Cao 156 cm, Linette Lim có dáng người nhỏ nhắn, nhưng những gì cô làm được thật khiến nhiều người ngưỡng mộ. Bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào, Lim đã góp phần nuôi 20 em bé cùng lúc với con mình. Câu chuyện của Lim được chia sẻ trên báo The Straits Times.
Linette Lim hiện là một nhà tài trợ thường xuyên tại ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH), Singapore. Tại đây, trung bình một nhà tài trợ sẽ chia sẻ khoảng 8 lít sữa mẹ cho các em bé có nhu cầu sử dụng. Còn với Linette Lim, từ tháng 8/2017 đến tháng 5/2018, cô đã quyên góp khoảng 120 lít sữa mẹ cho KKH và hai bà mẹ khác.
Con trai của Lim, Sherman, hiện 18 tháng tuổi, nhưng cô vẫn tiếp tục duy trì nguồn sữa mẹ và mỗi ngày hút được khoảng 1,5 lít. Trong đó, Sherman sẽ uống hết khoảng một lít và phần còn lại được Lim đem đi tặng. Lim nói rằng tốc độ và lượng sữa của cô gần như không thay đổi từ khi Sherman ra đời.
Hiện tại, Lim không còn quyên góp sữa cho ngân hàng sữa của KKH vì nó chỉ phục vụ cho trẻ dưới 36 tuần tuổi và thành phần sữa mẹ cũng thay đổi khi con lớn lên. Tuy nhiên, khi biết được số lượng sữa đã tặng, Lim cho biết: "Tôi không theo dõi việc này nên thực sự bị sốc khi KKH thông báo cho tôi về lượng sữa tôi đã gửi đến".
Mỗi ngày, Lim phải rửa và khử trùng tất cả 15 chai sữa, 3 máy hút. Sữa được cho vào túi và giữ đông lạnh trong hai tủ luôn đầy ắp. Lim chỉ ngủ hai tiếng mỗi đêm vì cô phải hút sữa cứ sau 4 giờ và chăm sóc hai con của mình. Cậu con trai lớn của cô hiện 2 tuổi rưỡi.
Về chế độ dinh dưỡng, bà mẹ hai con thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu chất béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và yến mạch để có lượng sữa dồi dào. Ngoài ra, cô còn uống nhiều trà sữa và ăn sầu riêng.
Chia sẻ về lý do khiến Lim tâm huyết với việc quyên góp sữa mẹ, bà mẹ hai con kể rằng khi cô mang thai Sherman được 36 tuần, các bác sĩ chẩn đoán cậu bé chỉ có 5% cơ hội sống sót. Cậu bé có một lỗ hở bất thường trong cơ hoành; ruột và gan bị đẩy từ vùng dạ dày đến khoang ngực, ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi.
Trong lúc tuyệt vọng, Lim đã hỏi bác sĩ rằng cô có thể làm gì với lượng sữa mẹ mà cơ thể bắt đầu tiết ra. Và đó là lúc Lim biết đến ngân hàng sữa mẹ. "Tôi và chồng tôi muốn tặng sữa mẹ như một bằng chứng cho sự tồn tại của con trai, vì vậy, ngay cả khi con tôi không còn nữa, con vẫn có thể giúp người khác bằng một cách nào đó", Linette Lim nói. Cô nhớ lại lúc nhìn thấy các bà mẹ khóc trong phòng điều dưỡng tại KKH vì họ không có đủ sữa cho con - tiêu chuẩn vàng trong dinh dưỡng của trẻ sơ sinh.
Sherman ra đời, cậu bé trải qua 68 ngày chăm sóc đặc biệt và được phẫu thuật để chuyển các bộ phận trong cơ thể trở về đúng vị trí và "vá" lỗ thủng trên cơ hoành. Vì cậu bé không thể bú sữa mẹ trực tiếp vào thời điểm đó nên Lim bắt đầu hút sữa ra dự trữ cho con và đem tặng số sữa không dùng đến.
"Tôi phải tiếp tục giữ nguồn sữa mẹ vì Sherman, cho đến hôm nay, vẫn chỉ uống sữa. Vì lúc sinh ra, con được đặt nội khí quản nên không thể ăn thức ăn rắn", Lim giải thích.
Từ việc làm của mình, Lim còn nhận ra việc tặng sữa có ý nghĩa rất quan trọng với các bà mẹ khác, giúp họ yên tâm hơn vì biết rằng con mình đang được uống loại sữa tốt nhất có thể.
Ngân hàng sữa mẹ KKH với hơn 400 nhà tài trợ đã giúp đỡ được cho trên 600 trẻ sinh non hoặc ốm yếu mà mẹ của chúng không có đủ sữa. Mỗi bé sẽ nhận được khoảng 3 lít sữa mẹ trong vòng 13 ngày. Theo đại diện của KKH, trẻ được bú sữa mẹ hiến tặng sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử. Đây là bệnh đường ruột nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sinh non.