Tàu đãi vàng xúc đá và cát lên từ dưới đáy sông. |
Vượt qua con đường đầy đá lởm chởm dài 97 km chạy ngược sông Đà từ thị xã Mường Lay (Điện Biên) lên thị trấn Mường Tè (Lai Châu), tiếp tục vượt qua những ngọn núi uốn lượn rồi tuột xuống bờ vực dựng đứng, con sông Đà bên dưới reo sùng sục.
Những con tàu đen sì neo đậu giữa dòng với những guồng máy, mái lều như một công xưởng trên mặt nước. Để đến được những con tàu vàng này không đơn giản bởi hệ thống vệ sĩ, bảo kê rải khắp đường thủy, đường bộ.
Chỉ có hai đối tượng được tiếp cận tàu: phu đào vàng và kẻ buôn vàng. T., một thổ địa chuyên môi giới mua bán vàng, giới thiệu với chủ tàu chúng tôi là những người đi mua vàng nên ông chủ Hoàng mới đồng ý cho chúng tôi “hạ thủy”.
Trèo lên chiếc xuồng “liên lạc”, vượt qua dòng nước xiết để đến con tàu, chúng tôi bất ngờ vì quy mô hoạt động của những con tàu săn vàng. Nó như một cỗ máy đồ sộ, nghênh ngang, vang động với băng tải gồm 30 cái gàu có miệng rộng 1m như những chiếc răng khổng lồ ngoạm xuống lòng sông.
Những tảng đá nặng hàng tạ cũng được chúng múc lên dễ dàng rồi lại giội từ trên cao xuống cùng với nước qua hệ thống máng xối và thảm nhựa để giữ lại phần cát có lẫn những vảy vàng.
Năm thợ máy khỏe mạnh thay phiên nhau túc trực không để cho một con ốc nào lơi lỏng sao cho gàu hoạt động hiệu quả nhất. Cứ thế suốt 24 giờ một ngày. Cứ một ngày thì thu được một chậu thau to những hạt cát màu đen.
“Nếu đổ ra ngoài đường chẳng ai thèm nhặt đâu - một anh thợ trẻ tên Đạt mỉm cười - nhưng giờ ai mua 15 triệu đồng chủ tôi mới bán”. Tôi tò mò vục tay xuống, chỉ thấy cát đen ngòm. Đạt lại cười mỉm, tay trỏ vào một đống những dụng cụ treo trên vách: “Vàng sẽ được lọc bằng thủy ngân, rồi khò (cô) lại thành từng cục”.
Theo số liệu của UBND thị xã Mường Lay, có khoảng 50 con tàu đang ngày đêm đãi vàng trên sông Đà. Tàu lớn có gàu rộng nhất là 1,4m, tàu nhỏ gàu chừng 0,7m. Tất cả chủ yếu được người thợ ở Hà Tây đóng, họ vận chuyển theo từng “cục” bằng đường bộ lên đây rồi hạ thủy và ráp lại thành những con tàu to đùng...
Người dân bản địa nơi này cho biết sông Đà bao đời nay hiền hòa, lặng lẽ trong suốt mùa khô. Vậy mà giờ đây đang giữa mùa khô sông Đà vẫn cuồn cuộn sóng và đục ngầu...
Thời gian trước các thuyền đánh cá còn làm ăn khấm khá, bà con các bản làng ven sông vẫn sống được với con cá con cua, từ hồi có tàu vàng lên quay guồng gàu thì con cá con tôm ít hẳn đi...
Người dân vùng cao không biết vì sao nhưng với tầm hoạt động 24/24 giờ của hàng chục con tàu trên sông Đà cùng bao lượng cyanua, thủy ngân đổ xuống một cách vô tội vạ thì cá tôm nào có thể sống được?
Văn, một chủ tàu ở huyện Mường Tè, cho biết: “Hôm nào tàu không đào được một lượng vàng thì xem ra nguy cơ sạt nghiệp đã gần kề”. Còn ông chủ Hoàng nói: “Hôm trước có con tàu bến dưới rất xuân (may mắn), mỗi ngày kiếm không dưới chục lượng”.
Nhưng việc kiếm vàng được bao nhiêu ở đây là một thông tin cực kỳ nhạy cảm bởi ẩn sau nó là mối quan hệ phức tạp giữa con người với nhau, những đoạn sông, khúc bờ nào được “tuydô” bắn tin có trữ lượng vàng cao luôn là những thông tin có giá trị bằng... vàng.
Ngay khi tỉnh Điện Biên cho phép khai thác vàng từ khoảng hai năm nay, đã có những người nhanh chân mua hết một khúc sông dài cả chục cây số, chỉ riêng phần thuê “ mặt nước” thôi cũng đã 120 triệu đồng/năm và sẽ là chuyện nhỏ nếu bên dưới lòng sông là một mỏ vàng.
Nhiều người “bao” khúc sông rồi nhưng không đầu tư chi cho cực, mà cho hàng loạt tàu vàng khác vào làm và thu tiền. Đã có không ít những cuộc cạnh tranh khốc liệt diễn ra giữa các con tàu.
Theo luật bất thành văn, những con tàu phải cách nhau trong phạm vi 500m, nhưng khi biết “tàu địch” loại gàu 0,7m đang “trúng”, ban đêm các chủ tàu âm thầm cho tàu mình áp sát “tàu địch”, lợi dụng công suất gàu lớn (1m) ngoạm sâu và mạnh hơn, bao nhiêu vàng chạy sang tàu mình. Tàu yếu thế hậm hực rút lui mà không thể làm gì vì giữa chốn núi rừng heo hút luật nào hơn bằng “luật sơn lâm”?
Chủ tàu Văn cùng với hai người anh vừa thế chấp nhà cửa đầu tư tiền tỉ vào con tàu, vàng chưa thấy mà sự lo toan đã bao trùm con tàu: “Tàu chạy ầm ầm vậy chứ cả ba anh em tôi đều lo bạc đầu đây. Nợ ngân hàng phải trả hằng ngày, nói thật bao khúc sông làm cả năm nhưng thật sự chỉ khai thác sáu tháng mùa khô”.
Còn chủ tàu Hoàng chỉ mới mua tàu được một tháng thôi và đang phải cày như điên để thu hồi vốn. Hàng chục con tàu cũng đang điên cuồng cày xới lòng sông Đà đến đục ngầu vì cát đá...
Ông Bùi Châu Tuấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: “Sông Đà chia đôi hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Trước đây cả hai tỉnh đều cấm khai thác vàng trên sông vì ô nhiễm môi trường. Nhưng nghe nói sắp tới khi chặn dòng sông Đà để làm thủy điện Sơn La, khu vực này sẽ bị ngập nước hoàn toàn cho nên chúng tôi đã cho phép khai thác trong vòng năm năm - thời điểm ngập lòng hồ... Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hay báo cáo nào về mức độ ô nhiễm do khai thác vàng từ những con tàu này”.
Còn về trữ lượng và khả năng có vàng trên sông Đà hay không thì ông Tuấn không thể biết vì chưa có một nghiên cứu nào được triển khai cả. |
(Theo Tuổi Trẻ)