Một ngày của Nguyễn Tường Miên, 36 tuổi, bắt đầu lúc 5h bằng bài thiền, sau đó là đọc sách, đi dạo. Cô gái quê TP HCM có cuộc sống giản dị tại Đà Lạt với vườn hoa oải hương trên đèo Tà Nung và ba chú mèo. Miên tốt nghiệp đại học và có bằng thạc sĩ, nhưng cô không chọn làm việc tại Sài thành mà "phải lòng" núi rừng Đà Lạt. Năm 2008, Tường Miên quyết định từ bỏ phố thị, lên Đà Lạt, sống một mình trong căn nhà trọ cách trung tâm thành phố 7 km. Hàng ngày, cô làm việc tại Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và chăm sóc vườn oải hương có tên Tùng Hạ của mình.

Nguyễn Tường Miên chọn cuộc sống một mình tại Đà Lạt.
- Khi còn ở TP HCM, Tường Miên là cô gái thế nào?
- Từ nhỏ tôi được rèn luyện tính tự lập và các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Tôi cũng đi học và đi làm thêm như các bạn sinh viên khác, tham gia hoạt động Mùa hè xanh hàng năm.
Tôi là người trầm tính, ở một mình cũng được, làm việc với tập thể cũng ổn. Nhưng tôi thích không gian yên tĩnh hơn, có thể ngồi thiền và suy nghĩ về bản thân, cuộc sống xung quanh mình. Đây có lẽ là một phần lý do tôi phù hợp với cuộc sống ở Đà Lạt.
- Điều gì khiến chị từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp nơi Sài thành để lên Đà Lạt?
- Tôi yêu thích thiên nhiên, muốn khám phá những điều mới lạ, đặc biệt là thực vật. Tôi luôn luôn bị kích thích và hào hứng khi bước vào rừng.
Từ năm thứ hai đại học, tôi đã xác định chuyên môn của mình là Nhân giống nuôi cấy mô thực vật, từ đó tìm hiểu chuyên sâu về nó. Tôi làm luận văn tốt nghiệp tại phòng Công nghệ sinh học của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nên gần một năm rưỡi ăn ngủ ở Đà Lạt, tôi phát hiện nơi đây có những cánh rừng, môi trường thiên nhiên mới mẻ, lạ lẫm mà TP HCM không có. Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định chọn mảnh đất này là nơi mình sẽ phát triển.
Thực ra, lần đầu tôi "gặp" Tùng Hạ (khu vườn oải hương của Tường Miên) cách đây 17 năm trong chuyến đi cùng người bác. Bác kể cho tôi nghe về những khu vườn thảo dược với nhiều loại cây gia vị thơm lừng ở Thụy Sĩ, ở Pháp. Bác cũng muốn xây dựng một khu vườn như thế ngay trên chính mảnh đất này, nhưng bác đã không làm được. Điều ấy khiến tôi thương bác, thương Đà Lạt hơn. Lúc tôi có thể, tôi bắt đầu gây dựng lại Tùng Hạ, tiếp nối ước mơ của bác.
Tôi cũng nuối tiếc Sài thành một chút bởi đôi khi cần học ở đó những điều Đà Lạt không có. Đà Lạt không có nhà sách như TP HCM. Và đôi khi tôi thèm những món mẹ nấu.
- Gia đình, bạn bè phản ứng thế nào với quyết định lên Đà Lạt của chị?
- Thời gian đầu không ai ủng hộ tôi lên Đà Lạt vì sợ những độc hại của hạt nhân. Tôi đã giải thích rất nhiều về công việc của mình nhưng mọi người chưa hiểu. Mẹ khuyên và nhờ người thân can ngăn tôi. Tôi đành trở về TP HCM rồi xin việc ở Đồng Nai.
Cánh rừng nơi tôi làm việc ở Đồng Nai cũng rất đẹp, nhưng tôi vẫn nhớ Đà Lạt. Sau đó gần một năm, tôi quyết định trở lại Đà Lạt làm việc. Khi ấy, bố mẹ bắt đầu hiểu dần về đam mê của tôi qua những câu chuyện tôi kể. Tôi hứa hẹn, thề thốt sẽ chăm sóc bản thân rồi "khăn gói quả mướp" lên đường. Tôi bắt đầu làm việc tại Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp từ năm 2008.
- Chị gặp phải những khó khăn gì khi bắt đầu cuộc sống tại Đà Lạt?
- Đà Lạt là một thành phố trầm, buồn. Tôi sống một mình trong căn nhà trọ của cô chú chủ nhà là nông dân. Người Đà Lạt làm việc trầm trầm và từ từ nên khi chuyển từ TP HCM về, tôi bị sốc với vấn đề này. Nhưng tôi có mục tiêu, tôi vẫn làm việc theo phong cách của mình. Ngoài thời gian làm việc, tôi đọc tài liệu và vào rừng nghiên cứu thêm về cây cối. Thỉnh thoảng, tôi đạp xe, đi bộ và lang thang khắp nơi.
Một điều nữa khiến tôi sốc là mức lương ở Đà Lạt thấp hơn TP HCM nhiều. Ở đây cũng gần như không có việc làm thêm. Nhưng chuyện đó không phải vấn đề lớn vì cuộc sống của tôi đơn giản. Được làm việc ở môi trường phù hợp là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua tất cả.

Tường Miên bầu bạn với những chú mèo.
- Một ngày của chị ở Đà Lạt diễn ra thế nào?
- Tôi dậy sớm để ngồi thiền và đọc sách, sau đó dẫn bầy mèo đi thăm cây cối, đi tưới nước cho cây và ươm trồng những cây hoa oải hương. Tôi xem cây cối là những sinh vật có cảm giác nên tâm trạng tôi vui, buồn theo sự phát triển của chúng. Buổi tối tôi đi ngủ sớm vì công việc ban ngày hơi cực. Một ngày diễn ra đơn giản vậy thôi.
- Bạn làm gì lúc mệt mỏi, cô đơn?
- Tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng khi nhìn hoa nở hàng loạt và phát triển tốt. Nhưng cũng có lúc xót xa khi hoa chết vì thời tiết. Mùa mưa năm ngoái, tôi phải nhổ hơn 200 bụi lavender bị bệnh. Tháng 4 vừa rồi cũng bị mưa đá làm gẫy hết hoa, dập lá. Nhìn những bụi hoa mà thấy tội nghiệp chúng, nhưng tự nhủ ngày mai sẽ chăm sóc chúng tốt hơn.
Đôi khi tôi cảm thấy cô đơn vì cách tôi làm việc thực sự không biết trước kết quả. Nhưng tôi được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè. Tôi nhìn vào mục tiêu đã đặt ra cho Tùng Hạ và làm thôi.
- Thế còn chuyện tình yêu đôi lứa, chị nghĩ gì về nó?
- Tôi từng trải qua hai mối tình nhưng có lẽ lúc này, tôi thích cuộc sống một mình nhất.
- Chị đang ước mơ điều gì?
- Trong tương lai, tôi muốn thành lập Trung tâm ứng dụng thảo dược Việt Nam thuộc Viện công nghệ sinh học và vi sinh ứng dụng miền Nam. Tôi muốn góp sức làm nhiều sản phẩm tốt cho người tiêu dùng, nhất là sản phẩm từ thiên nhiên dành cho trẻ em.
Hiện tại hướng đi của trang trại cứ từ từ và chắc chắn, nghiên cứu thử nghiệm các sản phẩm tốt mới sản xuất nhiều. Có thể qua năm nay, tôi sắp xếp đi học thêm chuyên sâu ngành hương liệu thiên nhiên và thảo dược ở Mỹ. Đất nước mình quá tuyệt vời với các cây thảo dược mà hiện tại chưa có nhiều người tâm huyết với nó. Tôi cũng muốn chia sẻ tới mọi người tình yêu thiên nhiên, mong muốn sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
- Điều gì khiến chị hạnh phúc nhất lúc này?
- Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được làm công việc mình đam mê, được sự ủng hộ từ những người thương yêu.
Tôi thích nhâm nhi tách trà rồi ngồi đọc sách trong phòng trọ. Đà Lạt yên tĩnh lắm, những chú mèo tranh nhau nằm trong lòng tôi rồi ngủ vùi. Tôi nghĩ cuộc sống càng đơn giản càng hạnh phúc. Tôi đang tận hưởng cuộc sống ấy.

Khu vườn oải hương của Tường Miên.
Lam Trà thực hiện