Cuốn The Ministry of Special Cases (tạm dịch: Bộ những vấn đề đặc biệt) - tác giả Nathan Englander
Trong cuộc "Chiến tranh Bẩn" ở Argentina những năm 70, hàng nghìn nhà hoạt động xã hội và lực lượng chính trị đối lập đã "biến mất" không một dấu vết. Thực chất họ bị đưa đến các trung tâm bí mật và phải chịu đựng nhiều màn tra tấn dã man. Những người này sau đó bị tiêm thuốc mê hoặc ma túy, rồi đưa lên máy bay và ném xuống biển. Hàng trăm chuyến bay như vậy được thực hiện trong một thời gian dài, đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Cuốn tiểu thuyết của Nathan Englander là câu chuyện gây sửng sốt lòng người về một cặp cha mẹ đột nhiên phải đối mặt với sự mất tích của con trai mình. Đây là một tác phẩm xúc động nhưng cũng chứa đựng nhiều tấn hài kịch đen tối của xã hội Argentina thời đó. Ví dụ như cặp cha mẹ này đã chấp nhận lời đề nghị chỉnh sửa khuôn mặt miễn phí để trả nợ. Tác phẩm cũng ghi lại nhiều chính sách vô lý, ngớ ngẩn đến khôi hài của bộ máy chuyên chế độc tài thời đó. Điều thú vị nhất với tôi, là đôi khi trong cuộc sống những người dám vạch trần sự thật lại bị coi là kẻ điên.
Cuốn Sun Under Wood (tạm dịch: Mặt trời dưới rừng cây) - tác giả Robert Hass
Hồi còn ở trường Harvard, tôi đã đăng ký tham gia một lớp học thi ca của Jorie Graham, một nhà thơ nữ tài năng từng giành giải Pulitzer Prize. Và chính cô giáo đã đưa tôi đến với các tác phẩm của Robert Hass. Những câu chuyện mà ông chia sẻ trong tập thơ này khiến tôi vô cùng xúc động. Cách viết, văn phong của ông rất Mỹ, giản dị và sáng sủa. Và đàn ông nữa. Tuy nhiên, vẫn có một sự gồ ghề, trúc trắc trong những bài thơ của ông. Có một bài tôi đặc biệt yêu thích là Những con đom đóm tìm bạn đời - kết hợp cảm giác bị bỏ rơi thời thơ ấu với những hình ảnh thiên nhiên. Tuy tôi không thực sự hiểu chính xác ẩn ý của bài thơ này, nhưng tôi nghĩ rằng đó chính là điều đặc biệt của thi ca nói chung. Bởi nó đánh thức mọi cảm xúc mà ta không thực sự hiểu tại sao và bằng cách nào những bài thơ có thể làm được điều đó.
Cuốn Cloud Atlas (tạm dịch: Bản đồ mây) - tác giả David Mitchell
Đây là món quà tôi đã tặng cho tất cả những người bạn tôi quen biết trong suốt ba năm liền. Cloud Atlas là 6 câu chuyện khác nhau được kể trong nhiều thời kỳ và bằng những thể loại văn chương khác nhau. Một là thể loại tiểu thuyết lịch sử, một lại theo kiểu truyện trinh thám rùng rợn của những năm 70, cuốn thứ sáu thì là sách thuộc thể loại hậu khải huyền. Đó là một trong những tác phẩm đẹp đẽ, thú vị và kích thích người đọc nhất mà tôi từng đọc. Nó có thể thu hút toàn bộ sự chú ý của chúng ta. Những câu chuyện là những suy ngẫm sâu sắc về bao lực, đặc biệt là về quy luật tất yếu của bạo lực. Tác phẩm kết thúc với một cuộc hoán đổi đẹp đẽ: "... chỉ đến khi bạn thở gấp gáp trong giây phút cuối đời, bạn mới hiểu đời người ruốt cuộc không hơn gì một giọt nước rơi trong đại dương vô tận! Vậy thì đại dương là gì nếu không phải từ vô số giọt nước hợp thành".
Cuốn What Is the What (tạm dịch: Cái gì là cái gì) - tác giả Dave Eggers
Tôi đọc tin tức về đất nước Sudan hàng ngày và tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra ở đó cho đến khi đọc cuốn sách này. Dave Eggers kể câu chuyện về Valentino Achak Deng, một cậu bé thuộc nhóm Lost Boys of Sudan (Những cậu bé không nhà ở Sudan - đây là một nhóm gồm hơn 27.000 đứa trẻ thuộc hai bộ tộc thiểu số Nuer và Dinka ở Sudan mồ côi hoặc trở thành trẻ vô gia cư sau cuộc Nội chiến thứ hai ở Sudan kéo dài từ năm 1983 - 2005). Valentino Achak Deng đã đi bộ dọc khắp quốc gia rộng lớn nhất ở châu Phi này. Sau đó cậu vất vưởng trong các trại tị nạn suốt 13 năm trước khi được tái định cư ở Atlanta, Mỹ. Đây là một câu chuyện có tác động mạnh mẽ về sức mạnh mà đã khiến cậu ấy sống sót.
Có nhiều khoảnh khắc dịu dàng, thư thái nhưng chân thực đến khốc liệt trong cuốn sách này ví dụ như Deng và những người bạn cùng phòng đã mua một hộp tampon (một dạng băng vệ sinh phụ nữ) chỉ bởi vì bọn trẻ nghĩ rằng trông chúng thật đẹp. Cuốn sách này cũng đưa ra nhiều ví dụ ít đẹp đẽ về cách hành xử của người Mỹ - như việc Deng bị giữ làm con tin trong chính ngôi nhà của mình và bị cướp bóc. Tôi đã không hề biết rằng các nhóm giáo hội đó còn đỡ đầu cho những thanh niên này. Hiện tại, có nhiều hoạt động chống nhập cư đang diễn ra ở các bang của nước Mỹ, và cuốn sách cho mọi người thấy không ít người rất cần những thứ mà đất nước chúng ta có thể trao cho họ.
Cuốn A Tale of Love and Darkness (tạm dịch: Câu chuyện Tình yêu và Bóng tối) - Amos Oz
Tôi dự định sẽ đạo diễn một bộ phim về cuốn sách này. Về cơ bản, đây là một cuốn tự truyện kể lại chuyến di cư của gia đình tác giả từ châu Âu tới nơi mà hiện tại là đất nước Israel, cùng sự thất vọng của quyết định nhập cư này. Mẹ của tác giả đã tự sát, còn bản thân ông thì dành phần lớn cuộc đời để dựng lại kịch bản cùng các sự kiện nhằm lý giải tại sao bi kịch này lại xảy ra. Tiến trình dàn xếp lại cuộc đời bà mẹ đã biến cậu con trai trở thành một nhà văn.
Cuốn sách cũng nói về sự ra đời của một ngôn ngữ. Ở đây, tác giả Amos Oz đã kể về người bác vĩ đại của mình, một trong những "kiến trúc sư" tài năng đã sáng tạo ra tiếng Do Thái hiện đại. Làm thế nào những người dân ở đây làm quen với một từ, ví dụ như "áo sơ mi" cho tới khi ông tạo ra nó, bởi tiếng Do Thái cổ từng là một ngôn ngữ kinh thánh. Thật thú vị làm sao khi ta hình dung mọi chuyện xảy ra như thế nào trước khi người ta có thể đặt tên và gọi tên chúng. Làm sao bạn có tranh đấu khi không hề có ngôn từ để diễn tả điều mà bạn cảm nhận.
Đôi điều về nữ diễn viên Natalie Portman: Natalie Portman sinh ngày 9/6/1981 tại Jerusalem, Israel. Cô là diễn viên người Mỹ gốc Israel từng đoạt giải Quả Cầu Vàng và đề cử Oscar. Cô nổi tiếng khi đóng vai Padmé Amidala trong seri phim Chiến tranh các vì sao. Portman từng tự nhận mình "thông minh hơn một ngôi sao điện ảnh", đã tốt nghiệp cử nhân ngành tâm lý học tại Đại học Harvard. Năm 2005, cô giành Quả cầu vàng cho danh hiệu "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" với vai diễn trong phim Closer. Tháng 5/2008, cô được mời và trở thành giám khảo trẻ nhất tại LHP Cannes lần thứ 61. Natalie Portman tới Mỹ sinh sống năm 3 tuổi. Gia đình cô ban đầu sống ở Washington, DC, nơi Portman theo học trường Charles E. Smith Jewish Day rồi họ chuyển đến Connecticut và sau đó định cư tại Long Island, New York. Portman thổ lộ dù thực sự yêu nước Mỹ nhưng trái tim cô ở Jerusalem. Đó là nơi cô cảm thấy như ở nhà. Natalie là con một và rất gần gũi với cha mẹ. Tốt nghiệp Đại học Hebrew của Jerusalem năm 2004, hai năm sau cô xuất hiện như giảng viên thỉnh giảng tại một khóa học ở Đại học Columbia về chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa chống khủng bố. Tại đây, cô chia sẻ nhiều điều về bộ phim V for Vendetta. Ngoài việc thành thạo tiếng Do Thái và tiếng Anh, Portman còn học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Ả Rập. Khi là sinh viên, Portman là đồng tác giả hai tài liệu nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học. Bài viết năm 1998 về Một phương pháp đơn giản để chứng minh việc sản xuất enzyme của hiđrô từ đường đã được đăng ở Intel Science Talent Search. Năm 2002, cô đóng góp cho một nghiên cứu về bộ nhớ có tên Frontal Lobe Activation During Object Permanence trong quá trình nghiên cứu về tâm lý học tại Harvard.
Portman học khiêu vũ từ năm 4 tuổi và biểu diễn ở đoàn kịch địa phương. 10 tuổi, cô được mời làm người mẫu trẻ em nhưng từ chối để tập trung diễn xuất. Portman từng thổ lộ cô khác những đứa trẻ khác, có nhiều tham vọng, biết mình thích và muốn gì cũng như cô đã làm việc chăm chỉ và rất nghiêm túc. Nhận xét về chất chính trị trong phim V for Vendetta, Portman nói việc là một người Israel khiến cô muốn đóng vai này bởi khủng bố và bạo lực là một phần cuộc sống hàng ngày của cô từ khi mới chào đời. Cô cho hay bộ phim "không tuyên ngôn rõ ràng tốt hay xấu. Phim tôn trọng khán giả, đủ để họ đưa ra ý kiến riêng của mình". Portman ăn chay từ nhỏ và luôn vận động bảo vệ động vật. Cô không ăn sản phẩm từ động vật hay mặc áo da, lông thú. Portman cũng tìm hiểu những nguyên nhân ô nhiễm môi trường từ thời thơ ấu khi tham gia vào đoàn kịch múa World Patrol Kids. Cô còn là thành viên của phong trào Voice One. Portman đã tham gia vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004 của ứng cử viên Dân chủ John Kerry và hỗ trợ các hoạt động chống đói nghèo. Trong năm 2004 và 2005, cô du lịch đến Uganda, Guatemala, và Ecuador. Cô là Đại sứ của Hope for Finca International, một tổ chức khuyến khích cho vay, giúp doanh nghiệp của phụ nữ ở các nước nghèo. Trong cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ 2008, Portman ủng hộ Thượng nghị sĩ Hillary Clinton cho chức tổng thống, nhưng cô cũng thích Obama. "Tôi thậm chí ủng hộ cả John McCain". Sau đó, cô vận động tranh cử cho Obama trong cuộc tổng tuyển cử.
Giải thưởng
2002 Đề cử
2000
2003
2005
2006
2007 |
Linh Nhi