Tép trấu hay còn gọi là tép riu, tép mòng, tép đồng vốn đã quá quen thuộc với nhiều người. Con tép nhỏ xíu, kích cỡ lớn nhất cũng chỉ khoảng 3-5 cm, khi sống có màu xanh nhạt hoặc trắng, vị ngọt đặc trưng, phổ biến ở nhiều thành phố. Thế nhưng không dễ tìm mua thứ nguyên liệu dân dã này tại Sài Gòn. Thậm chí, vì khan hiếm tép tươi sống mà năm 2016, giá tép trấu rang cốt dừa, hay nấu canh tập tàng... khá cao trong các nhà hàng cơm Việt, nhưng vẫn hút các thực khách muốn tìm lại hương vị quê nhà.
Tuy nhiên, gần đây cơn sốt tép trấu quay trở lại với món ăn vặt bình dân, khiến các bạn trẻ thích thú: tép trấu lăn bột chiên giòn, được bán trong các quán chuyên món miền Tây. Dù đa phần đầu bếp sử dụng tép đông lạnh vì khó mua tép sống, tép trấu chiên giòn kẹp ít rau sống, chấm mắm rồi đưa lên miệng nhai "rộp rộp", chắc chắn nhanh chóng chinh phục bao tử bạn vào buổi chiều tối trời mát mẻ.
Ngoài công đoạn mua tép và làm sạch hơi tốn thời gian, cách chế biến món này rất đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được. Do con tép nhỏ nên bạn phải rửa thật sạch, loại bỏ hết tạp chất, dùng kéo cắt bớt râu, để ráo. Tiếp theo, bạn pha bột chiên giòn với nước lọc, rồi đổ tép vào trộn chung, nêm thêm chút gia vị như bột ngọt, bột nêm, nước mắm...
Mỗi tiệm pha bột chiên tép theo công thức riêng, cho hương vị khác nhau. Có nơi trộn bột gạo, bột mì và nước lọc là đủ. Có nơi cầu kì hơn, ngoài bột còn thêm trứng vịt tạo độ béo, khoai môn bào sợi tạo vị bùi hay hành tím băm nhỏ cho mùi thơm. Sau đó, bạn khuấy đều tất cả thành phần, múc từng vá hỗn hợp bột và tép, chiên ngập trong dầu nóng tương tự làm bánh chuối chiên. Đợi tới khi miếng bánh tép chuyển sang màu vàng giòn thì vớt ra, để ráo dầu.
Ăn tép trấu chiên bột đúng kiểu miền Tây là phải có lá cải cay kèm vài loại rau thơm. Bên cạnh đó, chén nước mắm chua ngọt góp phần không nhỏ giúp món ăn tròn vị. Nước mắm pha thật loãng, không quá ngọt dễ gây ngấy, cũng không quá chua. Khi ăn, bạn dùng lá cải cuốn miếng tép chiên, rau thơm rồi chấm ngập nước mắm, thưởng thức độ giòn, bùi, béo, thơm, mặn, ngọt của chiếc bánh. Muốn no thì bạn có thể gọi thêm bún tươi ăn chung.
Diệp Tử