Giải trẻ vô địch thế giới 2015 đang tranh tài tại Hy Lạp là năm thứ hai liên tiếp kỳ thủ nhí được coi là thần đồng không tham dự. Anh Khôi đang đứng trước nguy cơ đánh mất cơ hội phát triển tố chất, sức vươn hiếm có của mình.
13 tuổi Anh Khôi đã là kỳ thủ Việt duy nhất hai lần giành HC vàng giải trẻ thế giới, lại ở hai lứa tuổi khác nhau. Sau chức vô địch giải U10 năm 2012, Khôi lại bước lên ngôi số một lứa tuổi U12 năm 2014. Kỳ thủ còn thể hiện khả năng đặc biệt, nhất là về sức đột phá cùng bản lĩnh, với những kỳ tích xưa nay hiếm khi từng giành HC bạc giải các kỳ thủ trẻ xuất sắc nhất nước hay HC vàng U20 giải trẻ toàn quốc trước hàng loạt hảo thủ đàn anh hơn mình tới 4-7 tuổi.
Khôi liên tục bứt lên, vươn tới nhiều đỉnh cao khác nhau từ mấy năm trong điều kiện chỉ tự rèn luyện, dưới sự dẫn dắt của ông thầy không mấy tên tuổi và gần như không tập huấn nước ngoài. Khôi vẫn dành thời gian chủ yếu cho việc học văn hóa, tập và đấu cờ một cách khá… hồn nhiên.
Anh Khôi đang thiếu cả hai điều kiện quan trọng nhất của quy trình đầu tư, chăm lo cho một VĐV trọng điểm, nhất lại ở một môn đặc thù như cờ vua. Khôi chưa được kèm cặp của một HLV xứng tầm đủ sức giúp em làm nên những cuộc vượt ngưỡng. Ông thầy “ruột” Nguyễn Thanh Sơn rất tâm huyết và nỗ lực song thực tế chỉ chuyên làm công tác đào tạo trẻ. Mãi mới đây, khi giới chuyên môn cùng dư luận có ý kiến quyết liệt, các nhà quản lý mới đưa ra giải pháp tình thế giao Khôi cho HLV Lâm Minh Châu - thầy “ruột” của Lê Quang Liêm. Nhưng thực tế, thầy Châu cũng chỉ mới làm việc với Khôi theo kiểu kèm thêm và kể cả có đặc trách cũng không thể đáp ứng được đòi hỏi.
VĐV sinh năm 2002 này vẫn chưa có kế hoạch tập huấn nước ngoài dài hạn tại một trung tâm quốc tế hàng đầu, giống như Liêm hay Sơn khi trước, quá trình gần như bắt buộc với cờ vua Việt Nam hiện tại. Chỉ ở một môi trường chuyên nghiệp và đẳng cấp cao, có những chuyên gia giỏi nhất, được cọ xát với các đấu thủ ở nhiều trường phái, Khôi mới có cơ hội để nâng nhanh trình độ, cũng như tích lũy điểm, qua đó đoạt chuẩn cho danh hiệu đại kiện tướng quốc tế.
Rõ ràng Anh Khôi chưa được đặt vào trong một quy trình đào tạo chuyên nghiệp và bài bản giống nhiều kỳ thủ Việt Nam, chứ chưa nói đến quốc tế. Ngành thể thao cùng đơn vị chủ quản chưa có sự nhìn nhận, quan tâm đúng mức, trong khi chính gia đình Khôi dường như đang có sự nửa vời giữa chọn lựa cho con theo nghiệp cờ hay lấy việc học văn hóa làm chính.
Khôi vẫn đang tiến đều trong sự lãng phí tiềm năng, cơ hội và thời gian. Dù tố chất và nỗ lực tự thân có tốt đến đâu, VĐV cũng không thể trở thành một Quang Liêm, thậm chí là Trường Sơn, nếu tiếp tục tập luyện, thi đấu theo kiểu được chăng hay chớ.
Thư Minh