Với vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, ngành ngân hàng đang có những tín hiệu tích cực nhờ nền tảng vĩ mô cải thiện và nhu cầu tín dụng phục hồi. Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), trước nhiều yếu tố thuận lợi cùng những thế mạnh dẫn dắt riêng của ngân hàng, Techcombank kỳ vọng sẽ có sự bứt phá ngoạn mục trong năm 2024.
Tại hội thảo online "Triển vọng ngành ngân hàng năm 2024", ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, nhấn mạnh triển vọng của Techcombank thông qua 4 lợi thế. Đầi tiên là việc phối hợp cùng Công ty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (TCBS) trong mảng quản lý gia sản. Trong mảng này, Techcombank là một trong những ngân hàng thuộc top đầu với giá trị tài sản quản lý lên mức gần 600.000 tỷ đồng, xếp vị trí số một trong mảng phát hành và phân phối trái phiếu, xếp số 3 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE. Với dự báo tỷ trọng dân số có thu nhập cao ngày càng tăng, ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra sản phẩm mới để phát triển mảng này.
Tiếp đến, Techcombank cũng có lợi thế khi sở hữu đa dạng các nguồn thu. Đây là ngân hàng đứng đầu về tỷ trọng thu nhập phí trên tổng thu nhập. Đối với phân khúc khách hàng cá nhân, Techcombank là ngân hàng số một về thị phần thanh toán thẻ. Năm 2023, bất chấp nhiều thị trường chủ chốt chững lại, thu nhập phí của ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng. Với sự phục hồi xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, những sản phẩm thu nhập phí của khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng và đây là động lực quan trọng cho Techcombank.
Bên cạnh đó, phát triển các chuỗi giá trị cũng là thế mạnh đặc biệt của Techcombank. Trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, ngân hàng triển khai thành công chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp lớn. Chiến lược trên đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, phát triển nhiều khách hàng mới với chi phí thấp và quản trị rủi ro tốt.
Cuối cùng, Techcombank tiếp tục đa dạng hóa và phát triển các phân khúc khách hàng mới. Tận dụng tệp khách hàng cao cấp cùng năng lực dữ liệu và công nghệ hiện đại, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng tệp khách hàng mục tiêu xuống phân khúc thấp hơn mà vẫn duy trì biên lợi nhuận.
"Đây là những thế mạnh mà chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy để tạo động lực tăng trưởng cho Techcombank trong năm 2024 và dài hạn", ông Phùng Quang Hưng nói.
Trả lời băn khoăn của nhà đầu tư về vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Khối ngân hàng đầu tư Techcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán kỹ thương (TCBS), cho rằng sự hồi phục của mảng kinh doanh trái phiếu đối với Techcombank và TCBS đang diễn ra mạnh mẽ, có thời điểm còn ấn tượng hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng thanh khoản diễn ra vào năm 2022.
Chia sẻ về triển vọng kinh doanh năm 2024, ông Phùng Quang Hưng kỳ vọng tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của Techcombank sẽ tăng trưởng tốt nhờ một số yếu tố. Về nguồn vốn, tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục hồi phục, từ đó tác động đến chi phí huy động vốn và NIM có thể hồi phục trong khoảng 4% - 4,5%, sau khi đi xuống tại mức nền thấp trong năm 2023. Đặc biệt, thu nhập từ lãi tiếp tục tăng trưởng khi mở rộng khách hàng, quan trọng là thu nhập từ phí - trọng tâm chính của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Bên cạnh nền tảng kinh doanh ổn định, Techcombank còn có chất lượng tài sản lành mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 của ngân hàng là 1,19%, tỷ lệ nợ xấu doanh nghiệp bất động sản bằng 0%, tỷ lệ nợ xấu cho vay mua nhà 1,5%. Đây là mức nợ xấu lành mạnh đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh khó khăn như năm qua.
Về mức tăng trưởng tín dụng, đại diện Techcombank cho biết ngân hàng sẽ dùng hết hạn mức Ngân hàng Nhà nước đã cấp. Mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank sau 2 tháng đầu năm tăng khoảng 3-4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.
Hải My