gần gũi với con người. Hành vi, hoạt động hàng ngày trên mạng xã hội mà họ tham gia dường như không khác gì người thật, và do đó, họ trở nên giống với một người nổi tiếng trên mạng.
Lil Miquela - một idol mạng hot nhất hiện nay là một ví dụ. Hồ sơ của Lil cho thấy cô 19 tuổi, 'sống' ở Los Angeles, là một người mẫu kiêm nhạc sĩ người gốc Tây Ban Nha, Brazil và Mỹ. Với gương mặt lấm tấm tàn nhang, tóc tạo kiểu màu sắc trẻ trung, hiện đại, trang phục của những thương hiệu danh tiếng, Lil gây sốt trong cộng đồng mạng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Như mọi cô gái California trong đời thực, cô 'đến' tiệm xăm, 'dự' sự kiện của các thương hiệu lớn. Chỉ có một khác biệt duy nhất: đằng sau những sự hiện diện này của cô, là một nhóm 12 kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế.... ở thung lũng silicon.
Khác với thái độ hững hờ ban đầu, các thương hiệu dần trở nên yêu thích những idol ảo. So với người nổi tiếng ngoài đời thực, ưu điểm lớn nhất của các ngôi sao ảo này là không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như thời gian, không gian. Người nổi tiếng trong đời thực cần có lịch trình làm việc cụ thể nhưng những ngôi sao ảo có thể xuất hiện trong bất kỳ cảnh nào, làm những gì mà thương hiệu muốn, cho dù đó là ăn kem, thử quần áo từ các thương hiệu thời trang khác nhau hay xuất hiện trong cùng một khung hình với những người nổi tiếng khác ngoài đời thực.
Quan trọng hơn, so với các ngôi sao bằng xương bằng thịt có đời tư nhiều lùm xùm, thần tượng ảo có thể làm hài lòng những luồng dư luận khắt khe nhất bằng cách đảm bảo một lối sống hoàn hảo, nói không với scandal. Thương hiệu và người hâm mộ có thể hoàn toàn yên tâm: Idol sẽ không lừa dối, không yêu đương văng mạng, không tăng cân, giảm cân để quá gầy hay quá béo, không bao giờ thốt ra ngôn từ tục tĩu. Tóm lại, họ sẽ... hoàn hảo.
Giới hạn nào cho idol ảo?
Không phải ai cũng thích các thần tượng ảo. Nhiều khán giả nói họ vẫn thích nhìn thấy khuôn mặt thật trên các quảng cáo hơn là những thần tượng ảo "giả tạo".
Thêm vào đó, những nhân vật kỹ thuật số siêu thực tế này chỉ là những 'người ảo' có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ "thua đứt" các nghệ sĩ thật trong việc không thể góp mặt trong các show thực tế, đóng phim, ca hát... Do đó, idol ảo đến giờ vẫn chỉ là một làn gió mới. Ayayi - thần tượng ảo hàng đầu hiện nay - dù có một lượng lớn hợp đồng hợp tác tại Trung Quốc, vẫn còn một khoảng cách lớn so với thần tượng thật.
Một yếu tố khác được tính là điểm yếu của thần tượng ảo, chính là sự phụ thuộc vào yếu tố công nghệ. Trong chương trình thử giọng thần tượng ảo do iQiyi tổ chức vào năm 2020, một thần tượng ảo đã bị "bóc phốt" vì không quay được đầu khi hát, dẫn đến hình ảnh trở nên kỳ quặc. Hot girl ảo Ayayi cũng vấp phải những bình luận tiêu cực về biểu cảm khuôn mặt không tự nhiên, cũng như chất lượng sản phẩm mà cô quảng cáo.
Chuyên gia marketing kiêm nhà tư vấn thương hiệu Miro Li tại Hong Kong nói, thần tượng ảo không phải lúc nào cũng "hoàn hảo 100%", mặc dù họ đang là xu hướng mới trong quảng cáo.
Nguyễn Hương (Theo QQ,Vogue&Insider)